Nhắc tới Bình Phước, hẳn nhiều người sẽ nhớ đến những địa danh, căn cứ cách mạng nằm cuối con đường Trường Sơn huyền thoại mà nay trở thành những khu di tích quốc gia đặc biệt như: Căn cứ Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết (xã Lộc Ninh), Bồn xăng – kho nhiên liệu VK98, mộ 3.000 người hay câu chuyện giã gạo nuôi quân của đồng bào S’tiêng Sóc Bom Bo… Hành trình rong ruổi trên mảnh đất này, chúng tôi càng hiểu và yêu thêm Bình Phước không chỉ có nhiều cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ mà còn giàu truyền thống cách mạng.
Rời TP Tuyên Quang, trên chặng đường hướng về Bình Phước, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một hình ảnh hiếm gặp. Bầu trời trung tâm TP HCM bỗng trở nên sôi động bởi tiếng động cơ những chiếc máy bay quân sự đang hợp luyện, chuẩn bị trình diễn 50 năm thống nhất đất nước. Tất cả thành viên trong đoàn đều đồng loạt hướng mắt lên bầu trời, không giấu được sự háo hức và tự hào.
Sau những phút giây háo hức, đoàn đã đặt chân đến Bình Phước. Điểm dừng chân đầu tiên là Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết, thuộc xã Lộc Thành (Lộc Ninh). Nơi đây, từng là “căn cứ địa thép”, “trái tim” của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam.
Đoàn công tác Báo Tuyên Quang tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết.
Đón đoàn với nụ cười tươi, chị Trương Thị Thúy, hướng dẫn viên Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết dẫn đoàn vào dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị tướng lĩnh, anh hùng liệt sĩ đang được thờ tại Khu di tích Căn cứ Tà Thiết. Trò chuyện với chị, thật đặc biệt, chị cũng là người con của quê hương Tuyên Quang, đã gắn bó với mảnh đất Lộc Ninh này gần 30 năm.
Vừa dẫn chúng tôi tham qua khu di tích, chị Thúy vừa kể: Ngày 7/4/1972, Lộc Ninh là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng. Sau Hiệp định Pari, quân đội Mỹ rút về nước, tình hình giữa ta và Ngụy quyền Sài Gòn có sự chuyển động thuận lợi cho ta ở cả chiến trường miền Nam. Để phù hợp với tình hình mới, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền quyết định dời căn cứ Quân ủy Miền từ sóc Con Trăng (Tây Ninh) về đóng tại Tà Thiết. Đầu tháng 3/1973, căn cứ Tà Thiết (căn cứ Bộ Chỉ huy Miền) bắt đầu được xây dựng. Đây cũng là căn cứ cuối cùng của cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta…
Đoàn thăm nơi ở, làm việc của các đồng chí lãnh đạo Bộ Chỉ huy Miền trong căn cứ Tà Thiết
Tại căn cứ Tà Thiết thời kỳ ấy đã có nhiều sự kiện lịch sử đặc biệt. Đây là nơi đã diễn ra các cuộc họp và tiếp các phái đoàn cao cấp của Bộ Chính trị, Bộ Tham mưu - Trung ương Cục miền Nam. Tại hội trường mái lá trung quân dưới cánh rừng Tà Thiết, ngày 8-4-1975, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị phổ biến Nghị quyết 7 của Trung ương Đảng về việc thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Và cũng tại nơi này, Bộ Chỉ huy chiến dịch đề nghị Trung ương đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Đáp ứng nguyện vọng đó, Bộ Chính trị đồng ý đổi tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định thành chiến dịch mang tên Bác: Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 30-4-1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng…
Đoàn tham quan di tích lịch sử Nhà giao tế Lộc Ninh
Mỗi điểm dừng chân, mỗi hiện vật, không gian nơi đây đều như một thước phim quay chậm, tái hiện lại những năm tháng chiến đấu đầy cam go nhưng cũng đầy kiên cường của dân tộc. Đặc biệt, khi nghe chị Thúy kể về những đóng góp to lớn của người dân Lộc Ninh trong việc nuôi giấu cán bộ, cung cấp lương thực, thuốc men cho cách mạng, chúng tôi càng thêm khâm phục tinh thần yêu nước và sự hy sinh cao cả của họ.
