Cụ bà Nguyễn Thị Ty ở thôn 16, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) năm nay đã bước sang tuổi 86 nhưng cụ vẫn còn rất minh mẫn và có thói quen rèn chữ cho các cháu nhỏ trong dòng họ. Thế nên cứ mỗi dịp đầu năm mới, ngoài việc giới thiệu cho con, cháu về nguồn gốc của phong tục khai bút đầu xuân của ông cha ta, cụ còn dặn các con, cháu phải chú trọng đến cái chữ, viết chữ sao cho thật sạch, đẹp để người khác đọc vào thích cái mắt. Cụ bảo, nét chữ nết người nên không được viết qua loa đại khái, mỗi nét chữ như toát lên được tâm ý của người viết với bao mong ước hay những điều gửi gắm...
“Thầy đồ” viết chữ thư pháp đầu năm.
Theo sử sách ghi lại, tục khai bút đầu xuân bắt đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIII, được gắn liền với hình ảnh người thầy giáo Chu Văn An đã về Chí Linh (Hải Dương) để mở lớp dạy học. Tục khai bút đầu xuân vốn không phải là một nghi lễ bắt buộc trong ngày tết nhưng từ lâu, nó đã được duy trì như một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Trước kia người ta thường thấy những ông đồ, học sĩ… thực hiện nghi thức khai bút cầu kỳ.
Sau lễ cúng giao thừa, họ sẽ đốt lư trầm bên bàn viết và cầm cây bút thảo những câu đối hay, những chữ có ý nghĩa lên giấy đỏ hoặc giấy hoa tiên. Tuy nhiên, ngày nay, cuộc sống ngày càng bộn bề, tục khai bút đầu xuân cũng có nhiều thay đổi và không còn đậm nét như xưa nữa. Tuy nhiên, với nhiều gia đình, đặc biệt là các học sinh, giới văn sĩ, thi sĩ,… phong tục này vẫn được giữ gìn. Bởi ngoài những giá trị Chân - Thiện - Mỹ, việc khai bút đầu xuân còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nó không chỉ tượng trưng cho sự khởi đầu một sự nghiệp, sự học mà còn gửi gắm rất nhiều tâm tư, nguyện vọng về một năm mới suôn sẻ, hạnh phúc và thành công.
Anh Nguyễn Văn Hải ở xã Hoàng Khai (Yên Sơn) cho biết, tục khai bút đầu xuân là nét đẹp đầu năm nên ai trong gia đình anh cũng rất hưởng ứng. Trước khi đặt bút viết, bao giờ cha anh cũng giải thích cặn kẽ cho con, cháu về ý nghĩa sâu xa của tục khai bút. Anh Hải nói thêm, đầu xuân năm mới quan thì khai ấn, thương gia thì mở hàng, nông thì khai canh, sĩ thì khai bút. Nét chữ khởi đầu cho một năm thường mang theo sự cầu phúc an lành, may mắn.
Theo tìm hiểu các tài liệu liên quan đến tục khai bút đầu xuân của người Việt thì người ta tin rằng, khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề, khai nghiệp... Tại nhiều vùng “đất học” nổi tiếng của nước ta như: Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An... lễ khai bút thường được tổ chức vào dịp đầu xuân mới đã có tác dụng rất lớn trong việc nhắc nhở thế hệ trẻ về phát huy truyền thống hiếu học, nhờ đó nhiều người đã phấn đấu rèn luyện học tập và thành người tài.
Nét đẹp khai bút, khai ấn đầu xuân ở một số nơi còn trở thành lễ hội thu hút đông đảo du khách thập phương tham gia. Tại Tuyên Quang, việc khai bút gắn với xin chữ đầu năm cũng được tổ chức tại những ngôi đền nổi tiếng hoặc khu vực chợ xuân, những người cho chữ thường là những người biết chữ nho và học cao, hiểu rộng.
Họa sỹ Mai Hùng, nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho rằng, phong tục khai bút đầu xuân là một nét đẹp về văn hóa của người Việt có từ lâu đời. Qua những dòng khai bút đầu xuân mọi người thường gửi gắm những mong ước về một năm mới tràn đầy sức khỏe, may mắn và hạnh phúc.
Qua mỗi nét viết đầu năm tràn đầy sinh khí của các thành viên trong gia đình sẽ thể hiện sự nỗ lực, đoàn kết để cùng hoàn thành những dự định trong năm mới. Chính vì thế phong tục khai bút đầu xuân là một nét đẹp văn hóa tốt đẹp trong dịp đầu xuân mới cần được gìn giữ và phát huy để giáo dục thế hệ trẻ ngày nay về tầm quan trọng của việc học để nỗ lực chinh phục những tri thức mới của nhân loại.
Gửi phản hồi
In bài viết