Dự buổi Hội đàm về phía Hội Nhà báo Việt Nam có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cùng các đại biểu là lãnh đạo Hội, lãnh đạo các ban, đơn vị gồm: ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; bà Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; ông Phan Toàn Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành, Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam; bà Vũ Thị Hà, Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Công tác Hội, Hội Nhà báo Việt Nam; ông Lê Trần Nguyên Huy, Quyền Tổng Biên Tập Báo Nhà báo và Công Luận.
Đoàn đại biểu Hội Nhà báo Thái Lan gồm: bà Norrinee Ruangnoo, Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Lan, Báo Matighon, Trưởng đoàn đại biểu; ông Chavarong Limpattamapanee, Chủ tịch Hội đồng Báo chí Quốc gia Thái Lan, Cố vấn cấp cao Hội Nhà báo Thái Lan; ông Anucha Charoenpo, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Lan, Báo Bangkok Post; ông Werapod Indrapan, Phó Tổng Thư ký Hội Nhà báo Thái Lan, Báo Thairath; bà Maleerat Petchsrang, Tiểu ban về Phúc lợi và Quan hệ của Hội Nhà báo Thái Lan, Thairath TV, Biên tập viên Tin thể thao; bà Natcha Boonmuang, Điều phối viên Dự án và Truyền thông Doanh nghiệp, Hội Nhà báo Thái Lan.
Chủ trì buổi hội đàm là đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và bà Norrinee Ruangnoo - Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Lan, trưởng đoàn công tác.
Toàn cảnh buổi Hội đàm. Ảnh: Huyền My
Chào mừng Đoàn đại biểu Hội Nhà báo Thái Lan thăm và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chí Lê Quốc Minh gửi lời chúc mừng Chủ tịch Norrinee Ruangnoo và Ban lãnh đạo mới của Hội Nhà báo Thái Lan đắc cử nhiệm kỳ này vào tháng 4/2024. Đồng thời, đồng chí cũng cảm ơn Chủ tịch và Hội Nhà báo Thái Lan đã gửi thư chia buồn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.
Theo Đồng chí Lê Quốc Minh, trong bối cảnh công nghệ bùng nổ, thói quen tiêu thụ tin tức của công chúng đã thay đổi, sự nổi lên của các nền tảng MXH cũng như sự xuất hiện ngày càng nhiều các thiết bị điện tử hiện đại tạo nên sức ép không nhỏ với các cơ quan báo chí chính thống. Độc giả, khán thính giả hiện nay tiếp nhận thông tin từ nhiều phương tiện khác nhau, vị thế của báo chí đang đứng trước thách thức vô cùng lớn. Song, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, nếu chỉ nhìn thấy khó khăn thì không thể phát triển được, mà cần tìm ra cơ hội để vượt qua thách thức và vươn lên. Cần tăng cường kết nối trên các lĩnh vực thể thao, văn nghệ, sự hợp tác giới báo chí quốc gia, khu vực Asean và quy mô thế giới, nắm bắt xu thế báo chí, gắn mối quan hệ giữa cơ quan báo chí với các phóng viên, Báo chí có nhiều thách thức bởi sự thay đổi công nghệ, thói quen của công chúng. Vị thế của báo chí giữ vai trò quan trọng do sự thay đổi của mạng xã hội. Cũng phải thừa nhận thực tế rằng công chúng trẻ tiếp cận mạng xã hội nhiều hơn so với kênh chính thống.
Trong những thách thức đó chúng ta cần phải cố gắng, bởi khi có quá nhiều tin giả thì công chúng lại quay lại cần thông tin từ báo chí chính thống. Cần sự hợp tác các cơ quan báo chí và khu vực. Báo chí Thái Lan phát triển so với khu vực. Chúng tôi muốn mong muốn học hỏi, trong thế giới phẳng như hiện nay có cách làm hay các nước có thể tham khảo. Các cơ quan báo chí kết hợp truyền thông sẽ có hiệu quả, thậm chí những cơ quan báo chí nhỏ có cách thức làm hay, hiệu quả sẽ có hướng cho cơ quan báo chí khác.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và bà Norrinee Ruangnoo, Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Lan chủ trì buổi Hội đàm. Ảnh: Huyền My
Theo đồng chí Lê Quốc Minh, để hoạt động báo chí khởi sắc và phát triển, sự nỗ lực của từng cơ quan báo chí là chưa đủ, mà cần sự hợp tác giữa các cơ quan báo chí trong cùng một quốc gia và các cơ quan báo chí trong khu vực.
