20 năm nghèo khó
Anh Ma Văn Đình, thôn Bản Nuầy, |
Anh Đình sinh năm 1978, tuổi con ngựa. Anh bảo vất vả đúng như cái tuổi của mình. Năm 1999, anh lập gia đình, được cha mẹ cho 6 sào ruộng và 1 cặp trâu nái làm của hồi môn. Ngày ấy anh cũng mang chí lớn, quyết tâm làm giàu bằng kinh tế nông nghiệp, đưa các giống lúa, giống ngô mới vào trồng nhưng do ruộng nằm ở đoạn cheo leo trên sườn đồi, khó khăn về nguồn nước nên mất mùa thường xuyên, 2 con trâu nuôi mãi cũng không sinh sản.
Anh ngậm ngùi chia sẻ, năm 2003, anh quyết định bán 1 con trâu để có chút vốn đầu tư sang nuôi lợn, tuy nhiên khởi nghiệp nuôi lợn được vài năm không thấy dư đồng nào và cuối cùng lại hoàn tay trắng.
Lúc này gia đình thực sự bế tắc, nhiều lúc nhìn 3 đứa con nhỏ nheo nhóc khiến ông bố trẻ tự khóc một mình. Anh xin đi làm thuê khắp nơi trong, ngoài xã, ai bảo gì làm nấy, vừa canh tác, vừa chăn nuôi để phụ giúp thêm kinh tế cho gia đình. Cuộc sống cứ thế qua đi, đến năm 2016, trong đợt tuyển công nhân nhà máy giấy dưới TP Tuyên Quang, lại một lần nữa anh “khăn gói quả mướp” đi làm ăn xa. Nhưng ông trời quá nhiều thử thách, đến năm 2019 do điều kiện sức khỏe anh đành phải quay về quê hương.
Cuối năm đó, một lần đi thăm họ hàng tại tỉnh Bắc Giang, anh mê mẩn mô hình nuôi ngựa bạch sinh sản và vỗ béo ngựa màu. Anh Đình kể, anh thế chấp căn nhà đang ở vay Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Hang số tiền 100 triệu đồng vào đầu năm 2020, lên tận tỉnh Cao Bằng mua 1 con ngựa bạch cái chửa với số tiền 110 triệu đồng về nuôi, sau 3 tháng ngựa đẻ được 1 con và cũng bắt đầu chấm dứt sự “thử thách” trong phát triển kinh tế ròng rã gần 20 năm.
Nuôi ngựa bạch sinh sản và vỗ béo ngựa màu
Ở góc vườn ngay cạnh đường Quốc lộ 279, khu chuồng nuôi ngựa của anh Ma Văn Đình lúc nào cũng có gần 20 con ngựa các loại.
Câu chuyện dường như cởi mở hơn, anh Đình tự hào là người học hỏi và áp dụng mô hình nuôi ngựa vỗ béo đầu tiên của xã. Chính trong thời gian đi học hỏi mô hình ở các địa phương, ngoài nuôi ngựa bạch sinh sản anh còn quan tâm nhiều đến mô hình nuôi ngựa màu vỗ béo để làm thực phẩm.
Anh Ma Văn Đình chăm sóc đàn ngựa bạch của gia đình.
Anh kể, thật không dễ để bắt đầu, lần đầu tiên mua 2 con ngựa màu ở Cao Bằng về vỗ béo, do chưa nắm vững cách chọn, mua phải ngựa khung nhỏ, chăn từ tháng 1 đến tháng 10 - 2021, trọng lượng không thay đổi, bán đi lỗ mất 2 triệu đồng và cũng lỗ luôn 10 tháng công chăm sóc. “Đi một ngày học một sàng khôn” tự mày mò và học hỏi những chủ trại đi trước và câu chuyện nuôi ngựa vỗ béo đã mang lại cho anh nhiều thành công.
Tính chung mỗi con ngựa gầy về nuôi sau 3 tháng sẽ lên trung bình khoảng 18 kg, thức ăn ngoài cỏ, ngô, anh Đình còn bổ sung thêm cám vỗ béo của lợn, nhưng chỉ 1 tuần 1 lần, do nuôi nhốt nên sẽ tăng trọng nhanh hơn và cũng ít bệnh tật hơn. Với giá bán trung bình 160.000đ/kg thì mỗi con ngựa sẽ thu lãi khoảng 2 triệu đồng.