Du khách đạp xe trải nghiệm và chekin trong khuôn viên Khu di tích Tà Thiết.
Trong chuyến đi đến huyện Lộc Ninh, chúng tôi khá bất ngờ khi được tận mắt ngắm nhìn những di tích cấp quốc gia vẫn còn nguyên vẹn hình hài. Đó là Di tích quốc gia đặc biệt Bồn xăng – kho nhiên liệu VK98 ở xã Lộc Quang gợi nhớ "con đường xăng dầu" trên con đường Trường Sơn huyền thoại đã được xây dựng bằng bao nhiêu công sức và cả máu của những người anh hùng liệt sĩ, của hàng vạn dân công hỏa tuyến để cung cấp xăng dầu cho những trận đánh cuối cùng vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Nữ chiến sĩ xăng dầu trên đường Trường Sơn (ảnh tư liệu)
Đứng trước những bồn xăng nhuốm màu thời gian, nhưng chúng tôi hình dung về những trận bom đạn khốc liệt mà nơi này đã phải gánh chịu. Dù vậy, với tinh thần quả cảm và sự mưu trí sáng tạo, quân và dân ta đã bảo vệ an toàn cho kho nhiên liệu, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.
Tiếp tục hành trình, đoàn đến Di tích lịch sử văn hóa quốc gia mộ tập thể 3.000 người ở phường An Lộc, thị xã Bình Long với bao cảm xúc. Đây là ngôi mộ tập thể của 3.000 người chết trong giai đoạn Chiến dịch Nguyễn Huệ diễn ra suốt 32 ngày đêm (từ 13/4 đến 15/5/1972); là nơi ghi dấu một quá khứ đau thương về tội ác của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Tượng đài và khu mộ tập thể 3.000 người ở phường An Lộc, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước.
Toàn khuôn viên di tích hơn 4.000m2, gồm khu mộ tập thể, nơi chôn cất hàng ngàn người dân vô tội ở khu vực thị trấn An Lộc xưa và trong đó có cả binh lính Việt Nam Cộng hòa. Hơn 3.000 người dân An Lộc vô tội đã ngã xuống, hệ lụy của 32 ngày đêm Mỹ điên cuồng đánh phá Việt Nam trong chiến dịch Nguyễn Huệ hòng giữ Bình Long để giữ cho được Sài Gòn. Thế nhưng, “lấy trí nhân để thay cường bạo”, dù Mỹ đã sử dụng các phương tiện tối tân, hiện đại với B52 đánh phá, nhưng mọi cuộc chiến phi nghĩa đều thất bại. Tuyến quốc lộ 13 được giải phóng, thông tuyến, quân chủ lực Việt Nam tiến về Sài Gòn làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tọa lạc giữa phồn hoa đô thị, khu di tích với tượng đài hùng vĩ uy nghi, sừng sững như tinh thần quật khởi, ý chí đấu tranh cách mạng không gì lay chuyển của quân, dân An Lộc, Bình Long và cả nước nói chung. Ôm vào lòng hơn 3.000 người vô tội, vì chiến tranh mãi mãi không trở về, khu di tích trở thành vùng đất linh, biểu tượng sáng ngời hun đúc trong tiềm thức người dân Việt lòng tự tôn dân tộc, ý thức trách nhiệm với quê hương đất nước.
Đoàn Báo Tuyên Quang và Báo Bình Phước dâng hương tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia mộ tập thể 3.000 người.
Trong không khí trang nghiêm, mỗi thành viên trong đoàn đã bày tỏ lòng biết ơn đối với những hy sinh của quân và dân ta để có được hòa bình, tự do. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau, sự hy sinh, mất mát của cha ông ta để có được đại thắng mùa xuân ngày 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Về với Di tích mộ tập thể 3.000 người, trong mỗi chúng tôi càng thấy thêm yêu và trân quý hơn giá trị của hòa bình và tự do.
Rời Bình Long đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo ở xã Bình Minh, huyện Bù Đăng. Đến sóc Bom Bo, chúng tôi như được sống lại với những ký ức hào hùng, nghe kể chuyện giã gạo nuôi quân, thưởng thức tiếng cồng chiêng của người S'tiêng.
