Chiêu Linh Thái hậu nghĩ nhà vua còn nhỏ, bèn mưu đoạt lại ngôi vị cho con trai mình nhưng các đại thần một lòng nghe theo Thái úy Tô Hiến Thành nên mưu sự không thành. Thái hậu cho người hối lộ bà vợ Tô Hiến Thành mâm vàng để mong ông sửa di chiếu nhưng ông kiên quyết từ chối.
Thời Trần có Trần Thủ Độ (1194 -1264) là người có công sáng lập triều Trần và vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất. Khi biết chuyện vợ mình xin cho một người cháu làm chức câu đương, Thủ Độ bảo viên câu đương phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác.
Thời Nguyễn, quan tổng đốc Nguyễn Văn Hiếu có khí chất của bậc Nho gia, cho rằng người làm quan phải tận hiến triều đình, phụng sự nhân dân. Có viên thổ ti đem lễ vật đến xin yết kiến, ông khước từ và sai mang về. Người đầy tớ biết được liền lẻn cửa sau ra, dọa nạt viên thổ ti rồi lấy một nửa lễ vật. Việc bị phát giác, ông sai đem tên đầy tớ chém đầu ngay, rồi dâng sớ xin chịu tội với triều đình. Vua Minh Mạng phạt giáng ba bậc nhưng vẫn cho lưu nhiệm chức cũ.
Nhắc sử cũ để thấy, quan thanh liêm đời nào cũng được yêu mến, kính trọng.
Trong bản Di chúc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch”.
Thấm nhuần lời dạy của Người, đã có ngàn vạn cán bộ đảng viên hết lòng hết sức giữ mình liêm chính, phục vụ nhân dân. Nhưng cũng có không ít người nhúng chàm, làm ảnh hưởng xấu đến thanh danh của Đảng. Công cuộc chống tham nhũng hiện nay đang dần khui ra những con sâu làm rầu nồi canh, để xây dựng Đảng luôn trong sạch, vững mạnh; để giữ niềm tin yêu của Nhân dân.
Đọc lại sử cũ để thấy giá trị trường tồn của liêm chính và nhắc nhớ mỗi cán bộ, đảng viên giữ mình.
Gửi phản hồi
In bài viết