Theo mộng hoa vàng
Phải đến dăm ba cuộc hẹn, chúng tôi mới được mục sở thị vườn trà hoa vàng của anh Trung. Dạo bước trong vườn trà và được mắt thấy, tay sờ cũng như nghe câu chuyện lập vườn trà của anh mới thấy hết tình yêu, niềm đam mê mãnh liệt của chàng trai dân tộc Cao Lan với cây trà hoa vàng này.
Sinh ra trong một gia đình có nghề gia truyền bốc thuốc nam, từ nhỏ anh Trung đã theo mẹ vào rừng kiếm cây thuốc. Niềm đam mê tìm hiểu về cây dược liệu, bài thuốc nam cứ thế lớn dần theo thời gian. Sau khi tốt nghiệp khoa Y học cổ truyền, Trường Y dược cổ truyền Tuệ Tĩnh (Hà Nội), anh Trung theo chân mẹ nối nghiệp nghề gia truyền.
Anh Lương Tiến Trung, thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm (Sơn Dương) chăm sóc cây trà hoa vàng.
Anh Trung kể: Cơ duyên đến với trà hoa vàng đối với anh rất tình cờ. Từ nhỏ, anh đã biết đến trà hoa vàng. Đây là loại cây quý, chữa được nhiều loại bệnh. Nhưng cây trà hoa vàng lại mọc phân tán trong rừng, bên các khe, lạch, để thu hái được nó kỳ công lắm. Thói quen của bà con là chỉ thu hái mà ít bảo vệ, chăm sóc nên cây trà có nguy cơ mai một. Trong nhiều cuộc luồn rừng tìm thảo dược, anh mê mẩn trước sắc hoa vàng óng ánh. Khoảng năm 2012, anh nghe mọi người nói về dự án trà hoa vàng là “cây đổi đời” ở vùng đất Ba Chẽ (Quảng Ninh). Từ đó, ý tưởng “rước” cây trà hoa vàng về vườn nhà đã lóe lên.
Đầu năm 2013, anh Trung bắt tay vào thực hiện trồng cây trà quý với hành trang 2 ha đất của gia đình và toàn bộ vốn liếng tích góp của hai vợ chồng. “Lúc ấy, khi nghe ở đâu có cây trà hoa vàng là tôi liền tìm đến. Tâm trí tôi khi đó cứ đau đáu về loài trà hoa vàng” - anh Trung nhớ lại.
Chờ đợi những vụ hoa
Hàng trăm cây trà hoa vàng đã được anh Trung mua lại từ người dân ở trong tỉnh và các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên để đưa về vườn trồng. Thời điểm đó, chàng trai dân tộc Cao Lan lấy vườn rừng là nhà, lấy gốc cây làm nơi ăn uống, nghỉ ngơi.
Anh Lương Tiến Trung kiểm tra chất lượng nụ trà hoa vàng sấy khô.
Ngày ngày, anh dồn hết sức chăm sóc cho loại cây này, hy vọng chúng sẽ lớn nhanh, khỏe mạnh và ra nhiều hoa trà. Hào hứng là thế nhưng trời không chiều lòng người. Do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật, đặc biệt, loại cây này vốn không ưa đất vườn mà chỉ phát triển khỏe mạnh khi mọc ở rừng, giáp khe sâu nên cây giống được anh Trung trồng cứ yếu dần rồi chết.
“Có thời điểm, trên 60% số cây giống bị chết, phải đào lên vứt đi, nhìn mà xót xa. Thiệt hại gần 100 triệu, lúc đó, tôi nản lắm, chỉ muốn bỏ cuộc. Nhưng vốn đam mê loại cây này, thêm vào đó, được gia đình động viên rằng nếu bỏ dở giữa chừng thì phí công sức và tiền vốn đã đầu tư nên tôi vẫn quyết định sẽ chinh phục bằng được”, anh Trung bộc bạch.
Để làm chủ kỹ thuật trồng và chăm sóc trà hoa vàng lúc này với anh Trung là một thử thách. Quyết tâm đến cùng, anh lại khăn gói đến các vườn của bà con ở Ba Chẽ, Tam Đảo, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Giang để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc trà. Anh Trung ngày đêm tự mày mò để cứu rừng cây của mình.
