Một nhà giàu ở Đại Đồng gả con gái cho Mật. Trước cảnh triều đình đổ nát, Uyên cùng Mật tập hợp dân chúng nổi lên giết quan lại chiếm huyện đường châu Thu Vật mở đầu cuộc khởi nghĩa chống triều đình nhà Lê. Vũ Văn Uyên xưng là Đô tướng. Vì khởi lên ở Khuôn Bầu nên dân gian gọi là Chúa Bầu. Thế lực của Chúa Bầu mạnh dần, chia quân đóng ở động Ngọc Thủy châu Thủy Vĩ, châu Lục Yên, châu Thu Vật (những địa danh thời đó thuộc Tuyên Quang). Văn Uyên còn xây thành Nghị Lang ở xã Lương Sơn huyện Lục Yên tỉnh Lào Cai, thành nhà Bầu ở xã An Khang, tỉnh Tuyên Quang, binh sĩ tới mấy vạn.
Nổi lên chống nhà Lê, về danh nghĩa Chúa Bầu đứng về phía nhà Mạc. Thời gian sau, nghe tin Mạc Đăng Dung nhận tước phong của Nhà Minh và tin Nguyễn Kim lập vua Lê Trang Tông, Chúa Bầu bèn sai sứ mang biểu đến hành tại vua Lê ở Thanh Hóa.
Biểu viết: “Thần chiếm giữ các phủ Đoan Hùng, Lâm Thao, Cao Bằng và các châu huyện Tam Dương, Tam Nông, Phổ Yên, Động Hỷ, Mai Mộc, xin được tiện nghi phong cho các bộ tướng. Thần sẽ đảm đương việc trung nghĩa của thiên hạ, quét sạch cung ấp, rước xa giá về kinh đô”.
Vua Lê Trang Tông cả mừng, phong Vũ Văn Uyên làm Bình đông tướng quân tước Gia quốc công. Văn Uyên chết, em là Vũ Văn Mật tập tước Gia quốc công.
Năm Tân Hợi (1551) vua Lê Trung Tông ban chiếu đốc các tướng đánh Mạc Phúc Nguyên, sai Lê Bá Ly xuất đường Sơn Nam, Nguyễn Khải Khang xuất đường Sơn Tây, Vũ Văn Uyên tại Tuyên Quang xuống hội đồng tại Đông Kinh.
Năm Kỷ Mùi (1559), Trịnh Kiểm cùng tướng sỹ xuất 6 vạn quân đánh Mạc, dùng Hoàng Đình Ái làm Tướng đạo quân tiên phong, do Thiên Quan tiến ra các huyện Mỹ Lương, Bất Bạt. Khi quân tới Hưng Hóa, thì Tướng Tây Đạo Định quận công dẫn binh lại hội, các đồn trại quân Mạc đều bị phá và ra hàng. Khi đến địa giới Tuyên Quang, thì Vũ Văn Mật ra đón, Trịnh Kiểm nhân bàn tiến binh qua sông, để bình định các đạo Thái Nguyên, Lạng Sơn, và Kinh Bắc, bèn sai Văn Mật trấn thủ Đại Đồng như cũ.
Tháng 3 năm Canh Thân (1560) Trịnh Kiểm sai Hoàng Đình Ái giữ Lạng Sơn, Lê Khắc Thận giữ Thái Nguyên, Vũ Văn Mật trấn giữ Tuyên Quang thanh thế liên tiếp, cứu giúp lẫn nhau. Vũ Văn Mật chết, con là Vũ Công Kỷ từ Đại Đồng vào yết kiến, đi đánh Mạc, nhiều lần lập được chiến công.
Năm Quý Dậu (1573), Trịnh Tùng phong Vũ Công Kỷ chức Hữu tướng, tước Nhân quốc công sai tu sửa thành quách hào lũy hiệp lực với các tướng khác để phòng quân Mậu Hợp nhòm ngó. Lại cho rằng dân ở địa phương chưa được yên tĩnh, nên sai Công Kỷ quản lãnh quân bản bộ trở về trấn thủ Đại Đồng.
Năm Mậu Dần (1578), Mạc Ngọc Liễn dẫn quân đánh vào châu Thu Vật trong tỉnh Tuyên Quang, bị viên trấn thủ châu này là Nhân quốc công Vũ Công Kỷ đánh bại.
Bắt đầu là cuộc khởi nghĩa chống áp bức, anh em Văn Uyên, Văn Mật được hàng vạn nông dân hưởng ứng.
Họ Vũ cũng đã có những chính sách khoan hòa làm cho trong vùng cai quản của mình xã hội ổn định, kinh tế phát triển. Điều này được minh chứng bởi Chúa Bầu từng mở cuộc thi vịnh phong cảnh Đại Đồng. Bài phú của Nguyễn Hàng, người xã Xuân Lũng, huyện Sơn Vi (thuộc Lâm Thao, Phú Thọ ngày nay) chiếm giải nhất, được thưởng 2 nghìn lạng bạc.
Về điều này, lịch sử địa phương Tuyên Quang có thể ghi công họ Vũ. Tuy nhiên do hạn chế của thời đại, cha con họ Vũ không thoát khỏi con đường đứng vào hàng ngũ giai cấp phong kiến thống trị quay lại áp bức bóc lột nông dân, phục vụ mưu toan tranh bá đồ vương.
(còn nữa)
Gửi phản hồi
In bài viết