Tôn vinh văn hóa truyền thống qua âm nhạc

10:15, 28/07/2025

Trong thị trường âm nhạc Việt Nam những năm trở lại đây liên tục xuất hiện các sản phẩm âm nhạc của nghệ sĩ trẻ khai thác yếu tố truyền thống, chất liệu dân gian. Xu hướng này được các nghệ sĩ nhiệt tình theo đuổi và thu hút sự chú ý, ủng hộ của đông đảo công chúng.

Trang phục đẹp mắt, được đầu tư kỹ lưỡng của ca sĩ Hòa Minzy trong MV Bắc Bling gây ấn tượng với khán giả. Ảnh: Facebook nhân vật
Trang phục đẹp mắt, được đầu tư kỹ lưỡng của ca sĩ Hòa Minzy trong MV Bắc Bling gây ấn tượng với khán giả. Ảnh: Facebook nhân vật
Từ những MV ca nhạc ấn tượng

Từ năm 2019 đến nay, âm nhạc Việt Nam chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, đánh dấu sự đổi mới trong âm nhạc đại chúng Việt Nam khi nhiều nghệ sĩ đã khéo léo lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống của dân tộc để tạo ra những sản phẩm âm nhạc mới, làm mới tác phẩm đã cũ, qua đó đưa đến cho khán giả một góc nhìn, cảm thụ đầy mới mẻ và sáng tạo.

Khuấy động xu hướng đó phải kể đến MV “Để Mỵ nói cho mà nghe” của Hoàng Thùy Linh ra đời năm 2019. Lần đầu tiên trong lịch sử Làn sóng xanh, một sản phẩm âm nhạc chiến thắng áp đảo toàn bộ các hạng mục được đề cử: Ca khúc của năm, Bài hát hiện tượng, Hòa âm phối khí, MV của năm, Nữ ca sĩ của năm, Sự kết hợp xuất sắc và Ca sĩ đột phá. Thành công vang dội của Hoàng Thùy Linh thúc đẩy các nghệ sĩ khác mạnh dạn tiếp cận với chất liệu dân gian nhiều hơn. Cũng trong năm 2019 Chi Pu đã ra mắt MV “Anh ơi ở lại” mang đến góc nhìn mới mẻ trong một câu chuyện dân gian xưa, quen thuộc với khán giả Việt Nam - “Tấm Cám”Ngoài cốt truyện quen thuộc, sự đầu tư chỉn chu về phục trang, bối cảnh của MV là điểm cộng lớn cho Chi Pu trong sản phẩm âm nhạc lần này. MV đã rất tinh tế trong việc tái hiện lại những bộ trang phục truyền thống, đồng thời lựa chọn phục sức phù hợp nhất với từng nhân vật và bối cảnh trong câu chuyện.

Gần đây nhất phải kể đến sức hút của MV “Bắc Bling” của Hòa Minzy kết hợp với NSƯT Xuân Hinh và Tuấn Cry đã khẳng định xu thế phát triển của âm nhạc đại chúng trên nền văn hóa truyền thống. Ngay sau khi ra mắt, “Bắc Bling” đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ công chúng và giới chuyên môn. Hàng loạt giá trị văn hóa được tái hiện trong MV như: Tranh Đông Hồ, hội Lim, làng nghề gốm cùng một số địa danh nổi tiếng ở Bắc Ninh gồm: Chùa Dâu, đền Bà Chúa Kho, nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh được khéo léo giới thiệu bằng những cảnh quay tuyệt đẹp, chỉn chu, đầu tư hoành tráng. Một số tập tục của người Việt như têm trầu, nhuộm răng đen, lễ vinh quy bái tổ cũng được nhắc đến trong MV này. Trở thành cơn sốt truyền thông chỉ sau vài giờ ra mắt, MV đã nhanh chóng leo lên vị trí Top 1 thịnh hành trên YouTube Việt Nam và là MV ca nhạc thịnh hành trên nhiều nền tảng trong nước và thế giới.