Du khách đến tham quan khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo.
Người đón chúng tôi là cô gái dân tộc S’tiêng Điểu Thị Mỹ và cũng là nhân viên của khu bảo tồn. Chị Mỹ giới thiệu chi tiết về những công trình độc đáo, đặc sắc của người S’tiêng như nhà dài truyền thống, nhà đón tiếp, nhà lưu giữ làng nghề truyền thống. Đặc biệt, chúng tôi được chiêm ngưỡng những hiện vật quý tại nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà bán hàng lưu niệm như bộ đàn đá kỷ lục Việt Nam nặng 20 tấn; bộ cồng chiêng lớn nhất Việt Nam gồm 6 chiêng, 5 cồng có đường kính 2,15 m, nặng 600 kg; nghe kể chuyện về tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm của người S’tiêng…
Sóc Bom Bo xưa, từng là hậu phương của cách mạng. Trong chiến tranh, đồng bào S’tiêng nơi đây ngày đêm giã gạo nuôi quân, sẵn sàng ăn củ rừng, nhường muối, gạo cho bộ đội, một lòng theo Đảng. Trong hành trình đến sóc Bom Bo, chúng tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với già làng Điểu Lên, một nhân chứng sống của phong trào giã gạo nuôi quân trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Già Điểu Lên kể chuyện giã gạo nuôi quân cho du khách.
Già Điểu Lên năm nay đã gần 80 tuổi (sinh năm 1945), sức khỏe đã yếu nhưng khi nghe chúng tôi hỏi về phong trào giã gạo nuôi quân, mắt già lại ánh lên một niềm tự hào. Già chậm rãi kể, năm 1960, Đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược Chiến tranh đặc biệt trên toàn Miền Nam, chúng dồn dân, lập ấp chiến lược, thực hiện nhiều chế độ vô cùng tàn ác… khi ấy già Điểu Lên mới 15 tuổi, với tinh thần yêu nước nồng nàn, ông và 6 người anh em của mình đều theo cha hăng hái đánh giặc, gìn giữ quê hương.
Trong kí ức của mình, già Lên vẫn nhớ rất rõ, kì tích giã gạo nuôi quân, làm nên sóc Bom Bo huyền thoại. “Hồi đó, Sóc Bom Bo chỉ với khoảng 30 hộ, 80 người dân, ban ngày, đàn ông đi theo bộ đội đánh giặc, đàn bà đi thu lúa, bắp, khoai…ban đêm về thì cùng nhau giã gạo và chuẩn bị lương thực. Mỗi lần giã gạo, bà con lấy cây lồ ô đã phơi khô, rồi đốt lên làm đuốc bập bùng trong đêm. Mỗi cối có từ 2-4 người thay nhau giã, khi nghe tiếng máy bay địch quần đảo trên bầu trời, thì tất cả tắt lửa chui xuống hầm trú ẩn. Thời đó, sóc Bom Bo trở thành nơi tiếp tế lương thực cho bộ đội tham gia chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long” già Điểu Lên nhớ lại.
Giọng Già Lên trầm ấm, xen lẫn những tiếng ho khẽ. Già ngừng lại một chút, rồi tiếp tục, chính âm thanh nhịp nhàng từ “tiếng chày khua” của những chàng trai, cô gái đồng bào X’tiêng giã gạo đêm dưới ánh lửa “đuốc lồ ô bập bùng” đã bừng lên khí thế cách mạng sôi nổi cả sóc Bom Bo. Cũng là nguồn cảm hứng để cố nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” huyền thoại. Nhờ bài hát này mà suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước cái tên sóc Bom Bo đã luôn đi cùng với các đoàn quân giải phóng…
Hành trình rong ruổi trên mảnh đất Bình Phước đã khép lại với những cảm xúc lắng đọng và những bài học lịch sử sâu sắc. Bình Phước không chỉ có những cánh rừng cao su bạt ngàn, hay những vườn điều trĩu quả mà còn là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi in dấu những chiến công oanh liệt và sự hy sinh của biết bao thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Gửi phản hồi
In bài viết