Được một người bạn giới thiệu các đầu mối tiêu thụ cao ngựa bạch, để chủ động nguồn cao, anh cũng lên tận huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) học nghề. Anh bảo, mình nấu cao khác mọi nơi, là nguyên chất nên công đoạn làm cũng tỉ mỉ, một con ngựa bạch trọng lượng khoảng 200 kg sẽ cho nồi cao khoảng 6,5 kg, cao hơn so với mọi nơi gần 1 kg. Anh bật mí, do nấu thời gian lâu hơn, đảm bảo ra hết chất trong xương vì thế cao ngựa của gia đình luôn có giá 1,2 triệu đồng/100g.
Xác định chăn nuôi lớn ngoài việc chủ động thức ăn thì cần phải có kiến thức trong phòng trị bệnh, anh Đình đã tự học và tự hào là người duy nhất có thể tiêm cho ngựa, đồng thời chữa trị được những bệnh thông thường. Ngày xưa dân nuôi ngựa sợ nhất là ngựa bị bệnh, khi tiêm rất nguy hiểm, ấy thế mà một lần sang huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) nấu cao ngựa thuê, anh được một ông lão người Nùng hướng dẫn cách tiêm cho ngựa, lựa đúng chỗ da mỏng gần cổ, con ngựa gần như không có phản ứng, về anh áp dụng và đã thành công. Anh bảo, ngày xưa nếu có việc là phải gọi cán bộ thú y, thì nay có thể chủ động được nên việc nuôi ngựa càng dễ dàng hơn.
Đàn ngựa bạch sinh sản luôn được anh Đình kiểm tra sức khỏe hàng ngày.
Anh Ma Văn Khuy, thôn Bản Nuầy, xã Năng Khả đang là hộ tiên phong nuôi ngựa sau khi được anh Ma Văn Đình gợi ý. Anh Khuy chia sẻ, đầu năm 2022, anh mua 1 con ngựa cái màu với giá 35 triệu đồng nay đã sinh sản thành 2 con, được hỗ trợ kỹ thuật, được phối giống miễn phí nên anh cũng hoàn toàn yên tâm chăm sóc. Có nhiều người hỏi mua ngựa nhưng anh vẫn chưa bán, anh dự tính cuối năm nay khi đàn ngựa nhân thành 3 con sẽ bán toàn bộ, để có vốn đầu tư chuồng trại và mua ngựa bạch về nuôi sinh sản.
Đồng chí Bàn Văn Khé, Chủ tịch UBND xã Năng Khả cho biết, nuôi ngựa thực sự mang lại hiệu quả, tuy nhiên hiện nay chi phí đầu tư con giống và chuồng trại khá lớn nên mức độ phổ biến vẫn chỉ ở quy mô vài hộ gia đình. Mô hình nuôi ngựa của gia đình anh Ma Văn Đình hiện đã đăng ký sản phẩm OCOP của xã với tên gọi “Cao ngựa bạch Thùy Linh”, nhưng do là sản phẩm mới nên vẫn cần tìm kiếm thêm đầu ra, chính quyền xã cũng khuyến khích người dân học tập và phát triển nuôi ngựa trong quy mô hộ gia đình.
Anh Đình khẳng định, nuôi ngựa nhốt chuồng vừa dễ cho sinh sản, dễ nuôi vỗ béo và cũng tiện chăm sóc. Như gia đình anh mỗi năm cũng bán ra thị trường trên dưới 30 con ngựa các loại với giá bán trung bình khoảng 28 triệu đồng mỗi con ngựa màu và 50 triệu đồng mỗi con ngựa bạch, hàng năm có doanh thu khoảng 300 triệu đồng, chưa kể đi nấu cao thuê và bán cao tại gia đình.
Anh mong tương lai sẽ có nhiều hộ dân học tập theo, anh sẽ tư vấn miễn phí và chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp chăn nuôi. Đồng thời để giá con giống ưu đãi, nhận bao tiêu đầu ra cho bà con... Có như vậy, nuôi ngựa mới sớm trở thành một nghề đem lại hiệu quả kinh tế, giúp nâng cao đời sống cho người dân xã Năng Khả trong tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết