Giải ngân vốn đầu tư công: Chỉ bàn làm, không bàn lùi

- Theo đánh giá của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tháng 1, ước thực hiện 2 tháng năm 2024, tiến độ giải ngân vốn đầu tư của tỉnh Tuyên Quang xếp thứ 2 trên 63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, với nguồn vốn đầu tư gấp 1,5 lần năm 2023, áp lực giải ngân vốn đầu tư của tỉnh năm nay vì thế cũng nặng nề hơn. Ngay từ những tháng đầu của năm, Tuyên Quang đã quyết liệt các giải pháp, đảm bảo hoàn thành tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của năm đạt trên 95%, việc thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Chỉ bàn làm, không bàn lùi; Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm.

Khẩn trương, tích cực: Nhìn từ thi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang

Tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang - công trình trọng điểm quốc gia đi qua địa phận Tuyên Quang có chiều dài 77 km, điểm đầu tại nút giao thông cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với Quốc lộ 2D thuộc địa phận xã Nhữ Khê (Yên Sơn). Xác định tầm quan trọng của công trình, cùng với kinh nghiệm từ thi công tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ trước đó, các thủ tục về chuẩn bị đầu tư, thiết kế dự toán, kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu… đã được Ban Quản lý các công trình giao thông tỉnh hoàn thành từ trước đó.

Nhiệm vụ giải phóng mặt bằng được chia thành 3 tiểu dự án qua địa bàn TP Tuyên Quang, Yên Sơn và Hàm Yên do UBND các huyện làm chủ đầu tư theo địa giới hành chính.

Xác định công tác giải phóng mặt bằng của dự án là nhiệm vụ chính trị quan trọng, huyện Yên Sơn đã tập trung cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Địa phương thành lập Ban chỉ đạo bồi thường giải phóng mặt bằng do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban, các đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy làm phó trưởng ban. Hằng tháng, Thường trực Huyện ủy kiểm điểm tiến độ thực hiện để kịp thời báo cáo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Hữu Phương, Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn cho biết: UBND huyện chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, tập trung xác nhận nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất để làm cơ sở lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Đồng thời, thành lập Tổ tuyên truyền, vận động, nắm bắt thông tin dư luận, Tổ giải quyết đơn thư kịp thời giải quyết các nội dung liên quan đến dự án, Tổ thẩm định bồi thường giải phóng mặt bằng để thẩm định các hồ sơ, làm căn cứ phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật.

Lãnh đạo UBND huyện Yên Sơn kiểm tra khu vực xây dựng Trạm y tế xã Tân Tiến.

Đây cũng là cách làm của các địa phương có dự án đi qua. Theo báo cáo của Ban quản lý các công trình giao thông, đến thời điểm này, toàn tuyến đã hoàn thành giải phóng mặt bằng trên 50/69,7km. Trong số 24 khu tái định cư, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, triển khai thi công san lấp mặt bằng. Đã thực hiện di chuyển 471 ngôi mộ/488 ngôi mộ, trong đó Yên Sơn, Hàm Yên hoàn thành di dời 100%.

Đồng chí Hà Văn Sáng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, hiện các gói thầu đã đồng loạt triển khai thi công 5/6 gói thầu xây lắp phần đường và cầu. Các gói thầu được bàn giao mặt bằng đã triển khai thi công từ giữa tháng 1-2024, trên phạm vi mặt bằng được bàn giao, đã triển khai 38 mũi thi công gồm 30 mũi thi công đường và 8 mũi thi công cầu. Giá trị xây lắp hết quý I-2024 phấn đấu ước đạt trên 120 tỷ đồng, đạt 2,43% giá trị hợp đồng.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 trung ương giao cho tỉnh là gần 4.400 tỷ đồng, vốn địa phương phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước trên 4.734 tỷ đồng. Trong khi đó, số vốn tạm ứng theo chế độ chưa thu hồi đến hết năm 2023 chuyển sang năm 2024 còn hơn 3.402 tỷ đồng.

Ngay sau khi được  giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn lập, thẩm định, trình phê duyệt phân bổ giao 100% kế hoạch vốn đảm bảo theo đúng quy định. Theo lãnh đạo các địa phương, việc giao kế hoạch vốn năm nay được thực hiện sớm hơn mọi năm, giúp các địa phương chủ động phân khai bố trí vốn cho các công trình, dự án trên địa bàn.

Như tại huyện Sơn Dương, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của huyện năm nay là 212 tỷ đồng. Huyện đã bố trí ưu tiên vốn đối với các công trình, dự án sau khi được phê duyệt quyết toán còn thiếu vốn; ưu tiên bố trí vốn để đền bù, giải phóng mặt bằng và các công trình hoàn thành chờ phê duyệt quyết toán. Đồng thời ưu tiên bố trí vốn cho các công trình dự án trọng điểm, khởi công mới và công trình chuẩn bị đầu tư. Theo UBND huyện, năm 2024, Sơn Dương thực hiện 7 công trình do vốn tỉnh quản lý và bố trí trên 162 tỷ đồng vốn phân cấp cho huyện.

