Hành trình đưa dược liệu xuống phố

- Với sự năng động, sáng tạo của mình nhiều ông lang, bà mế ở Tuyên Quang đã tận dụng mạng xã hội để quảng bá nhiều bài thuốc quý của mình. Hành trình đưa dược liệu xuống phố của họ cũng nhiều điều để nói.

“Kỷ lục” của những nhà sáng tạo nội dung U50

Kênh Tiktok “Bà Lai thảo dược” được cộng đồng Tiktoker ngưỡng mộ bởi độ “hot” liên tục. Đó là có nhiều video lên xu hướng, trong vòng vài ngày đạt đến hàng triệu view, có video đạt 20 triệu view. Không phải là những nội dung mang tính giật gân mà đơn giản chỉ là video bình dị lên rừng hái thuốc, giới thiệu những bài thuốc dân gian của dân tộc mình.

Cũng như bà Lai, Kênh Tiktok “Cô Sinh thảo dược” cũng có độ “hot” không kém, khi chỉ trong vòng 2 tháng đã đạt được 40 nghìn lượt theo dõi với hàng chục video đạt trên 100 nghìn lượt xem. Nội dung đơn giản, chân thực như: “Cây thuốc này dễ kiếm nhưng không phải ai cũng biết”, “Rừng là kho báu của người Cao Lan”, “Món ăn này cũng là bài thuốc quý”…

2 lương y Phan Thị Lai và Âu Thị Sinh, thôn Đoàn Kết, xã Đội Bình (Yên Sơn)
thực hiện video ngắn giới thiệu về các bài thuốc dân tộc Cao Lan.

Bà Phan Thị Lai và bà Âu Thị Sinh, thôn Đoàn Kết, xã Đội Bình (Yên Sơn) là hội viên Hội đông y xã Đội Bình. Thông qua mạng xã hội là Tiktok và Facebook các hội viên đông y đã giới thiệu những bài thuốc dân gian, quảng bá kho dược liệu phong phú, phong tục tập quán người Cao Lan ở xứ Tuyên.​

Từ khi tham gia mạng xã hội, nhiều khách hàng chủ động tìm đến mua dược liệu.  Bà Phan Thị Lai chia sẻ, thông qua những video nhiều người cũng tìm đến Tuyên Quang để chia sẻ, học hỏi, khám phá những bài thuốc quý. Nhiều lương y ở Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa... đến tham quan và đặt mua dược liệu.    

Lấy khó khăn để làm điểm mạnh

Hợp tác xã thuốc Đông y Tân Hoa, xã Bình An (Lâm Bình) có 15 thành viên. Chàng trai La Văn Dũng hiện nay là Giám đốc Hợp tác xã thuốc Đông y Tân Hoa, xã Bình An. Anh cũng là Phó Hội trưởng Hội Đông y huyện Lâm Bình. Đến thăm trụ sở Hợp tác xã mới thấy được sự tất bật bận rộn của các ông lang, bà mế. Sau khi hái thuốc, người sơ chế, người sấy, đóng gói, tư vấn bán hàng...

Anh La Văn Dũng cùng với các thành viên Hợp tác xã Tân Hoa, xã Bình An (Lâm Bình) sơ chế thảo dược.

Anh Dũng chia sẻ: “những năm gần đây nhiều ngành nghề tận dụng mạng xã hội để quảng bá, phát triển. Ban đầu tôi nghĩ làm thuốc thì khó tận dụng mạng xã hội lắm. Bởi cái khó là mình chữa bệnh thông qua bắt mạch, chuyện trò thăm khám trực tiếp với bệnh nhân, còn qua mạng xã hội thì tin tưởng sao được. Thế nhưng với ý nghĩ làm video trao giá trị, chia sẻ những kiến thức bài thuốc nam gia truyền thì Giám đốc Hợp tác xã Đông y Tân Hoa đã tìm được hướng đi mới. Đó là bán nguồn dược liệu bản địa”.

Lấy cái khó để làm điểm mạnh, anh tạo sự uy tín bằng những video livestream quá trình trồng dược liệu thuận tự nhiên, cách thu hái, sơ chế, kinh nghiệm. Các hội viên trồng những cây thuốc quý dưới những tán rừng. Đây là mô hình trồng trên đất tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, phân bón. Khi nhiều người biết đến cách làm này sẽ nhận thấy rõ giá trị của nguồn dược liệu sạch. Bởi thuốc chữa bệnh trước hết phải sạch thì mới điều trị được bệnh.

Nhờ xây dựng được thương hiệu, uy tín qua mạng xã hội nên khi anh Dũng tham gia các phiên chợ, hội chợ ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm thuốc gia truyền của Hợp tác xã được nhiều khách hàng tin tưởng tìm mua. Nhờ đó hành trình đưa dược liệu xuống phố của anh cũng dễ dàng hơn. Anh chia sẻ, trung bình anh bán được 10-20 tạ, trong những chuyến đi như thế này.

Thời gian qua, nhiều báo chí truyền thông trong nước đưa tin về cô gái Phùng Thị Mùi, thôn Phiêng Luông, xã Bình An (Lâm Bình). Chị Mùi và bà nội của mình đã cùng nhau xây dựng kênh Youtube, Tiktok khá hiệu quả. Ban đầu, cái khó của chị Mùi là khó khăn trong phát âm tiếng phổ thông còn hơi ngọng, lơ lớ nên chị Mùi tự ti lắm! Có nhiều video chị phải nói đi nói lại nhiều lần nhưng vẫn chưa ưng ý. Thế nhưng chính sự chân thực, đáng yêu đó lại trở thành điểm mạnh khiến nhiều khán giả yêu thích.


Chị Phùng Thị Mùi, xã Bình An (Lâm Bình) xây dựng kênh Tiktok, Facebook, Youtube về nội dung thảo dược dân tộc Dao được nhiều lượt xem và yêu thích của cộng đồng mạng.

Chị chia sẻ: “Ở thôn người Dao mình có nhiều ông lang, bà mế là hội viên Hội đông y thế nhưng họ chỉ chữa bệnh loanh quanh bản làng này thôi. Mình chỉ sợ, mai kia các cụ già đi về với tổ tiên thì những bài thuốc quý cũng đi theo về lòng đất. Thế nên mình làm video bên cạnh quảng bá nguồn dược liệu địa phương thì còn giúp giữ gìn bài thuốc quý của dân tộc mình. Đồng thời có những khuyến cáo, cảnh báo cũng như cách trồng giữ gìn cây thuốc quý, có nguy cơ tuyệt chủng”.

Bác sĩ Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh chia sẻ, Tuyên Quang có kho dược liệu tự nhiên phong phú. Hiện nay nhiều hội viên đã tận dụng mạng xã hội để làm nội dung quảng bá, giới thiệu nguồn dược liệu bản địa. Bên cạnh việc quảng bá còn để nhiều người học hỏi, kiến thức kinh nghiệm tạo ra bài thuốc quý, hiệu quả.

Hành trình tìm đầu ra cho dược liệu nhờ tiếp cận mạng xã hội đã được nhiều hội viên hội đông y trong tỉnh thực hiện hiệu quả. Với những video giản đơn, chân thực, trao giá trị, các nhà sáng tạo nội dung ở tuổi U50 người Dao, người Cao Lan xứ Tuyên đã tự tìm con đường mới quảng bá dược liệu và bài thuốc quý gia truyền của dân tộc mình.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục