Giữ lửa nghề rèn

- Chỉ qua một khổ thơ ngắn, chúng ta có thể hiểu được phần nào sự vất vả của người thợ rèn. Thế nhưng, vẫn còn đó những con người cần cù, bình dị, ngày đêm giữ lửa nghề rèn được nối truyền qua nhiều đời.

“Giữa trăm nghề, chọn nghề thợ rèn
Ngồi xuống nhọ lưng, quệt ngang nhọ mũi
Suốt tám giờ chân than, mặt bụi
Hai vai trần bóng nhẫy mồ hôi…

                                Trích thơ: “Thợ rèn” - Khánh Nguyên

Bén duyên

Những năm 70, nhiều người con của làng rèn Phúc Sen, tỉnh Cao Bằng đã bén duyên và bắt đầu cuộc sống mới tại mảnh đất Phúc Ứng (Sơn Dương). Họ mang trong mình hoài bão, khát khao và nghề rèn truyền thống với hy vọng thoát nghèo.

Xưởng rèn của gia đình ông Lương Thế Nho, thôn Khuôn Ráng, hơn 7 giờ sáng lò đã đỏ lửa. Tiếng quạt thổi lò vù vù, tiếng cắt thép, mài dao lẫn với tiếng đập búa tạo nên không khí lao động hối hả. Nghỉ tay, pha nước mời khách, ông Nho kể, gia đình ông đã có 4 đời gắn bó với nghề rèn. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã thấy ông nội và bố hàng ngày cặm cụi bên lò rèn từ sáng đến tối mịt. 13 tuổi, ông bắt đầu làm ra những con dao đầu tiên. Theo ông Nho, muốn rèn được một con dao tốt, người thợ rèn phải chuẩn bị kỹ mọi công đoạn, từ việc chọn loại sắt, nổi lửa bếp lò, cho đến các khâu cắt sắt, nung, định hình sản phẩm, tôi, mài, tra cán, làm vỏ cho dao…

Nhiệt độ cao từ bếp lò tỏa ra cộng với cường độ làm việc khẩn trương, khiến cho sự vất vả càng hằn lên khuôn mặt của ông Nho và những người thợ rèn. Thế mới thấy, để theo nghề rèn không chỉ cần kinh nghiệm, kỹ thuật mà còn phải có cả đam mê. Sau khi thanh thép nung đủ nhiệt, người thợ dùng kẹp sắt khéo léo chuyển ngay ra đe và quai từng nhát búa thật mạnh và dứt khoát.

Xưởng rèn gia đình ông Lương Thế Nho, thôn Khuôn Ráng, xã Phúc Ứng (Sơn Dương)
tạo thu nhập từ 9 - 10 triệu đồng/tháng cho thợ rèn.

Nếu giai đoạn làm ra hình một con dao đòi hỏi sức khỏe, thì giai đoạn hoàn thiện lại đòi hỏi sự khéo léo. Muốn dao vừa sắc, vừa bóng và đạt thẩm mỹ thì phải mài qua đá nhám rồi mới chuyển sang đá mịn. Chuôi dao và vỏ dao cũng phải được đẽo gọt tỉ mẩn từng chút, vỏ dao dễ làm hơn, còn chuôi dao thì phải tìm các khúc gỗ có độ dài phù hợp rồi bào tròn, sau đó, rọc khe và lắp hai mặt gỗ lại bằng những khâu đồng.

Tại xưởng nhà ông Nho hiện có 5 thợ làm, mỗi thợ thu nhập bình quân một tháng từ 9 - 10 triệu đồng. Con trai ông năm nay hơn 20 tuổi cũng đã có chục năm trong nghề làm rèn. Cũng giống như bố mình, anh Lương Văn Thơ gắn bó với nghề từ năm 13 tuổi. Tôi để ý thấy ánh mắt của anh không rời thanh thép mà ngắm nghía kỹ càng để từng nhát búa giáng xuống không sai điểm. Hết lớp búa này đến lớp búa khác, hoa lửa cứ thế bắn xa xung quanh cho đến khi mảnh thép nên dáng, nên hình...

Yêu nghề - nghề để của cho

Xã hội phát triển, nhiều máy móc, công cụ hỗ trợ lao động sản xuất xuất hiện, thế nhưng những người làm nghề rèn ở Phúc Ứng chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ nghề đã được truyền lại qua nhiều thế hệ. Bởi nghề rèn đã cho họ có được của ăn của để, nuôi dạy con cái ăn học, xây được nhà to đẹp.

Quyết tâm giữ “lửa” lò rèn, ông Nho đã mạnh dạn đầu tư, trang bị hơn 1 tỷ đồng để thực hiện các công đoạn trong dây chuyền sản xuất. Các loại máy mài, máy khoan, máy dập, máy cắt, máy phay, máy hơi… đã giảm thiểu được sức lao động và rút ngắn thời gian hoàn thiện sản phẩm. Nếu như trước đây, làm hoàn toàn bằng thủ công, mỗi ngày thợ lâu năm cũng chỉ làm được từ 2 - 3 sản phẩm thì giờ đây mỗi ngày mỗi người có thể làm được 7 - 8 sản phẩm.

Sản phẩm của xưởng rèn ông Lương Thế Nho, thôn Khuôn Ráng, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) được khách hàng ưa chuộng.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tất cả các công đoạn đều được máy móc thay thế, bởi, “cái hồn” của sản phẩm vẫn phải phụ thuộc vào kỹ thuật của người thợ rèn lâu năm. Xưởng rèn của ông Nho mỗi tháng xuất bán trên 1.200 sản phẩm, tổng thu nhập hàng năm của ông đạt trên 10 tỷ đồng, trừ chi phí ông thu về trên 500 triệu đồng tiền lãi. Hiện nay, ông Nho đẩy mạnh bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, ông có một đội ngũ cộng tác viên bán hàng gần 20 người. Sản phẩm của ông đã có mặt trên tất cả các tỉnh thành trong cả nước và một số nước lân cận.

Cách nhà ông Nho không xa, anh cán bộ văn hóa xã đưa tôi đến xưởng rèn của gia đình ông Lương Văn Pờ. Xưởng rèn giờ chỉ có 2 vợ chồng ông túc tắc làm qua ngày. Ông Pờ bảo, nghề rèn đã giúp tôi nuôi được hai người con ăn học nên người. Hiện giờ, các con đã có công việc ổn định, ông và vợ vẫn giữ nghề, tuy nhiên cũng không dám nhận nhiều đơn hàng vì chỉ có hai vợ chồng làm không xuể. Hình ảnh hai ông bà hỗ trợ nhau trong các công đoạn làm dao thật bình yên và hạnh phúc. Niềm hạnh phúc có được trong lao động sản xuất thật đáng quý biết bao.

Giờ ở Phúc Ứng chỉ còn khoảng 5 nhà duy trì nghề rèn, các sản phẩm chủ yếu là dao chặt, dao phay, dao quắm, cuốc, xẻng… Tiếng lành đồn xa, sản phẩm làm theo đơn đặt hàng và được vận chuyển đi khắp các tỉnh thành trong và ngoài nước mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Đồng chí Dương Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Ứng cho biết, các sản phẩm từ nghề rèn đang được UBND xã nghiên cứu, lập kế hoạch, đăng ký sản phẩm rèn truyền thống là sản phẩm OCOP của xã trong năm 2023.

Nghề rèn được nối truyền từ đời này sang đời khác, cũng không ai biết được đã có bao nhiêu sản phẩm được tạo ra để phục vụ cuộc sống của con người. Nhưng có một điều chắc chắn những tiếng đập búa, mùi than lửa đã ngấm sâu vào tiềm thức, hun đúc nên niềm đam mê của mỗi người thợ rèn nơi đây.  

Phóng sự: Thu Trang

Tin cùng chuyên mục