Nâng cao chất lượng mỗi bài giảng
Với đặc thù là huyện vùng cao, đối tượng học lý luận chính trị có trình độ không đồng đều, trong đó không ít học viên là đảng viên, nhân dân người dân tộc thiểu số. Bởi vậy, Trung tâm Chính trị huyện Na Hang luôn áp dụng phương pháp dạy học tích cực, lấy học viên làm trung tâm trong mỗi bài giảng. Từ nhiều năm nay, không quản đường xá xa xôi, các giảng viên chuyên trách, kiêm nhiệm của Trung tâm đều đặn xuống các xã, cụm xã để dạy lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân.
Đồng chí Đinh Thị Hồng Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Na Hang chia sẻ: “Nhằm đảm bảo chất lượng mỗi bài giảng, Ban Tuyên giáo, lãnh đạo Trung tâm Chính trị huyện đều xét duyệt, thông qua bài giảng, giáo án của giảng viên. Giảng viên sẽ phải nghiên cứu, nắm bắt kỹ về tình hình tại địa bàn xã, đối tượng học lý luận chính trị để xây dựng một chuyên đề liên hệ với thực tiễn.
Chẳng hạn như khi giảng viên dạy tại địa bàn có học viên theo tôn giáo, giảng viên sẽ xây dựng một chuyên đề liên hệ về tôn giáo và chính sách tôn giáo hoặc giảng dạy tại địa bàn có đông học viên là người dân tộc thiểu số, giảng viên sẽ có một chuyên đề liên hệ về các chính sách dân tộc”.
Một tiết giảng dạy lý luận chính trị cho học viên lớp trung cấp lý luận chính trị của Trường Chính trị tỉnh. Ảnh: Ngọc Hưng
Có thể khẳng định, việc đổi mới giảng dạy lý luận chính trị hiện nay được thực hiện một cách chặt chẽ, có hệ thống hơn ở Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố. Một số giáo án giảng dạy đã cũ như giáo án giảng dạy chương trình sơ cấp lý luận chính trị vẫn từ năm 2012, một số tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy lý luận chính trị cho một số tổ chức đoàn thể cũng đã cũ, chưa được cập nhật mới. Do đó, các giảng viên đã phải bổ sung, cập nhật kiến thức mới như: Những nội dung trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII của Đảng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương… để đưa vào mỗi bài giảng.
Theo đồng chí Mai Quang Thắng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, nhà trường luôn đặt chất lượng mỗi bài giảng lên hàng đầu. Bài giảng phải bảo đảm hài hòa giữa kiến thức lý luận và thực tiễn, bám sát thực tiễn và mang “tính đảng”, thường xuyên cập nhật những nội dung mới, phù hợp; coi trọng hoạt động thảo luận, liên hệ thực tiễn để học viên có thêm kỹ năng, phương pháp giải quyết, xử lý tình huống đặt ra tại cơ sở.
Bài giảng phải vận dụng hài hòa các phương pháp giảng dạy truyền thống và tích cực, sử dụng có hiệu quả phương tiện giảng dạy hiện đại. Giảng viên phát huy được tính độc lập, sự sáng tạo của học viên trong giờ học. Lãnh đạo nhà trường thống nhất quan điểm chỉ phân công giảng viên lên lớp khi bài giảng đã bảo đảm quy trình và chất lượng.
Hội đồng khoa học nhà trường tăng cường hoạt động dự giờ đột xuất, sau dự giờ tổ chức họp góp ý, rút kinh nghiệm bài giảng. Tổ chức hoạt động trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ thông qua thao giảng, hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường hằng năm. Để có thêm kênh đánh giá chất lượng bài giảng, hằng năm nhà trường tổ chức lấy Phiếu phản hồi từ người học; thường xuyên trao đổi với Ban cán sự, học viên các lớp để nắm bắt tình hình lớp học cũng như tâm tư, nguyện vọng của học viên.
Lãnh đạo Trung tâm Chính trị huyện Na Hang khen thưởng học viên có thành tích cao trong chương trình bồi dưỡng sơ cấp lý luận chính trị tại xã Yên Hoa.
Quan tâm nghiên cứu thực tế
Chương trình dạy và học lý luận chính trị ở Trường Chính trị, Trung tâm Chính trị đã được đổi mới theo hướng quan tâm tổ chức cho học viên được nghiên cứu thực tế như tham quan, tìm hiểu không chỉ các di tích lịch sử cách mạng trong tỉnh mà còn ở các tỉnh ngoài, tham quan các mô hình phát triển kinh tế điển hình, tiêu biểu ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Để từ đó làm sinh động, phong phú hơn các bài giảng của giảng viên và kiến thức thực tế của học viên. Hoạt động này cũng được cấp ủy tỉnh, các huyện, thành phố đặc biệt quan tâm tạo kinh phí.
Đồng chí Lê Minh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Yên Sơn cho biết, sau mỗi lớp học lý thuyết, Trung tâm đều lựa chọn một số điểm di tích cách mạng nổi tiếng trong cả nước để học viên được nghiên cứu như: Khu Di tích Kim Liên (Nghệ An), Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Khu di tích Bạch Đằng Giang (Hải Phòng) hoặc tham quan, tìm hiểu thực tế tại một số mô hình phát triển kinh tế trang trại, gia trại, điểm sáng xây dựng nông thôn mới… tại các địa phương trong tỉnh.
Chị Phạm Thị Hoa, Phó Bí thư chi bộ Trạm Y tế xã Nhữ Khê, học viên lớp Sơ cấp lý luận chính trị khóa 1 năm 2024 của Trung tâm Chính trị huyện Yên Sơn chia sẻ: “Sau khi được học tập lý thuyết rồi được tham quan, tìm hiểu tại một số di tích lịch sử trong nước, một số mô hình kinh tế tiêu biểu trong tỉnh, mình thấy việc học lý luận chính trị không còn khô cứng mà rất sinh động, được minh chứng bằng thực tế. Kiến thức về văn hóa, lịch sử, kinh tế của mình cũng được trang bị thêm để tuyên truyền cho các đảng viên khác trong chi bộ”.
Đồng chí Đinh Thị Hồng Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Na Hang cho biết thêm: “Trung tâm còn tổ chức cho học viên tìm hiểu, nghiên cứu thực tế tại các mô hình xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp hiện đại tại các tỉnh như Sơn La, Hòa Bình… để học viên tích lũy, trang bị thêm kiến thức, học tập được những cách làm mới trong phát triển nông nghiệp, điều này rất bổ ích, nhất là đối với đối tượng học viên là đảng viên, Nhân dân ở khu vực nông thôn, các xã đặc biệt khó khăn”.
Việc đổi mới giảng dạy lý luận chính trị thời gian qua đã góp phần kiên quyết khắc phục bệnh ngại học, lười học lý luận chính trị, biểu hiện học để đối phó, học để lấy bằng cấp, không thực chất. Từ đó giúp học viên tự giác, chủ động trong học tập lý luận chính trị.
Gửi phản hồi
In bài viết