Từ những năm 1965 trở đi, khi chiến tranh phá hoại lan ra miền Bắc, Tuyên Quang trở thành nơi đóng quân, luyện tập của nhiều đơn vị chủ lực. Những địa danh như Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa... là nơi huấn luyện, tập kết của các đơn vị trước khi vào Nam chiến đấu. Những cánh rừng từng che chở cho cơ quan Trung ương trong kháng chiến chống Pháp, giờ lại dang rộng vòng tay bảo vệ các chiến sĩ giải phóng quân.
Những Cựu chiến binh chống Mỹ (tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh) kể chuyện chiến trường cho các cháu học sinh trường Nguyễn Văn Huyên (TP Tuyên Quang).
Đã có hàng chục nghìn lượt thanh niên lên đường nhập ngũ, hàng ngàn người con ưu tú mãi mãi nằm lại chiến trường. Hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men, hàng chục nghìn ngày công được nhân dân các dân tộc trong tỉnh tình nguyện đóng góp cho kháng chiến.
Cựu chiến binh Phạm Đình Chiến, thôn Cầu Cả, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) từng tham gia chiến dịch mặt trận Huế - Bình Trị Thiên. Ông nói: “Tôi nhớ mãi những ngày hành quân dọc Trường Sơn, mưa rừng gió núi gian khổ vô cùng nhưng chưa bao giờ tôi nao núng. Miền Nam lúc ấy như đang gọi, chúng tôi ở ngoài Bắc không thể ngồi yên. Tôi luôn coi đó là sứ mệnh thiêng liêng của đời mình”.
Cựu chiến binh Trần Dương Xuân, tổ dân phố Tân Bắc, thị trấn Sơn Dương vẫn nhớ như in những tháng ngày chiến đấu gian khổ nơi chiến trường Quảng Trị, chiến dịch Tây Nguyên, đòn mở màn then chốt cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: “Bom đạn có thể trút xuống bất cứ lúc nào, nhưng ai cũng sẵn sàng, bởi lòng yêu nước bấy giờ mãnh liệt lắm”. Trên người ông Xuân vẫn còn mảnh đạn nhỏ và mất thị lực một bên mắt. “Cái mảnh nhỏ ấy giờ vẫn không lấy ra được”, ông nói nhẹ nhàng như đã chấp nhận một phần thân thể gửi lại chiến trường. Giải phóng miền Nam chưa lâu, ông tiếp tục làm nhiệm vụ phát triển kinh tế ở Hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh). Mỗi lần kể về quá khứ, ánh mắt ông vẫn ánh lên niềm tự hào. “Thời ấy, ai cũng mang trong mình khát khao cháy bỏng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là lý tưởng đẹp nhất của đời lính”, ông nói, giọng đầy cảm xúc.
Các phong trào thi đua “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Góp gạo nuôi quân”, “Em yêu chú bộ đội”... đã trở thành làn sóng mạnh mẽ lan rộng khắp tỉnh. Hình ảnh những bà mẹ, người chị tiễn con, tiễn chồng đi bộ đội; hình ảnh những em bé học bài dưới hầm trú ẩn; những bữa cơm độn sắn, độn ngô... là ký ức không thể nào quên của một thời cả nước vì miền Nam ruột thịt.
Cùng với chi viện sức người, sức của, Tuyên Quang còn là điểm tựa tinh thần cho các chiến sĩ miền Nam. Nhiều gia đình đã trở thành nơi đùm bọc, nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh, là mái nhà ấm áp cho các cán bộ miền Nam tập kết. Những lớp học bổ túc văn hóa, các trại điều dưỡng, các xưởng sản xuất vũ khí thô sơ, các bếp ăn tập thể... mọc lên giữa rừng xanh, tất cả đã tạo nên một hệ thống hậu phương vừa chiến đấu, vừa sản xuất, vừa nuôi dưỡng lực lượng cách mạng.
Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, hàng vạn lá thư, hàng nghìn chiếc khăn tay thêu, những chiếc mũ, đôi dép, hộp cơm... từ bàn tay người Tuyên Quang đã theo những chuyến xe vào tận chiến trường. Mỗi sản phẩm là một thông điệp yêu thương, là tình cảm sâu nặng hậu phương gửi ra tiền tuyến.
Chiến thắng 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi. Trong chiến thắng đó, có phần xương máu, mồ hôi và nước mắt của quân, dân Tuyên Quang.
Gửi phản hồi
In bài viết