Đại diện Ban Tổ chức và ekip thực hiện chia sẻ các thông tin về Hòa nhạc 'Điều còn mãi 2024'. (Ảnh: Lê Anh Dũng)
Phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí, Tổng Biên tập Báo VietNamNet Nguyễn Văn Bá cho biết, kể từ lần đầu tiên tổ chức năm 2009, Hòa nhạc "Điều còn mãi" đã trải qua 12 chương trình, trở thành sự kiện văn hóa thường niên không thể thiếu tại Hà Nội mỗi dịp Tết Độc lập.
Chọn thời điểm biểu diễn duy nhất vào 14 giờ ngày 2/9 tại địa điểm duy nhất là Nhà hát Lớn, trước Quảng trường Cách mạng Tháng Tám lịch sử, "Điều còn mãi" đã vượt ra ngoài khuôn khổ một chương trình hòa nhạc, là sự kiện đặc biệt để bày tỏ niềm tự hào dân tộc qua âm nhạc. Chương trình cũng là cầu nối đưa khán giả đến gần hơn với âm nhạc giao hưởng thính phòng, giúp khơi gợi lòng yêu nước ẩn sâu trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Theo nhà báo Nguyễn Văn Bá, năm 2024 là năm gắn với nhiều ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước như: 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm Giải phóng Thủ đô, 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vì thế, bài toán đặt ra đối với những người thực hiện chương trình là làm thế nào để vừa tạo được tính kết nối nghệ thuật, vừa tôn vinh được giá trị của những sự kiện lịch sử.
Đó là lý do những tác phẩm được lựa chọn giới thiệu trong “Điều còn mãi 2024” là những giai điệu hùng tráng mà trữ tình của nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước mãnh liệt, sâu sắc, niềm tự hào về những chiến thắng vang dội trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc cùng những thành tựu to lớn của thời kỳ đổi mới, giúp người xem được sống lại những năm tháng hào hùng và gian khổ của dân tộc cũng như khám phá vẻ đẹp tâm hồn người Việt.
Lần thứ hai đảm nhận vai trò Giám đốc âm nhạc của Hòa nhạc Quốc gia "Điều còn mãi", nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cho biết đã dành hai tháng 'mất ăn mất ngủ' để lên ý tưởng, biên tập chương trình và bắt tay làm các bản tổng phổ.
"Bài toán mà Báo VietNamNet đặt ra với tôi quá đồ sộ. Với chủ đề gói gọn trong ba cụm từ 'quân đội, chiến thắng và người Hà Nội', tôi phải biên tập các bài hát tạo thành mạch kể chuyện, bắt đầu từ khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, đoàn quân kéo lên Tây Bắc, Điện Biên, trải qua những hy sinh mất mát để giải phóng Điện Biên, giải phóng Thủ đô và làm nên sức mạnh của quân đội Nhân dân Việt Nam", nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chia sẻ.
Và câu chuyện ấy sẽ được kể bằng âm nhạc qua những tác phẩm nổi tiếng: Hành quân xa (Đỗ Nhuận), Bài ca trên núi (Nguyễn Văn Thương), Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Bế Văn Đàn sống mãi (nhạc: Huy Du, lời: phỏng thơ Trinh Đường), Qua miền Tây Bắc - Chiến thắng Điện Biên (Nguyễn Thành - Đỗ Nhuận), Tình ca Tây Bắc (Nhạc: Bùi Đức Hạnh; Thơ: Cầm Giang), The Ballad of Ho Chi Minh (sáng tác: Ewan MacColl, lời Việt: Phú Ân), Tiến bước dưới quân kỳ (Doãn Nho), Việt Nam quê hương tôi (Đỗ Nhuận). Hòa nhạc quốc gia “Điều còn mãi” năm nay còn giới thiệu các ca khúc hay về Hà Nội như: Sẽ về Thủ đô (Huy Du), Tiến về Hà Nội (Văn Cao), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi)...
Lần đầu tiên. Hòa nhạc "Điều còn mãi 2024" đưa yếu tố "quốc tế" vào chương trình với sự tham gia của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời cùng nhạc trưởng người Pháp Olivier Ochanine.
Anh là người đã xuất sắc vượt qua gần 120 nhạc trưởng từ 23 quốc gia trên thế giới giành giải nhất Cuộc thi Chỉ huy Quốc tế Antal Dorati tại Budapest, Hungary (2015), từng nhận giải thưởng âm nhạc danh giá The American Prize (2015), đồng thời đoạt giải nhì trong Cuộc thi Chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Quốc tế tại London, Anh quốc (2015).
Nhạc trưởng Olivier Ochanine bày tỏ vô cùng vinh dự và tự hào khi được tham gia một chương trình hòa nhạc đặc biệt kỷ niệm sự kiện lịch sử lớn của Việt Nam. Anh cho biết đã làm việc, sinh sống tại Việt Nam được 7 năm nhưng với anh, tiếng Việt vẫn là thách thức. Anh đang tập trung nghiên cứu tổng phổ, ý nghĩa lời bài hát để có thể thể hiện tốt nhất các tác phẩm trong chương trình.
Theo nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, sự tham gia của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời là "cú đột phá" tạo hứng khởi cho nghệ sĩ tham gia nhưng cũng mang đến không ít áp lực.
"Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời quen làm việc với các ngôi sao thế giới và yêu cầu rất khắt khe về chuyên môn. Vì thế tôi phải dành nhiều thời gian để trao đổi và giám sát việc tập luyện riêng với hợp xướng, nhóm nhạc và từng nghệ sĩ trước khi vào ghép với Dàn nhạc", nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cho biết.
Nếu như năm 2023, nghệ saxophone An Trần, nhóm Oplus là yếu tố gây bất ngờ ở Hòa nhạc Quốc gia 'Điều còn mãi' thì năm nay bên cạnh sự tái ngộ của những gương mặt trẻ này còn có sự xuất hiện lần đầu tiên của nhóm Áo Lính với 5 nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật trong quân đội, thể hiện những ca khúc mang đậm chất lính như Hành quân xa, Tiến bước dưới quân kỳ. Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Thắng Lợi - Đoàn Văn công Quân khu 2, Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng sẽ góp mặt trong chương trình với hai tác phẩm Sẽ về Thủ đô và Tiến về Hà Nội.
Bên cạnh sự tham gia của Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Khánh Ngọc, ca sĩ Trọng Tấn, ca sĩ Phúc Tiệp, một gương mặt mới lần đầu xuất hiện ở 'Điều còn mãi' là Nguyễn Bảo Yến (Quán quân Sao Mai 2015 dòng Thính phòng; Giải nhì Cuộc thi Thanh nhạc quốc tế 'Academia' 2014 tại Perm, Liên bang Nga) hứa hẹn là nhân tố mang lại những ấn tượng đặc biệt cho chương trình. Dàn hợp xướng Kosmos Opera cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng chương trình với 5 tác phẩm...
Hòa nhạc Quốc gia "Điều còn mãi 2024" sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV.
Gửi phản hồi
In bài viết