Mặt bằng xây dựng Khu tái định cư Ngòi Cái, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Đồng thời, khắc phục tình trạng chờ đợi như nhiều năm trước, UBND tỉnh đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các địa phương, trong đó phân cấp việc phân khai vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, trình tự thủ tục trong thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng, kế hoạch đấu thầu… Chính vì vậy, việc giải ngân vốn đầu tư công được các địa phương, đơn vị chủ động, sẵn sàng ngay từ đầu năm.

Công tác kiểm tra, đôn đốc các công trình, dự án được UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra ngay từ đầu năm, từ kiểm tra các công trình trọng điểm đến các công trình xây dựng từ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia. UBND tỉnh duy trì Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, tổ chức kiểm tra nắm tình hình triển khai tại các công trình trọng điểm như Kiểm tra tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua Tuyên Quang, kiểm tra tiến độ thi công xây dựng dự án Bệnh viện suối khoáng Mỹ Lâm, dự làm việc và kiểm tra tiến độ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Hàm Yên, Sơn Dương, Chiêm Hóa...

Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang, việc kiểm tra ngay từ đầu năm sẽ lắng nghe, giải quyết các khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở để UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ, giải quyết. Có như vậy mới đáp ứng các yêu cầu về tiến độ, chất lượng sớm nhất, hiệu quả nhất.

Vướng ở đâu, gỡ ở đó

Theo Văn bản số 2060/BTC-ĐT ngày 28-2-2024 của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư ngân sách nhà nước tháng 1, ước thực hiện tháng 2, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Tuyên Quang xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố.

Tính đến giữa tháng 3, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt trên 729 tỷ đồng, đạt 15,4% kế hoạch năm. Về thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong năm 2024 toàn tỉnh có kế hoạch xây dựng 677 công trình, với số vốn trên 880 tỷ đồng. Đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân đạt 6,49% kế hoạch. Xác định khối lượng công việc còn rất lớn, rất nhiều nếu các ngành, địa phương không chủ động, tích cực ngay từ đầu  năm, ngày 15-3, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị chuyên đề Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đánh giá tình hình triển khai và thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024. Tại cuộc họp, những khó khăn, vướng mắc trong đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình xây dựng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư đã được các chủ đầu tư báo cáo, cùng với tỉnh tìm cách tháo gỡ.

Trong đó, những khó khăn về thiếu vốn, thiếu nguyên vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án trọng điểm đã được lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo. Như dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, theo báo cáo của Ban Quản lý các công trình giao thông tỉnh, hiện kinh phí bồi thường đang thiếu tương đối lớn, do đơn giá bồi thường hiện đang áp dụng theo Quyết định 15, trong khi đơn giá bồi thường khi phê duyệt dự án là theo Quyết định 05 của UBND tỉnh. Việc điều chỉnh kinh phí đang được Ban Quản lý các công trình giao thông tỉnh thực hiện để nhanh chóng hoàn thiện việc bồi thường cho hộ dân, bố trí mặt bằng sớm nhất cho các đơn vị thi công.

Người dân xã Tứ Quận (Yên Sơn) sẵn sàng bàn giao mặt bằng xây dựng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang.                 

Nhiều công trình như Bệnh viện Đa khoa, hay các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia hiện đang thiếu đất đắp. Tại Hội nghị chuyên đề Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Đặng Minh Tơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, khắc phục tình trạng này, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện dự thảo trình UBND tỉnh hướng dẫn giải quyết tình trạng thiếu nguyên vật liệu cho xây dựng để giải quyết, trong đó đặc biệt ưu tiên vật liệu cho công trình trọng điểm quốc gia, trọng điểm của tỉnh.

Sở cũng hướng dẫn các địa phương phê duyệt cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ đất đắp, đá xây dựng. Ngay như thành phố Tuyên Quang, các mỏ đất của HTX Đội Cấn hiện đã được cấp phép khai thác trữ lượng trên 400 nghìn m3, 1 số mỏ đang thăm dò tại An Khang, Lưỡng Vượng hay Kim Phú cũng có tổng trữ lượng  5 triệu m3. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường hiện đang hướng dẫn thủ tục để tận dụng đất từ các công trình đào sang các công trình đắp, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Để đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95%, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải tập trung cao độ hơn nữa trong điều hành, thực hiện. Trong đó, phải thay đổi tư duy trong lãnh đạo, điều hành, trong quá trình tổ chức triển khai phải cụ thể, cá thể hóa trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu xử lý công việc, không để tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, bảo đảm công việc thuộc thẩm quyền giải quyết phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện.

