Tiết mục biểu diễn của dàn nhạc dân tộc Sức sống mới. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Đó là hành trình mang âm nhạc dân tộc ra nước ngoài, để khẳng định với bạn bè quốc tế rằng, nhạc dân tộc Việt Nam, giản dị từ cây sáo trúc, cây đàn t’rưng, đàn nhị, tì bà đến tiếng trống đều có thể chơi được những bản nhạc cổ điển của thế giới.
Đặt Tổ quốc lên trên hết
Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia với tấm bằng xuất sắc, Đồng Quang Vinh được nhận học bổng học Thạc sĩ chuyên ngành Chỉ huy Dàn nhạc tại Học viện Âm nhạc Thượng Hải (Trung Quốc). Với anh đó là một cơ hội tuyệt vời để có thể mở rộng con đường của mình.
“Sau khi tốt nghiệp ở Thượng Hải năm 2013, tôi nhận được nhiều đề nghị hấp dẫn từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Nhật Bản..., nếu tôi ở lại sẽ có cơ hội để tiếp tục phát triển sự nghiệp đang thuận lợi của mình, nhưng tôi vẫn quyết định về Việt Nam. Tổ quốc cho tôi cơ hội học tập và biểu diễn, cũng là nơi có bạn bè thân thiết và gia đình tôi ở đó, chính vì vậy tôi quyết định trở về phục vụ đất nước”. Đồng Quang Vinh chia sẻ lý do vì sao anh chọn quay về Việt Nam thay vì ở lại Trung Quốc.
Lựa chọn 2 dòng nhạc kén người nghe: nhạc dân tộc và nhạc thính phòng, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh đã nỗ lực không mệt mỏi để đưa những dòng nhạc này đến gần hơn với công chúng. Với anh, không có biên giới giữa nhạc dân tộc hay cổ điển, nhạc phương Đông hay phương Tây, chỉ có một thứ duy nhất vang lên, âm nhạc với những vẻ đẹp thuần khiết của nó.
Vì thế, Đồng Quang Vinh đã vượt qua những giới hạn, khoảng an toàn của mình. Anh nói, thế kỷ 21 là thế kỷ của sự sáng tạo và những âm thanh mới, người nghệ sĩ không ngừng tìm kiếm những cái mới để chinh phục khán giả. Và con đường tìm kiếm, pha trộn giữa nhạc dân tộc, giữa những cây đàn truyền thống của Việt Nam như sáo trúc, đàn bầu, nhị, t’rưng với nhạc jazz, với violin, piano là con đường mà anh tìm kiếm.
Chính vì vậy, năm 2021, anh kết hợp với ca sĩ Tân Nhàn ra tác phẩm Xẩm “Công cha Ngãi mẹ” kết hợp với Dàn nhạc giao hưởng, năm 2022 là sự kết hợp với rap của Đen Vâu, năm 2023 là MV “Núi hát” với ca sĩ Trần Tùng Anh, rất có thể năm 2024 sẽ là một sự kết hợp mới mẻ nữa.
Hơn 10 năm kể từ khi về nước, Đồng Quang Vinh được mời tham gia chỉ huy các dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc dân tộc, dàn hợp xướng trong nước và quốc tế.
Tháng 10/2023, nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, đồng thời tưởng niệm những nạn nhân đã mất do động đất và sóng thần, Chính phủ Nhật Bản tổ chức chuỗi hòa nhạc cổ điển tại 6 thành phố lớn của Nhật. Anh vinh dự là nhạc trưởng người Việt Nam đầu tiên chỉ huy dàn nhạc Dream Orchestra với 60 thành viên là những nghệ sĩ xuất sắc được lựa chọn từ những dàn nhạc giao hưởng trên phạm vi toàn quốc của Nhật Bản và Việt Nam.
Đây là chương trình lớn và quy mô nhất ở nước ngoài mà Đồng Quang Vinh tham gia chỉ huy. Anh chia sẻ: “Tôi thật may mắn và vinh dự được Chính phủ Nhật Bản lựa chọn là nhạc trưởng Việt Nam đầu tiên chỉ huy dàn nhạc tại những phòng hòa nhạc lớn nhất Nhật Bản như Suntory Hall ở Tokyo, Takasaki Arts Theatre ở Gunma, Maruhon Maki Art Terrace ở Ishino Maki, Fukishima Music Hall..., thậm chí, buổi hòa nhạc cuối cùng biểu diễn trong chùa Todaiji tại Nara.
