Gây mất niềm tin

- Bên cạnh đại đa số cán bộ đảng viên hết lòng hết sức vì nước, vì dân; hiện vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên có biểu hiện mị dân, từ đó tạo khoảng cách với dân, gây mất niềm tin trong nhân dân.

Thể hiện ở chỗ chỉ nói mà không làm, chỉ hứa rồi để đấy, hay hô hào, kêu gọi vì dân, nhưng lại không có những việc làm cụ thể, thiết thực để mang lại quyền, lợi ích chính đáng cho nhân dân.

Thể hiện ở chỗ gần dân mà vẫn không hiểu lòng dân. Tuy đến với dân, nhưng chỉ tuyên truyền, vận động, giải thích theo ý muốn áp đặt chủ quan. Nếu có nghe dân thì cũng “nghe để biết”, thực chất là bỏ ngoài tai.

Lại có những người tuy bề ngoài gần dân mà thực chất lại sống xa dân. Khi gặp dân thì vồn vã hỏi han, nhưng thật ra không quan tâm thật lòng. Nên mới có chuyện hỏi “cụ nhà vẫn khỏe chứ”, trong khi “cụ nhà” đã mất từ lâu!

Điều nguy hiểm hơn, những động thái mị dân thường được bao bọc một lớp hào nhoáng, tinh vi mà không phải người dân nào cũng dễ nhận diện. Họ chủ định làm một vài việc bề nổi nào đó nhằm vừa tránh bị mang tiếng là không thân thiện với dân, vừa phần nào lấy lòng dân.

Những biểu hiện trên thể hiện sự suy thoái đáng báo động. Nhân dân luôn có con mắt tinh tường và luôn nhìn nhận, đánh giá Đảng chủ yếu thông qua phẩm chất, tư cách, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Lịch sử đã chứng minh “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Đảng ta cũng đã có những quy định yêu cầu cán bộ, đảng viên không vô cảm, không “nói suông” với nhân dân, không sống xa dân.

Cha ông ta cũng có câu: “Nói chín thì phải làm mười/Nói mười làm chín, kẻ cười người chê”, muốn nhắn nhủ phải luôn coi trọng giữ gìn chữ “tín”, nói đi đôi với làm.

Chính vì vậy, đấu tranh với bệnh vô cảm, mị dân là nhiệm vụ thường xuyên của từng cấp ủy các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên.

Ngọc Linh

Tin cùng chuyên mục