“Trà hoa vàng không cao, to, xum xuê như cây chè rừng. Vì thế, tôi trồng các cây ăn quả, thảo dược khác trước, rồi mới trồng trà hoa vàng. Đó là lợi ích kép, lấy ngắn nuôi dài. Vừa có quả, thảo dược thu hoạch sớm, vừa chắn gió, che nắng cho trà hoa vàng. Một điều quan trọng nữa là khâu chọn giống, cây giống phải khỏe, đã được đảo bầu lần 2. Loại cây này có đặc điểm là sống ở nơi ẩm ướt nên phải tưới thường xuyên. Khi cây đã cứng cáp, khoảng 2 năm tuổi, đầu rễ chuyển vàng là có thể đem ra vườn trồng được” - anh Trung nói.
Sau nhiều năm mất ăn mất ngủ, trời đã không phụ lòng người, giống cây hoang dã vốn được coi là “đỏng đảnh” ấy đã được anh Trung ươm mầm thành công. Chờ đợi những vụ hoa, sau hơn 3 năm chăm bẵm, hàng trăm cây trà hoa vàng đã có nụ. Ngày ấy, gia đình anh Trung vui như đào được vàng.
Đưa trà hoa vàng vươn xa
Đến nay, vườn trà hoa vàng của anh Trung có hơn 10.000 cây lớn nhỏ, trong đó, 60% diện tích đã thu hoạch. Với 6 dòng trà hoa vàng: Ba Chẽ (Quảng Ninh), hakoda Tam Đảo (Vĩnh Phúc), camellia Cúc Phương (Ninh Bình); cổ bầu lá xẻ, cổ bầu lá tròn cuống tím (Tuyên Quang), cổ bầu lá dài (Bắc Giang). Không chỉ có trà hoa vàng, vườn của anh Trung còn trồng nhiều loài dược liệu khác như: Xương khỉ, lan kim tuyến, khôi nhung, xạ đen…
Sản phẩm nụ trà hoa vàng của HTX Thuốc nam và võ thuật dân tộc y võ Cao Lan ATK.
Trà hoa vàng sau khi thu hoạch được sơ chế, đóng gói tại xưởng trước khi cung cấp cho người tiêu dùng. Hiện, mỗi năm anh Trung thu từ 70 - 80 kg nụ hoa trà khô, với giá bán 9 - 13 triệu/kg hoa khô. Ngoài thu hoạch hoa, lá của cây trà hoa vàng cũng có dược tính khá cao, có thể dùng làm cao, hoặc bán lá khô với giá 400 - 600 nghìn đồng/kg lá khô. Sản phẩm trà hoa vàng hiện không chỉ có mặt ở thị trường trong tỉnh, mà còn được các cửa hàng trà, cửa hàng OCOP tại các tỉnh, thành trong nước đặt hàng.
Anh Trung cho biết: Để sản phẩm trà hoa vàng vươn xa, anh đã thành lập HTX Thuốc nam và võ thuật dân tộc y võ Cao Lan ATK, với 10 thành viên, từng bước xây dựng thương hiệu trà hoa vàng. Từ ngày nhân giống thành công, đến nay, anh đã cung cấp cho bà con trong xã hơn 3.000 cây giống, nhiều nhà đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp để trồng chè hoa vàng. Toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến trà hoa vàng được HTX thực hiện theo phương thức truyền thống nhằm giữ trọn hương vị thiên nhiên trong từng cánh hoa và lá trà. Vì thế, hoa lá trà thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Hiện nay, sản phẩm nụ trà đã được cấp mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và có chứng nhận Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm. Đây cũng là sản phẩm được xã Thượng Ấm xây dựng đạt chuẩn OCOP 3 sao trong năm 2024.
Nói về kế hoạch phát triển sản phẩm trong tương lai, anh Trung chia sẻ, thời gian tới, anh sẽ liên kết thêm với người dân trồng trà hoa vàng để mở rộng vùng nguyên liệu, đưa cây trà hoa vàng trở thành cây nông nghiệp chủ lực của quê hương Sơn Dương.
Gửi phản hồi
In bài viết