Giá trị của Bảo tàng cách mạng

- Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào có 177 di tích, cụm di tích quốc gia. Với những giá trị lịch sử to lớn, nơi này được ví như một “Bảo tàng cách mạng” của cả nước. Tuyên Quang đang tập trung khai thác giá trị lịch sử khu di tích trong phát triển kinh tế du lịch - lĩnh vực đang được tỉnh tập trung phát triển thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Địa chỉ đỏ về nguồn

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào nằm trên địa bàn 11 xã trong Khu ATK (An toàn khu) thuộc hai huyện Sơn Dương và Yên Sơn.

Nhờ vị trí chiến lược quan trọng cùng những điều kiện thuận lợi, trong thời kỳ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, Tân Trào được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn là Thủ đô Khu giải phóng - nơi diễn ra những sự kiện có ý nghĩa quyết định với vận mệnh của dân tộc: Quốc dân Đại hội (ngày 16 và 17-8-1945) tại đình Tân Trào, thể hiện quyết tâm hưởng ứng chủ trương Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước; thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch... Từ đây, lệnh tổng khởi nghĩa được phát đi. Các địa phương trong cả nước lần lượt giành chính quyền. Cách mạng tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi vẻ vang, mở ra trang sử mới cho dân tộc với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau Cách mạng tháng Tám không lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Trong giai đoạn 1947-1954, Tân Trào lại trở thành trung tâm Thủ đô Kháng chiến, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc và lãnh đạo toàn dân kháng chiến, giành nhiều thắng lợi vẻ vang, Tân Trào là nơi ghi dấu những mốc son chói lọi của dân tộc.

Du khách tham quan đình Tân Trào.    

Chị Lành Thị Kiên, người đã có hơn 10 năm là hướng dẫn viên tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào chia sẻ: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào là địa chỉ đỏ trong hành trình về nguồn của đồng bào, chiến sỹ cả nước. Là “sứ giả”, là nhịp cầu nối văn hóa trực tiếp nhất của quê hương khi du khách đến với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, chị Kiên bảo đây không chỉ là vinh dự, trách nhiệm lớn lao của những người làm công tác thuyết minh, hướng dẫn tại khu di tích mà còn là cách để những người trẻ được lan tỏa những giá trị tinh thần vô giá của quê hương cách mạng, được bày tỏ tình cảm, niềm tự hào, lòng biết ơn với thế hệ cha anh đi trước, những người đã không tiếc cả tuổi xuân, xương máu để mang lại cuộc sống hòa bình, tươi đẹp, hạnh phúc hôm nay…

Chị Nguyễn Thị Oanh, đến từ Chợ Lách (Bến Tre) cho biết, đây là lần đầu tiên chị đến Tân Trào. Được tận mắt chứng kiến cuộc sống giản dị, thanh bạch của Bác Hồ tại căn lán Nà Nưa đơn sơ, chị càng thấy cảm phục và thương Bác, một người trọn cả cuộc đời chỉ biết “nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Tại đây, chị còn được tham quan, check-in làng chè Vĩnh Tân, được nghe hát Then trên hồ Nà Nưa; ngâm chân thư giãn từ lá thuốc của đồng bào, được học nướng cơm lam và nghỉ ngơi tại nhà sàn của bà con thôn Tân Lập. Đó là những trải nghiệm rất mới mẻ và đáng nhớ trong chuyến thăm Tuyên Quang lần này của chị.

Khẳng định giá trị lịch sử trong du lịch

Với mục tiêu đến năm 2025, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch Quốc gia, Tuyên Quang đã tập trung triển khai hiệu quả Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào gắn với phát triển du lịch đến năm 2025.

Đến nay, thực hiện những việc đột phá, đổi mới của tỉnh giao, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành công trình “Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng”; cải tạo, nâng cấp Quảng trường Tân Trào, đang dần hoàn thiện công trình Bảo tàng Tân Trào và phòng chiếu phim; Dự án Làng Văn hóa Du lịch và phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào tại xã Tân Trào (Sơn Dương)... Cùng với đó, ngành đã triển khai nhiều hoạt động nhằm xây dựng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào trở thành trung tâm giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng gắn với khai thác, phát triển du lịch như: khảo sát, xây dựng kịch bản phim tư liệu, tái hiện lịch sử Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô Kháng chiến; tổ chức các sự kiện tạo điểm nhấn: Đón đoàn khách thứ 200 và vị khách thứ 30.000 đến tham quan khu di tích; Lễ kỷ niệm 75 năm Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến; tổ chức các hoạt động dâng hương, báo công… cho các đoàn khách.

Để người dân Tân Trào cùng tham gia vào hoạt động khai thác, phát triển du lịch, từ đầu năm 2022, Ban quản lý các khu du lịch tỉnh đã xây dựng sản phẩm bơi mảng nghe hát Then, đàn tính trên hồ Nà Nưa. Đây là sản phẩm mới, do chính người dân sinh sống xung quanh khu vực lòng hồ tham gia phục vụ khách với mong muốn quảng bá những nét văn hóa đặc trưng của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang.

Theo đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những giải pháp trên đang từng bước đưa Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào trở thành điểm đến hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh trên cơ sở khai thác các giá trị di tích cách mạng Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến. Cùng với đó, việc liên kết với các tỉnh trong vùng để tạo tuyến du lịch liên hoàn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, từng bước xây dựng thương hiệu cho Khu du lịch Quốc gia Tân Trào...

Bài, ảnh: Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục