Lứa chúng tôi, nhiều người vì hoàn cảnh khó khăn mà tự “sáng tạo” ra viên phấn bằng cách lấy vôi nung hoà với nước và đổ vào vỏ bút, chờ cho đông lại rồi dùng để viết. Dù không mịn bằng phấn “xịn” nhưng cũng tiết kiệm được chút ít tiền để mua sách vở. Mỗi hôm đi học về, phấn bám đầy tay, trên áo, trên má.
Mấy chục năm sau, khi con tôi ra đời, vào lớp 1, mặc dù người ta đã sản xuất ra phấn không bụi, nhưng thực ra nó cũng không được cải thiện là mấy, hình hài và chất liệu làm nên viên phấn vẫn vậy, bụi bặm và bám đầy áo quần, mặt mũi…
Hành trình của viên phấn từ khi xuất hiện cho đến nhiều nay hầu như vẫn không có gì thay đổi. Nhiều khi trộm nghĩ, sao không thay bằng bút dạ viết trên bảng phoóc, vừa văn minh, hiện đại lại giảm thiểu ảnh hưởng tới sức khoẻ của giáo viên và học sinh, mà nhất thiết cứ phải dùng phấn? Có phải do nhận thức và tư duy lối mòn quá ăn sâu vào tiềm thức, hay vì hình ảnh bụi phấn quá đẹp nên người ta không nỡ bỏ?
Hình ảnh bụi phấn đẹp, nhưng ít ai biết rằng tác hại của nó nhiều như thế nào. Tìm hiểu về chất liệu làm nên phấn viết bảng thì biết chủ yếu là canxi carbonate, hay là đá vôi, tạo ra bụi mịn khi nghiền nhỏ. Bụi phấn viết bảng có thể gây tác động đối với sức khoẻ đường hô hấp khi thường xuyên tiếp xúc với nó. Bụi phấn phát tán trong không khí có thể kích thích niêm mạc đường hô hấp, gây gây kích ứng, tăng nguy cơ gây dị ứng và viêm nhiễm đường hô hấp, đặc biệt là đối với những người có tiền sử về bệnh dị ứng. Những người có bệnh hen suyễn thường nhạy cảm hơn đối với bụi phấn, khiến cho triệu chứng nặng hơn.
Nhân nói đến môi trường, sức khoẻ của Nhân nhân, trong điều hành phát triển kinh tế, nhiều nhà lãnh đạo đã khẳng định chắc chắn rằng “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, dù dự án kinh tế có mang lại nhiều lợi ích, thu nhập cho người lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước đến mức nào. Vậy mới thấy sức khoẻ của người dân luôn được đặt lên hàng đầu.
Câu chuyện về viên phấn tuy nhỏ, nhiều người không để ý nhưng nó phản ánh một kiểu tư duy lối mòn, không chịu làm mới mình, không mạnh dạn rũ bỏ những cái lỗi thời. Ở trong "vùng an toàn" là một đặc điểm phổ biến của tư duy không chịu đổi mới. Người ta không muốn rời khỏi những gì quen thuộc và đi kèm với đóng cửa tâm trí, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai và thực hiện các chiến lược mới, công nghệ mới, đình trệ và giảm khả năng cạnh tranh với những đối thủ linh hoạt hơn, làm mất cơ hội phát triển.
Cái gì là hủ tục, không phù hợp phải thay đổi. Biết thay đổi mới là văn minh.
Gửi phản hồi
In bài viết