Ở tuổi 78, Giáo sư, Tiến sĩ (GS, TS) Đinh Xuân Dũng đã trải qua gần 60 năm gắn bó với lĩnh vực văn hóa, văn nghệ trên nhiều vị trí công tác khác nhau.
5 tác phẩm sách mới nhất của ông vừa được xuất bản từ cuối năm 2021 đến tháng 9-2022, bao gồm: “Đọc và nghĩ”, “Tìm về cội nguồn Hồ Chí Minh”, “Chăm lo bồi đắp, phát triển kiểu mẫu nhân cách “Bộ đội cụ Hồ””, “Văn hóa-Động lực và hệ điều tiết sự phát triển”, “Vang vọng lời nước non” tiếp tục là sự khẳng định mạnh mẽ cho tâm huyết, trí tuệ, tinh thần và sức làm việc bền bỉ, dẻo dai của tác giả.
Cuốn sách “Đọc và Nghĩ” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) dày 400 trang giới thiệu những bài viết phê bình, nhận định, đánh giá về văn học và đời sống văn hóa, nghệ thuật hiện tại được lựa chọn từ những ghi chép về 360 tác phẩm mà tác giả đã đọc trong 5 năm qua ở các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi ký, bút ký... Bên cạnh các bài viết phê bình về tác phẩm của các nhà văn có tên tuổi và những cây bút trẻ, tác giả cũng có những bài nghiên cứu đề cập những vấn đề lý luận về đời sống văn hóa, nghệ thuật, phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế.
Cuốn sách “Tìm về cội nguồn Hồ Chí Minh” (Nhà xuất bản Hà Nội) dày gần 200 trang đúc kết những nghiên cứu súc tích, sâu sắc và dễ hiểu của tác giả về tư tưởng Hồ Chí Minh với ba phần nội dung chính, trong đó tập trung vào cơ sở phương pháp luận nghiên cứu, tính đồng nhất hệ giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh và các giá trị của nhân loại, làm rõ nội dung chính của tư tưởng Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, đạo đức và quân sự, giúp bạn đọc có thể nắm bắt và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người trong thực tiễn công tác và đời sống.
Cuốn sách “Chăm lo bồi đắp, phát triển kiểu mẫu nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân) là sự bổ sung quan trọng, chuyên sâu cả về lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu nhân cách, phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ” qua các thời kỳ. Cuốn sách làm rõ các yếu tố lịch sử, xã hội, văn hóa hình thành nên nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”, một giá trị độc đáo của văn hóa quân sự và văn hóa Việt Nam nói chung gắn với lịch sử ngàn năm của dân tộc, đồng thời phân tích các phẩm chất căn cốt, các giá trị văn hóa cao quý của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện, giáo dục.
Cuốn sách “Văn hóa-Động lực và hệ điều tiết sự phát triển” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) là những đúc kết lý luận từ thực tiễn về xây dựng và phát triển văn hóa, đưa ra những luận điểm cùng lập luận về hai nội dung lớn được gợi ý từ văn kiện Đại hội XIII của Đảng, làm rõ vấn đề văn hóa phải là động lực nội sinh quan trọng của sự phát triển đất nước và vì chính sự phát triển bền vững đó mà cần phát huy cao độ chức năng điều tiết vốn có của văn hóa.
Bộ sách “Vang vọng lời nước non” (Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông) được thực hiện theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, do GS, TS Đinh Xuân Dũng làm Phó Trưởng ban thường trực biên soạn cùng GS, TS Nguyễn Như Ý-nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục. Bộ sách gồm 12 tập, mỗi tập khoảng 100 trang, đưa ra trích dẫn những câu, đoạn văn, lời nói khúc chiết, giàu ý nghĩa, dễ đi vào lòng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được tuyển chọn công phu từ hàng nghìn trang sách của bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập”. Các tập sách được sắp xếp hệ thống theo từng chủ đề, góp phần đưa các giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào đời sống.
Trao đổi về ý nghĩa, giá trị khoa học của những tác phẩm sách nói trên tại tọa đàm, nhiều học giả, nhà nghiên cứu đều có chung nhận định các tác phẩm của GS, TS Đinh Xuân Dũng đã đặt ra và giải quyết nhiều vấn đề lý luận cũng như thực tiễn văn hóa và tư tưởng một cách hệ thống, liên tục, gợi mở và đề xuất nhiều giải pháp, định hướng chiến lược quan trọng.
Theo bà Phạm Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội – đơn vị xuất bản sách “Tìm về cội nguồn Hồ Chí Minh”: phạm vi nghiên cứu của tác giả về tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh vô cùng sâu rộng, bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, về xây dựng nhà nước pháp quyền, về kinh tế, văn hóa, văn học nghệ thuật, quốc phòng toàn dân và lực lượng vũ trang nhân dân. Dù là đầu sách chính trị, nhưng bằng sự uyên bác với các phân tích thấu đáo, sâu sắc, tác phẩm dễ đọc và thu hút nhiều đối tượng độc giả.
Đại tá Phạm Văn Trường, Quyền Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - đơn vị xuất bản sách “Chăm lo bồi đắp, phát triển kiểu mẫu nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”” khẳng định: GS, TS Đinh Xuân Dũng đã phân tích đặc trưng nhân cách Bộ đội cụ Hồ, tìm ra những giá trị cốt lõi, bền vững, mang tính đặc thù của một giai đoạn lịch sử; đồng thời phân tích những tác động phức tạp của đời sống đương đại đối với các giá trị đó, từ đó vừa củng cố các giá trị truyền thống, vừa bổ sung những giá trị mới cần có của nhân cách, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ cách mạng mới.
Phát biểu tại tọa đàm, GS, TS Nguyễn Như Ý nhận định: Trong suốt cuộc đời, GS, TS Đinh Xuân Dũng luôn miệt mài theo đuổi, nghiên cứu hai vấn đề lớn là văn hóa và tư tưởng – hai mảng đề tài gắn liền và tác động lớn tới sự phát triển của xã hội và con người. Đáng nói là những gì được viết ra đều dựa trên quan điểm khoa học và những trải nghiệm, suy ngẫm, trăn trở của bản thân người viết chứ không phải nói dựa, nói theo. Đây là điều vô cùng quý giá và đáng trân trọng của người làm công tác nghiên cứu, phê bình lý luận.
Phát biểu tại buổi giới thiệu sách, GS, TS Đinh Xuân Dũng cho biết, ông đã được tiếp cận và đọc khoảng 800 cuốn sách về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cuốn sách nào cũng được ông viết nhật ký ghi chép. Và những tác phẩm được ông giới thiệu chính là sự đúc rút từ quá trình sống, đọc, yêu thương, suy nghĩ và viết: “Dù cuộc đời có bao nhiêu thử thách, phức tạp thì trước tờ giấy trắng và cây bút, trong lòng tôi chỉ có sự trong sáng nhất để viết những dòng chữ trung thực với chính mình, những dòng chữ được viết lên bằng thái độ sống hết mình với cuộc đời, với cuộc sống hôm nay”.
Gửi phản hồi
In bài viết