Khi âm nhạc truyền hình chạm đến hồn văn hóa Việt

Chương trình truyền hình thực tế âm nhạc “Anh trai vượt ngàn chông gai” năm 2024 là một minh chứng rõ nét cho việc thành công khai thác yếu tố văn hóa. Chương trình này đã thu hút sự quan tâm lớn từ giới trẻ hiện nay không chỉ nhờ dàn nghệ sĩ nổi tiếng mà còn bởi cách khai thác sáng tạo các yếu tố truyền thống như: Đàn bầu, trống, trang phục dân tộc lồng ghép trong từng tiết mục biểu diễn. Có thể kể đến: “Trống cơm”, “Áo mùa đông - Trở về”, “Một vòng Việt Nam”, “Chiếc khăn piêu”, “Dạ cổ hoài lang”… Những tiết mục mang đậm màu sắc dân gian kết hợp hơi thở âm nhạc đương đại của rock, rap, hiphop; trang phục đẹp mắt đậm chất truyền thống, đã chinh phục được khán giả, nhất là khán giả trẻ đón nhận nồng nhiệt. Qua âm nhạc, các nghệ sĩ đã bồi đắp sức sống mới cho văn hóa truyền thống lan tỏa tình yêu, tự hào văn hóa Việt.

Tiết mục Đào Liễu trong chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”. Ảnh: Fanpage chương trình
Tiết mục Đào Liễu trong chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”. Ảnh: Fanpage chương trình

Trong concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh cuối tháng 3 vừa qua với hơn 5.000 khán giả diện trang phục truyền thống tham gia đã xác lập kỷ lục Guinness thế giới về “Sự kiện có số lượng người tham gia mặc trang phục truyền thống Việt Nam đông nhất”. Những hình ảnh đẹp được các bạn trẻ chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội, đã thể hiện và lan tỏa tinh thần tự hào dân tộc và sự gắn kết cộng đồng mạnh mẽ.

Dẫu biết, việc khai thác chất liệu văn hóa truyền thống vào các sản phẩm âm nhạc là một hành động hướng đến mục đích đáp ứng nhu cầu của công chúng và lan tỏa các giá trị tốt đẹp của dân tộc trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, đó không đơn giản là áp dụng một cách máy móc, gây nguy cơ hiểu lầm hoặc làm sai lệch ý nghĩa của các giá trị truyền thống. Trong kho tàng đồ sộ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của ông cha để lại, đòi hỏi các nghệ sĩ phải dành nhiều tâm sức để nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng. Chỉ khi đó, những tác phẩm âm nhạc mới thực sự trở thành một sản phẩm văn hóa giao thoa giữa quá khứ và hiện đại.

Theo Qdnd.vn 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cuộc thi Hoa hậu Quốc dân Việt Nam 2025 xét chọn theo 5 tiêu chí
Ngày 17-6, Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Quốc dân Việt Nam 2025 chính thức thông tin về tiêu chuẩn tiếp nhận thí sinh dự thi là nữ công dân Việt Nam từ 18 đến 27 tuổi, đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
28/07/2025
Video hài nhảm - hậu họa thật
Gần đây, trên mạng xã hội tràn ngập các video hài với nội dung nhảm nhí, thậm chí có phần lệch chuẩn được tạo nên bởi công cụ trí tuệ nhân tạo (AI).
24/07/2025
“Vai diễn cuối cùng” giành 3 giải lớn cuộc thi sáng tạo phim ngắn trong 24 giờ
Bộ phim “Vai diễn cuối cùng” của đội aeX Team đã xuất sắc giành 3 giải thưởng lớn tại cuộc thi phim ngắn Cuộc đua sản xuất Media24h 2025. Cuộc thi do Công ty Truyền thông Tạp kỹ TRIHD ASIA, Tạp chí Thế giới Điện ảnh và Học viện C.UP Academy phối hợp tổ chức, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh bảo trợ truyền thông.
23/07/2025
Phim mới về thám tử Conan - kỷ lục doanh thu Nhật Bản ra mắt tại Việt Nam
Phim điện ảnh “Thám tử lừng danh Conan: Dư ảnh của độc nhãn” sẽ chính thức ra rạp Việt Nam từ ngày 25-7, với suất chiếu đặc biệt vào các ngày 19 và 20-7.
21/07/2025