Tuy nhiên, Việt Nam chưa có thị trường nhiếp ảnh nghệ thuật đúng nghĩa, chưa có các thiết chế chuyên nghiệp để sưu tầm, giới thiệu, trưng bày, mua bán tác phẩm ảnh nghệ thuật. Điều này đã hạn chế sự phát triển của nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam.
Tác phẩm “Váy hoa” đạt giải Grandprize của cuộc thi Skypixel 2023. Ảnh: Khánh Phan
Hơn 200 năm nhiếp ảnh Việt Nam
Người Việt Nam tiếp cận nhiếp ảnh và sớm say mê nghệ thuật hiện đại này dù điều kiện còn nhiều khó khăn. Năm 1839, nhà vật lý học người Pháp Louis-Jacques-Mandé Daguerre công bố trước công chúng chiếc máy chụp ảnh đầu tiên tại Pháp. Hơn 20 năm sau, chiếc máy ảnh và nghề ảnh đã được viên quan nhà Nguyễn, cụ Đặng Huy Trứ đưa về Việt Nam.
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Chúng ta vẫn coi cụ Đặng Huy Trứ là “ông tổ” nghề ảnh Việt Nam. Ông đã tiếp xúc với nhiếp ảnh tại Hồng Kông, lúc đó là một công nghệ rất mới của phương Tây và mang về Việt Nam. Sau này ông được đánh giá là người gây mầm đổi mới, gây mầm duy tân, ông đã nhìn thấy, học hỏi, mang nhiều cái mới về cho đất nước, trong đó có máy ảnh. Năm 1863 cụ Đặng Huy Trứ mở hẳn một cửa hàng ảnh ở phố Thanh Hà, ven Ô Quan Chưởng, lấy tên là Cảm Hiếu Đường, “Cảm” là cảm xúc, “Hiếu” là chữ hiếu rất quan trọng trong văn hóa Việt Nam, “Đường” là cửa hàng, cửa hiệu. Cụ đã thấy cái máy ảnh đáp ứng được một nhu cầu rất lớn của người phương Đông là đáp ứng được chữ hiếu, mong muốn chụp để lưu giữ ảnh của người thân cho con cháu. Kể như thế để thấy máy móc công nghệ là của phương Tây nhưng khi vào Việt Nam nhiếp ảnh được tiếp thu hay khúc xạ bởi văn hóa của người Việt”.
Từ dấu mốc đầu tiên đó, nhiếp ảnh Việt Nam đã không ngừng phát triển. Đầu những năm 1930, phong trào nhiếp ảnh nghệ thuật đã được hình thành. Năm 1952, lần đầu tiên, 21 nhà nhiếp ảnh Việt Nam, trong đó có nhiều tên tuổi nổi tiếng như Võ An Ninh, Nguyễn Cao Đàm, Trịnh Văn Bách... đã triển lãm hơn 100 tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật tại Nhà hát Lớn Hà Nội với tựa đề "Triển lãm ảnh mỹ thuật 1952". Cuộc triển lãm này là một mốc khởi đầu quan trọng của nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam.
Qua thời gian, cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ, bắt nhịp với các trào lưu sáng tác ảnh trên thế giới, nhiếp ảnh Việt Nam hiện có sự phát triển vượt bậc. Số lượng người thực hành nhiếp ảnh nghệ thuật ngày càng đông đảo, trong đó có hơn 1.000 hội viên sinh hoạt tại Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Số lượng tác giả đoạt các giải thưởng ảnh quốc tế cũng rất nhiều. Sau hơn 30 năm Việt Nam tham gia tổ chức Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP), đến nay đã có hơn 200 nhà nhiếp ảnh được mang các tước hiệu của FIAP.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đánh giá: “Chất lượng ảnh của các tác giả Việt Nam dự thi quốc tế luôn được đánh giá cao. Việt Nam là một trong những quốc gia có nền nhiếp ảnh phát triển mạnh mẽ”.
Tác phẩm của nghệ sĩ Thế Sơn trong triển lãm “10 năm phơi sáng”.
Bắt nhịp với các trào lưu sáng tác trên thế giới
Lâu nay, với nhiều người, giá trị của bức ảnh được đo bằng tính độc đáo trong khoảnh khắc mà nó lưu giữ. Bức ảnh đó chụp ai, cái gì, ở đâu, khi nào là những yếu tố hết sức quan trọng để đánh giá một bức ảnh theo góc nhìn của nhiếp ảnh kinh điển.
Nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ: “Nhiếp ảnh lúc đầu là sự xuất hiện của công nghệ, đặc điểm của công nghệ này là lưu giữ một khoảnh khắc trở nên vĩnh viễn. Ngày xưa chụp ảnh là cả một công trình, khác xa với chúng ta ngày nay nên nghệ thuật nằm ngay trong chính việc thực hiện một bức ảnh. Do vậy, nghệ thuật trước hết nằm ở tính giá trị hiện thực của ảnh”.
Tuy nhiên, ngày nay, quan điểm về ảnh nghệ thuật ở Việt Nam đã thay đổi cùng với sự tiếp cận và bắt nhịp cùng các xu hướng, trường phái của nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới, như nhiếp ảnh ý niệm, nhiếp ảnh giả động, nhiếp ảnh trừu tượng... Những người yêu nhiếp ảnh có cảm nhận rất rõ về điều này qua sự kiện Biennale Photo Hanoi 2023 vừa qua với hàng chục triển lãm đa dạng về phong cách.
Nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc, nhà sáng lập Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery cho hay: “Mãi đến gần đây, nhiếp ảnh mới được đưa vào các thiết chế nghệ thuật như bảo tàng, các gallery và sưu tập với tư cách một môn nghệ thuật. Tác phẩm nhiếp ảnh được coi là gì, là báo chí hay nghệ thuật tùy thuộc mục đích ra đời của nó. Xem một triển lãm, chúng ta sẽ để ý đến tính tư liệu - điều gần như là giá trị của nhiếp ảnh kinh điển. Nhưng với những người thực hành nghệ thuật nhiếp ảnh như tôi thì quan điểm đã khác trước nhiều. Tôi không tập trung vào chủ thể bức ảnh mà tập trung vào “How” và “Why”, tức là nó như thế nào và tại sao tôi lại làm như thế. Mục đích của tôi không phải là giới thiệu cho mọi người một cái gì đó, mà là tôi cảm thấy nó như thế nào, cảm xúc mà tôi muốn chia sẻ là niềm vui, nỗi buồn, sự xúc động... Giống như nghệ sĩ thị giác, tôi dùng kỹ thuật để truyền tải cảm xúc qua một vật chất trung gian là tác phẩm”.
Sự thay đổi về quan điểm nghệ thuật cũng hình thành nên một lớp nghệ sĩ thực hành nhiếp ảnh mới ở Việt Nam, họ không chụp những bức ảnh giàu tính tư liệu để phục vụ báo chí, lưu trữ, những bức ảnh “đèm đẹp” để làm quảng cáo, dự thi... Cái họ cần là những tác phẩm đủ để thỏa mãn cảm xúc cá nhân, tìm kiếm sự đồng điệu của người xem. Song, cũng vì vậy, có thể cảm nhận rõ một sự “lạc nhịp” giữa người sáng tạo đi theo xu hướng này với các thiết chế khác để nhìn nhận nó như một loại hình nghệ thuật, thậm chí cả việc đào tạo nhiếp ảnh cũng chưa bắt nhịp được với xu hướng.
Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn cho biết: Ở nước ta, lâu nay nhiếp ảnh bị tách rời khỏi mỹ thuật. Do đó, đào tạo nhiếp ảnh thường gắn liền với báo chí, rất thiếu vắng đào tạo bậc cao về nhiếp ảnh nghệ thuật. Có một khoảng cách khá lớn giữa việc đào tạo trong trường với thực tế hoạt động nghề nghiệp.
Không làm thì mãi mãi sẽ không có!
Sự lớn mạnh của lực lượng sáng tác, sự đa dạng của các trào lưu, trường phái sáng tạo của nhiếp ảnh Việt như kể trên đồng thời cũng cho thấy một khoảng trống lớn, đó là sự thiếu vắng những thiết chế cần thiết để hình thành thị trường cho ảnh nghệ thuật.
Là một nghệ sĩ trẻ được đánh giá cao song nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc cũng thừa nhận, việc thực hành nhiếp ảnh nghệ thuật tại Việt Nam còn nhiều khó khăn do chưa có thị trường ảnh nghệ thuật. Trong một buổi trò chuyện về nhiếp ảnh, chính người cha của nhiếp ảnh gia này “bật mí”: Theo đuổi đam mê nhiếp ảnh của con trai rất tốn kém, chỉ thấy mang tiền đi, nai lưng nuôi đam mê. Câu chuyện vui nhưng cũng rất thật, cho thấy đời sống của các nhiếp ảnh gia theo đuổi con đường nhiếp ảnh nghệ thuật tại Việt Nam hiện nay, rất ít người có thể sống được nhờ bán tác phẩm.
Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn cho rằng: Hiện chúng ta đã có những nghệ sĩ thực hành nhiếp ảnh nghệ thuật nhưng chưa có một nền nhiếp ảnh nghệ thuật, chưa có các thiết chế chuyên nghiệp để sưu tầm, giới thiệu, trưng bày, mua bán tác phẩm ảnh nghệ thuật. Các thiết chế đó là gallery chuyên nghiệp, bảo tàng nghệ thuật, triển lãm mỹ thuật từ quy mô nhỏ đến toàn quốc. Chúng ta hầu như không có gallery nào trưng bày, giới thiệu tác giả, tác phẩm nhiếp ảnh, không có bảo tàng mỹ thuật nào sưu tầm tác phẩm nhiếp ảnh, cũng không có cuộc thi mỹ thuật nào có nhiếp ảnh tham gia. Nguyên nhân có nhiều, song nguyên nhân chính là nhiếp ảnh đã bị đặt ra ngoài mỹ thuật (art). Trong khi ở các nước khác, nhiếp ảnh chính là một phần của mỹ thuật, tồn tại và phát triển bình đẳng với hội họa, điêu khắc, video art...
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều điều đang cản trở sự phát triển của thị trường ảnh, như vấn đề xâm phạm bản quyền ảnh hiện nay còn phức tạp, khó xác minh tính độc bản... Tuy vậy, các nhiếp ảnh gia theo đuổi con đường nhiếp ảnh nghệ thuật đều tin tưởng một “tương lai không xa” của thị trường ảnh nghệ thuật Việt Nam. Nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc bày tỏ: Thế giới đã có những bức ảnh triệu đô rồi. Nếu chúng ta cứ lo mà không có ai làm thì mãi mãi sẽ không có!
Gửi phản hồi
In bài viết