Nhưng bên cạnh vinh dự và tự hào, cũng là áp lực rất lớn vì Nhật Bản là một đất nước có truyền thống về âm nhạc cổ điển, nhiều dàn nhạc giao hưởng Nhật Bản thuộc tốp đầu thế giới và chất lượng sánh ngang với các nước Âu-Mỹ. Các nghệ sĩ Nhật Bản nổi tiếng ở tính chính xác, chi tiết và chuẩn chỉ trong từng nốt nhạc và âm nhạc của họ rất sâu. Các nghệ sĩ đại diện cho Việt Nam đã phải làm việc hết mình để đồng nghiệp và khán giả Nhật Bản có được cái nhìn thật đẹp về con người Việt Nam. Đứng ở vị trí nhạc trưởng, tôi còn chuẩn bị kỹ hơn và phải đi trước các nhạc công một bước”.
Ở lần biểu diễn này, Đồng Quang Vinh không chỉ đảm nhận vai trò chỉ huy dàn nhạc giao hưởng với những nghệ sĩ đến từ hai đất nước mà còn đưa dàn nhạc dân tộc Sức sống mới tới Nhật Bản tham gia biểu diễn trong tất cả những buổi hòa nhạc, mang tới cho khán giả âm hưởng và phong vị của các dân tộc từ khắp mọi miền trên dải đất hình chữ S. Sự sắp đặt này của chương trình đã kết hợp được tinh thần dân tộc của cả hai đất nước, làm cho khán giả hiểu thêm về văn hóa và con người Việt Nam một cách toàn diện hơn.
Đưa âm nhạc dân tộc vươn tầm thế giới
Hành trình hơn 10 năm qua của Đồng Quang Vinh là hành trình của lòng nhiệt huyết, đam mê và cống hiến. Anh làm việc không ngừng nghỉ, thậm chí có những ngày chỉ ngủ 4 tiếng vì còn soạn nhạc và giải quyết khối lượng công việc khổng lồ. Ngoài nhiệm vụ chính là chỉ huy dàn nhạc của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Đồng Quang Vinh còn là người sáng lập và Giám đốc của dàn nhạc dân tộc Sức sống mới, dàn hợp xướng quốc tế Hà Nội Voices.
Cùng với đó là rất nhiều dự án với lịch diễn dày đặc. Anh luôn tận dụng mọi cơ hội để quảng bá âm nhạc dân tộc đến đông đảo công chúng và bạn bè quốc tế. Thanh âm của các nhạc cụ Việt Nam rất đa dạng, phong phú. Những nhạc cụ đơn sơ được làm từ tre nứa, tưởng như chỉ hợp với không gian mộc mạc làng quê, được anh mang lên sân khấu cổ điển sang trọng, hòa tấu cùng dàn nhạc giao hưởng. Những ống tre, trúc, sáo bé nhỏ, đơn sơ nhưng lại có thể vang lên những âm thanh đậm chất cổ điển châu Âu, điều này mang lại những sắc màu mới cho nhạc cụ tre nứa Việt Nam.
Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh và vợ là nhạc sĩ, nghệ sĩ piano Trung Quốc Mạc Song Song về Việt Nam năm 2013, thành lập dàn nhạc tre nứa mang tên Sức sống mới để tiếp nối truyền thống ban nhạc gia đình Tre Việt. Dàn nhạc có buổi ra mắt trình diễn tại đại sứ quán Nhật Bản ở Việt Nam. Sự thành công của buổi biểu diễn cùng những lời khen ngợi của khán giả khiến vợ chồng nghệ sĩ Đồng Quang Vinh có thêm niềm tin rằng sẽ thành công. Với việc được tham gia nhiều hoạt động ngoại giao, dàn nhạc ngày càng chiếm được cảm tình của khán giả.
Sau hơn 10 năm phát triển, Sức sống mới đã có một hành trình đủ dài để lan tỏa vẻ đẹp và mang âm nhạc dân tộc ra thế giới. Từ một dàn nhạc ban đầu có khoảng 10 thành viên, đến nay đã phát triển lên hơn 40 thành viên, đều là các sinh viên hoặc cựu sinh viên tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam, chơi các loại nhạc cụ dân tộc, như sáo trúc, tiêu, đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt, đàn nhị, đàn Kơ ní, đàn t’rưng... Đây có lẽ là dàn nhạc dân tộc xã hội hóa duy nhất ở Việt Nam biểu diễn với các bản phối theo hình thức giao hưởng, do chính nhạc trưởng Đồng Quang Vinh sáng tác, biên soạn.