Giải quyết dứt điểm vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm như Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, Bệnh viện đa khoa tỉnh, đường từ Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm đến Quốc lộ 2D… Các chủ đầu tư phải đôn đốc các nhà thầu tập trung nhân công, máy móc thi công, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để thi công “3 ca 4 kíp”, xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, từng quý cho từng dự án, lấy kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ bình xét thi đua của đơn vị và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.

Đặc biệt, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, phải kiên quyết xử lý, thay các nhà thầu không đủ năng lực, không để việc giải ngân vốn đầu tư của tỉnh bị ảnh hưởng do năng lực yếu kém của nhà thầu.

Trần Liên



Đồng chí Phạm Quốc Chương
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng

Đảm bảo vật liệu thi công các công trình

Sở Xây dựng chủ động tham mưu các văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về các lĩnh vực của ngành, nhằm tháo gỡ vướng mắc khi áp dụng, vận dụng các quy định pháp luật cho phù hợp với các điều kiện thực tế của địa phương. Qua đó, góp phần đơn giản CCHC, nâng cao chất lượng, tiến độ thẩm định, thiết kế, dự toán công trình; tham gia giải quyết vướng mắc các dự án có quy mô lớn. Cùng với đó, Sở phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh các hiện tượng “đầu cơ, thổi giá”.

Sở thường xuyên rà soát, cập nhật các loại vật liệu xây dựng chủ yếu, thiết bị công trình phổ biến vào danh mục để công bố; quản lý chặt chẽ việc tiếp nhận bản công bố hợp quy, đánh giá chất lượng vật liệu xây dựng nhập khẩu, sản xuất và lưu thông trên thị trường, ngăn ngừa hàng kém chất lượng đưa vào thi công các công trình xây dựng. 


Đồng chí Đỗ Văn Hòa
Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên

Phấn đấu bàn giao mặt bằng đúng tiến độ

Để đảm bảo bàn giao mặt bằng thi công các công trình đúng tiến độ, huyện đã triển khai thận trọng, tỷ mỉ từ công tác dân vận đến thực thi trong giải phóng mặt bằng; mọi thông tin đều minh bạch, nhất là phương án bồi thường, đơn giá đất, kiến trúc trên đất và tất cả các khâu thực hiện kiểm đếm, đo đạc... Bên cạnh đó, huyện cũng vận dụng linh hoạt giữa các bước trong trình tự để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng nhưng đảm bảo đúng quy định của pháp luật, các chính sách được triển khai đúng, đủ đến từng hộ dân có đất thu hồi phục vụ các công trình. Đồng thời, kiên quyết lập hồ sơ xử lý, bảo vệ thi công, cưỡng chế những trường hợp cố tình gây cản trở, không chấp hành đúng quy định của pháp luật.


Đồng chí Nguyễn Mạnh Hòa
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Chân Sơn (Yên Sơn)

Tuyên truyền để người dân hiểu và ủng hộ

Xã Chân Sơn là địa bàn có tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đi qua nhiều nhất với chiều dài trên 6,8 km thuộc 6/12 thôn. Việc giải phóng mặt bằng liên quan đến 205 hộ gia đình. Để người dân đồng tình ủng hộ, Đảng ủy, UBND xã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành; bám sát kế hoạch của các tổ thuộc các dự án công trình trọng điểm của tỉnh để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện các công việc có liên quan đúng tiến độ. Đến nay, đã có trên 77% số hộ đồng tình ủng hộ chủ trương làm đường và chính sách đền bù của Nhà nước. Đối với những hộ tư tưởng còn chưa thông, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục tuyên truyền, vận động, tổ chức cuộc họp đối thoại, tuyên truyền để người dân đồng thuận giải phóng mặt bằng.


Ông Vũ Ngọc Oanh
Phó Chỉ huy công trường, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn

Bố trí thi công 3 ca, 4 kíp

Hiện Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn đang đảm nhiệm thi công gói thầu số 19 dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1, đoạn từ km số 0 đến km số 23. Ngay sau khi có mặt bằng đơn vị đã tổ chức huy động xe, máy để thực hiện phương châm có mặt bằng đến đâu thi công ngay đến đó.
Để đảm bảo tiến độ và chất lượng của công trình, đơn vị đã huy động tất cả các nguồn lực về máy móc, con người, sẵn sàng triển khai thi công. Hiện tại trên công trường đã bố trí 8 mũi thi công phù hợp với tiến độ bàn giao mặt bằng của chủ đầu tư. Trên công trường hiện đang huy động gần 300 kỹ sư, công nhân, cùng với hàng trăm thiết bị, máy móc tổ chức thi công các hạng mục. Đặc biệt, thời điểm này bước vào mùa khô, thời tiết thuận lợi đơn vị đã tận dụng tối đa, bố trí thi công 3 ca, 4 kíp trên công trình. Dự kiến, việc thi công gói thầu số 19 sẽ được hoàn thành vào tháng 2- 2026.

Tin cùng chuyên mục