Người dân mua xăng dầu tại huyện Yên Minh (tỉnh Hà Giang).
Thị trường xăng dầu thời gian qua có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu bị đứt gãy bởi các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do Nhà nước điều hành dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực kinh doanh.
Thiếu thực tế
Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Hoàng Anh Tuấn cho biết, giá xăng dầu đang được điều hành theo hướng Nhà nước quy định công thức giá cơ sở đầy đủ và giá cơ sở này sẽ là căn cứ để cơ quan nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Việc quy định mức giá cơ sở theo một công thức cố định với các chi phí được tính dựa trên mức chi phí bình quân do các doanh nghiệp báo cáo theo hướng dẫn của Bộ Tài chính sẽ không phản ánh đúng mức chi phí của từng doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Các chi phí này biến động liên tục theo thị trường, trong khi việc rà soát, tính toán của cơ quan nhà nước theo định kỳ thường không phản ánh được thực tế chi phí phát sinh doanh nghiệp phải bỏ ra dẫn đến khi chi phí tăng cao liên tục, doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ.
Cũng theo ông Tuấn, trường hợp các chi phí được cập nhật theo biến động của thị trường, khi chi phí được xác định theo mức bình quân vẫn có một số doanh nghiệp có mức chi phí cao hơn mức chi phí bình quân, do đó sẽ bị lỗ so với mức chi phí được tính trong giá cơ sở gây ảnh hưởng đến khả năng duy trì hoạt động kinh doanh và bảo đảm mức chiết khấu trong hệ thống phân phối.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Công thương lựa chọn phương án tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở theo hướng rà soát, bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp nhưng chưa được tính trong giá cơ sở hiện hành như quy định về premium trong nước,... đồng thời rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, tần suất xác định chi phí.
Theo Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu trong thời gian qua xuất phát chủ yếu từ phương thức quản lý giá của Nhà nước, Bộ Công thương ngăn chặn tình trạng thiếu xăng bán lẻ bằng cách xử phạt cây xăng đóng cửa.
Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, nếu tình trạng giá bán thấp hơn chi phí kéo dài, các doanh nghiệp không chỉ bán hàng nhỏ giọt mà sẽ không đầu tư mới, thậm chí rời bỏ thị trường. Khi đó, hạ tầng năng lượng sẽ bị xuống cấp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân và an ninh năng lượng quốc gia.
Về lâu dài, cơ chế quản lý điều hành lĩnh vực xăng dầu cần linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, chứ không thể tồn tại kiểu mệnh lệnh hành chính mãi được.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, ông Hà Thanh Tùng (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại vận tải xăng dầu Hà Giang) cho biết, với hơn 9.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, ước tính thua lỗ lúc cao điểm vào khoảng 900 tỷ đồng/tháng, lũy kế từ tháng 3/2022 đến nay lỗ khoảng 3 nghìn đến 4 nghìn tỷ đồng, trong khi có doanh nghiệp đầu mối lãi hàng nghìn tỷ đồng.
Đây là sự không công bằng giữa doanh nghiệp bán lẻ và doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối. Theo quy định, doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi cho nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu, trong khi thương nhân phân phối được lấy hàng ở nhiều nơi, họ cũng sở hữu cửa hàng bán lẻ, chủ động được nguồn hàng; khi tham gia thị trường họ có thể cắt chiết khấu cho khách hàng để giữ chân khách,...
Do vậy, khi sửa đổi Nghị định nên ghi nhận chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để bảo đảm không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp. Tương tự, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Bội Ngọc (tỉnh Trà Vinh) kiến nghị, muốn thị trường xăng dầu hoạt động ổn định cần phải quy định chiết khấu tối thiểu không dưới 5-6% trên giá bán lẻ, quy định cho doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng ít nhất là ba nơi và Nhà nước nên cho doanh nghiệp đầu mối tự định giá bán lẻ.
Xóa bỏ Quỹ bình ổn giá
Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (Vinpa) Bùi Ngọc Bảo khẳng định, cần phải sửa đổi ít nhất 10 điều tại Nghị định 95, đơn cử, hiện doanh nghiệp phải bảo đảm dự trữ lưu thông trong 20 ngày. Muốn đủ chi phí cho doanh nghiệp, không quan trọng việc điều hành giá xăng dầu trong 5 hay 7 ngày mà giá xăng dầu phải tính bình quân trong 20 ngày tồn kho của doanh nghiệp đầu mối theo đúng quy định lưu thông bắt buộc. Nếu không tính đủ trong 20 ngày, doanh nghiệp bị lỗ sẽ không còn tiền để chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ.
Đánh giá về công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, có sự quản lý yếu kém của cơ quan chức năng khi để thị trường xăng dầu bất ổn thời gian qua.
Điều đó được thể hiện thông qua việc thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, chứ không hoàn toàn bất cập ở quy định pháp luật. Do đó, đã đến lúc để xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, Nhà nước không điều hành giá mà để cung cầu của thị trường tự quyết định, sẽ làm tăng tính cạnh tranh và chỉ có áp lực cạnh tranh mới khiến nhà cung cấp không thể tăng giá một cách bất hợp lý.
Ngoài ra, muốn cung cấp xăng dầu ổn định, nên thành lập Quỹ dự trữ quốc gia, khi thị trường bất ổn thì bơm dự trữ quốc gia thay vì dự trữ tại doanh nghiệp.
Đề cập tới việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học (Trường đại học Kinh tế quốc dân) khẳng định, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là một sáng tạo của Việt Nam, hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước, chi sau qua giá cho nên không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu.
Ngoài ra, Quỹ còn có xu hướng trích lập khi giá thế giới kỳ trước giảm và chi sử dụng khi giá tăng; việc trích lập khi giá thế giới tăng cũng diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, nguyên tắc này không bảo đảm bình ổn và chưa thực hiện tốt chức năng bình ổn giá. TS Phạm Thế Anh lấy dẫn chứng, năm 2022, có thời điểm giá xăng gần 30 nghìn đồng/lít nhưng người dân vẫn phải đóng vào Quỹ khiến giá xăng tiếp tục tăng, hiện nay giá xăng hơn 22 nghìn đồng/lít nhưng vẫn xả Quỹ để bù vào giá xăng dầu.
Việc chi Quỹ không giúp giải quyết gốc rễ vấn đề, việc cần làm là thực hiện tốt công tác dự báo, chẳng hạn các nước trên thế giới không can thiệp trực tiếp vào giá mà thông qua Quỹ dự trữ quốc gia khi có bất ổn, cần sự điều tiết của Nhà nước trong bình ổn giá.
Bên cạnh đó, việc sử dụng Quỹ có xu hướng tái phân phối thu nhập theo hướng làm gia tăng bất bình đẳng khi xăng E5 Ron 92 có số lần được chi Quỹ nhiều hơn số lần phải trích lập, các loại dầu phải trích lập nhiều hơn chi dẫn đến những người sử dụng dầu đang phải “trợ giá” cho những người dùng xăng,... “
Vì vậy, Quỹ chỉ nên hoạt động trong những tình huống đặc biệt khi Nhà nước muốn trợ giá cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, sử dụng nguồn thu vượt dự toán từ các khoản thu liên quan đến xăng dầu. Rút ngắn thời gian điều hành giá và tái cấu trúc thị trường xăng dầu theo hướng cạnh tranh mới có thể giảm bớt bất ổn, méo mó của thị trường”, TS Phạm Thế Anh khẳng định.
Gửi phản hồi
In bài viết