Trình diễn các thể loại âm nhạc từ truyền thống đến hiện đại, từ phương Đông đến phương Tây, với phong cách trẻ trung, Sức sống mới đã đến với khán giả nhiều vùng, miền trong nước; lưu diễn tại Mông Cổ, Kuwait, Nhật Bản, Nga, Hoa Kỳ...; tham gia những chương trình hòa nhạc lớn cùng các dàn nhạc giao hưởng, thính phòng hàng đầu thế giới và Việt Nam, tham gia các buổi tiệc chiêu đãi khách ngoại giao quốc tế của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gần đây nhất là buổi tiếp đón Tổng thống Nga V.Putin hay tại buổi Khai mạc Liên hoan phim châu Á diễn ra tại Đà Nẵng.
Anh Đồng Quang Vinh chia sẻ: “Phát triển dàn nhạc dân tộc là ước mơ của tôi. Trước khi về Việt Nam tôi luôn kỳ vọng sẽ thành lập một dàn nhạc dân tộc phát triển như ở Trung Quốc. Tôi đã làm việc với không ít dàn nhạc, chỉ huy giao hưởng nhiều nhưng ở Việt Nam thì không mấy khi chỉ huy dàn nhạc dân tộc. Do đó, khi về nước tôi quyết định không chờ nữa mà thành lập dàn nhạc ngay. Đến giờ phút này dàn nhạc Sức sống mới vẫn vận hành tốt sau hơn 10 năm mà không hề có tài trợ.
Chúng tôi có lẽ là dàn nhạc lớn mà tập luyện ít nhất Việt Nam. Tôi là người mất thời gian nhất vì phải ra bài mới, note ký hiệu thật kỹ. Đây là phương thức hoạt động của những dàn nhạc giao hưởng hàng đầu thế giới. Chúng tôi luôn chọn những nghệ sĩ có kỹ thuật tốt, bài sau khi viết xong tôi gửi cho các thành viên dàn nhạc và giao nhiệm vụ cho các bè trưởng đốc thúc mọi người luyện tập, đến sát ngày biểu diễn dàn nhạc chỉ tập 1 hoặc 2 buổi là diễn. Với cách làm như vậy các thành viên sẽ không thấy mệt mỏi hay than phiền phải bỏ việc này việc kia để tập”.
Ngày 1/6 vừa qua, đánh dấu chặng đường 10 năm hoạt động, dàn nhạc dân tộc Sức sống mới và dàn hợp xướng quốc tế Hà Nội Voice đã cùng tham gia chương trình Đồng thanh, cái tên mà nhạc trưởng Đồng Quang Vinh đặt cho chương trình, nghĩa là cùng ca vang, cùng hợp sức, đoàn kết, cùng tươi trẻ, cùng đem lại sức sống mới cho âm nhạc, cho cuộc đời.
Với nhiều màu sắc âm nhạc trong chương trình, từ dân ca, đến nhạc trẻ, từ nhạc phim hoạt hình Nhật Bản đến nhạc Hàn Quốc, từ nhạc truyền thống đến những tác phẩm âm nhạc kinh điển thế giới như tác phẩm “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Trống cơm” (dân ca quan họ Bắc Ninh); “Tình ca Tây Bắc” (Bùi Đức Hạnh); “Ước mơ của mẹ” (Hứa Kim Tuyền); “Gà gáy sáng - O Sole Mio” (dân ca Kống Khao - Edurado Di Capua); “My neighbour Totoro” (Joe Hisaishi), “Gangnam Style” (Psy)... Tất cả đều được thể hiện bằng nhạc cụ truyền thống Việt Nam, do nhạc trưởng Đồng Quang Vinh chuyển soạn.
Thông qua chương trình, Đồng Quang Vinh muốn thử thách chính mình, kết hợp các thể loại âm nhạc với nhau, dùng âm nhạc để xóa nhòa mọi khoảng cách về địa lý. Đặc biệt, qua Đồng thanh, anh muốn chứng minh khả năng thể hiện vô biên của nhạc cụ dân tộc Việt Nam gần gũi và hợp thị hiếu khán giả hiện nay.
Ước mơ phát triển một dàn nhạc dân tộc lớn, xứng tầm, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cho biết, sau chương trình Đồng thanh, dàn nhạc dân tộc Sức sống mới sẽ tiếp tục hoạt động theo hướng kết hợp nhiều thể loại âm nhạc, như jazz, pop, rap, rock, nhạc giao hưởng, thính phòng, múa... và bằng nhiều hình thức, thủ pháp nghệ thuật mới, đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả, vươn ra thế giới, góp phần tạo vị thế mới cho âm nhạc Việt Nam
Gửi phản hồi
In bài viết