Tuy nhiên, hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” thì các thế lực thù địch lại xuyên tạc rằng “Lênin không có quan điểm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”; “Sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng và Nhà nước Việt Nam là thiếu thực tế, không hiệu quả”… Những luận điệu sai trái này cần được nhận diện và bác bỏ!
Giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười năm 1917, nước Nga Xô viết phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Trước tình hình đó, trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, V.I.Lênin đã đề ra nhiều biện pháp nhằm khôi phục và chấn hưng đất nước, trong đó, đấu tranh chống lại tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí là một trong những việc cần làm ngay. Theo đó, V.I.Lênin yêu cầu các quan tòa phải hết sức nghiêm khắc đối với các tội danh quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Người nhấn mạnh: Trong cuộc đấu tranh này, Đảng phải giữ vai trò tiên phong, muốn làm trong sạch bộ máy nhà nước thì phải làm trong sạch Đảng, Đảng phải có tác dụng chiến đấu.
Để cuộc đấu tranh chống lại tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí thực sự có hiệu quả, Lênin yêu cầu phải thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân lao động tham gia vào cuộc đấu tranh này, vì “một thiểu số người, tức là Đảng không thể thực hiện được chủ nghĩa xã hội”[1]. Lênin nhấn mạnh: Chúng ta cần phải phát huy tính tự giác, tinh thần chủ động, sáng tạo của quần chúng nhân dân lao động từ cơ sở, từ địa phương đi lên. Phải bổ sung cho cơ sở, bổ sung cho địa phương những cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi, trình độ quản lý cao, thậm chí điều động cả những cán bộ cao cấp đi nhận công tác ở địa phương. Cần chú ý xây dựng đội ngũ cán bộ nhà nước, tuyển lựa họ từ những phần tử ưu tú trong xã hội; sắp xếp, tổ chức phải tinh gọn, tuyển nhân viên vào các cơ quan đó cũng phải tuân theo những điều kiện ngặt nghèo… Chỉ có thiết lập được một mối liên hệ mật thiết hữu cơ giữa cơ sở địa phương với trung ương, dựa vào sự giúp đỡ từ cơ sở và có được đội ngũ cán bộ có trình độ, có giác ngộ giai cấp, có ý thức kỷ luật thì mới có thể tiến hành kiểm tra tính đúng đắn của pháp lệnh và kiểm tra được việc thi hành pháp lệnh đó trên thực tế... Sử dụng tất cả các biện pháp nói trên, kết hợp chúng một cách nhuần nhuyễn với nhau nhất định sẽ khắc phục được tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Với những quan điểm, chủ trương và biện pháp trên, V.I.Lênin cùng với những người lãnh đạo đất nước đã thành công trong việc hạn chế và tiến tới tiêu diệt tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ thành quả vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười; đưa Liên bang Xô viết trở thành cường quốc kinh tế, quân sự trên thế giới vào những năm 70 của thế kỷ XX.
Năm tháng qua đi, nhưng quan điểm, chủ trương và những biện pháp phòng, chống tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí của V.I.Lênin còn vẹn nguyên giá trị. Các thế lực thù địch dù có tăng cường xuyên tạc, chống phá thì những quan điểm của Lênin về phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn là nền tảng tư tưởng vững chắc, là kim chỉ nam đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.
Sự vận dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam
Vận dụng quan điểm của Lênin về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tại Nghị quyết số 14-NQ/TƯ ngày 15-5-1996 về quan điểm chỉ đạo và một số giải pháp để đấu tranh chống tham nhũng của Bộ Chính trị khóa VII đã chỉ rõ: Đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta hiện nay. Nó góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng Đảng và kiện toàn bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền dân chủ của nhân dân… Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (năm 2006), Đảng ta chỉ rõ: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm của của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các cấp ủy và tổ chức Đảng phải nhận thức sâu sắc tính cấp thiết, lâu dài, phức tạp và khó khăn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; có quyết tâm chính trị cao, đấu tranh kiên quyết, kiên trì, liên tục, có hiệu quả từ trung ương đến cơ sở, trong Đảng, Nhà nước và toàn xã hội…”[2].
Thực hiện Nghị quyết Đại hội X, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa X đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ-TƯ "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí". Đây là Nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề cập một cách toàn diện, tập trung về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Những nội dung của Nghị quyết có sự kế thừa, vận dụng quan điểm của Lênin về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đặc biệt, trên cơ sở những chỉ dẫn của V.I.Lênin và bối cảnh thực tiễn ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bổ sung những quan điểm chỉ đạo mới, khoa học về bản chất của tham nhũng; nguyên tắc, quy trình, biện pháp phòng, chống tham nhũng cũng như đã phê phán những nhận thức tiêu cực, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với công tác này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng “tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực và là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ; thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa bỏ tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn”[3]. Bên cạnh việc khẳng định căn nguyên của tham nhũng và sự khó khăn, phức tạp, lâu dài của công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư còn bổ sung diễn đạt mới đầy tính biện chứng khi nhấn mạnh “yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng là phải “nhốt” quyền lực trong “lồng” thể chế”[4]. Để thực hiện điều này, Tổng Bí thư cho rằng, “phải từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng”[5].
Nét sáng tạo riêng có và thể hiện đầy đủ tính toàn diện trong quan điểm phòng, chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là đã nhận diện đầy đủ, rõ ràng những hệ lụy từ nhận thức tiêu cực, không đúng bản chất của công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay. Những quan điểm này không chỉ phản bác luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, mà còn góp phần ổn định tư tưởng của cán bộ, đảng viên, điều hòa tâm lý xã hội.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần nhận thức một cách mạnh mẽ, toàn diện rằng: “Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh[6] và chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại”[7].
***
Quan điểm của V.I.Lênin về chống tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí là một hệ thống những vấn đề toàn diện và sâu sắc, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác phòng, chống tham nhũng đối với nhiều quốc gia, dân tộc. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, kể từ khi ra đời đến nay, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, qua các kỳ đại hội và trong nhiều nghị quyết, chỉ thị về phòng, chống tham nhũng, trên cơ sở vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lãnh đạo đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn này, qua đó góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam là sự kế thừa, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng. Do vậy, đâu đó những luận điệu xuyên tạc cho rằng “Lênin không có quan điểm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”; “Sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng và Nhà nước Việt Nam là thiếu thực tế, là không hiệu quả”… chỉ là sự chống phá chưa bao giờ ngơi nghỉ trong âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của các thế lực thù địch. Đấu tranh phản bác những luận điệu đó không chỉ bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin mà còn trực tiếp góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Trung Thông
--------
[1] V.I.Lênin, Toàn tập, Tập 36, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva. 1979, tr.68.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr.286-287.
[3] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.405.
[4] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr.410.
[5] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr.396.
[6] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr.401.
[7] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr.401.
Gửi phản hồi
In bài viết