Đồng chí cho rằng, trong thế giới Digital, có những cách làm hay của những nước được cho là phát triển chậm hơn về báo chí cũng có thể là kinh nghiệm để các nước phát triển hơn tham khảo, trong đó có Việt Nam.
Báo chí Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi số, dù đó chỉ là những bước chân đầu tiên nhưng chúng tôi có thể tự hào rất nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Kinh nghiệm cho thấy không phải chỉ những cơ quan báo chí mạnh với nguồn lực tài chính to lớn sẽ thành công, mà ở những cơ quan báo chí nhỏ nếu có sự đầu tư đúng hướng cũng sẽ thu được kết quả quan trọng, thậm chí là nguồn cảm hứng cho các cơ quan báo chí khác.
Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Thái Lan trao bản ghi nhớ về thỏa thuận hợp tác truyền thông giữa hai bên. Ảnh Huyền My
Đồng chí Lê Quốc Minh mong muốn, Hội Nhà báo hai nước sẽ bàn bạc thảo luận có những phương án hợp tác chuyên môn hiệu quả, nắm bắt xu thế, gắn kết các phóng viên, nhà báo và lãnh đạo các cơ quan báo chí với nhau. Ngoài ra, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam rất mong muốn hai nước sẽ có sự giao lưu, gắn kết thông qua các hoạt động văn hoá, thể thao.
Cảm ơn những chia sẻ của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, bà Norrinee Ruangnoo - Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Lan nhường lời cho ông Chavarong Limpattamapanee - Chủ tịch Hội đồng Báo chí Quốc gia Thái Lan, Cố vấn cấp cao Hội Nhà báo Thái Lan chia sẻ.
Ông Chavarong bày tỏ sự ấn tượng với Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức vào năm 2023. Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp với rất nhiều kinh nghiệm hay, bài học quý được các cơ quan báo chí Việt Nam cũng như các nước trong khu vực chia sẻ, trao đổi. Ông Chavarong cũng rất ngạc nhiên bởi công tác tổ chức livestream của Báo Tuyên Quang - một tờ báo địa phương nhưng thực hiện việc sản xuất mang tầm quốc tế và ông ngưỡng mộ cách làm việc chuyên nghiệp của một báo địa phương như Tuyên Quang. Ảnh: Huyền My
Nói về báo chí ASEAN, ông Chavarong cho biết: Vào tháng 7 vừa qua, ông và Hội Nhà báo Thái Lan đã có chuyến công tác đến Campuchia và Lào. Gặp gỡ và trao đổi với Hội Nhà báo Campuchia và Hội Nhà báo Lào, chúng tôi nhận thấy nhiều bước phát triển đáng tự hào của báo chí nước bạn, chúng tôi mong muốn cùng với Hội Nhà báo Việt Nam sẽ cùng hỗ trợ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động báo chí ở Lào và Campuchia góp phần nâng tầm báo chí ASEAN.
Ông Anucha Charoenpo - Phó Chủ tịch phụ trách quốc tế Hội Nhà báo Thái Lan bày tỏ vui mừng khi đến Việt Nam, mỗi lần đến đây, ông đều học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm chuyên môn. Ông Anucha Charoenpo nhắc đến vấn đề tin giả, đang là vấn nạn ở rất nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực. Ông Anucha bày tỏ mong muốn có sự kết nối, trao đổi báo chí giữa Việt Nam và Thái Lan để tăng cường nguồn thông tin chính thống, hạn chế tin giả. Đồng thời, mở các lớp tập huấn ngôn ngữ cho các phóng viên, nhà báo của hai nước. Để đấu tranh với tin giả đó là sự chính xác tỉ mỉ khi làm báo, kiểm tra thông tin, kết hợp ý kiến các chuyên gia chia sẻ với những người làm báo thì sẽ có lợi hơn. Như là tăng cường sức đề kháng cho các nhà báo trẻ khi họ bắt đầu làm báo. Chúng tôi đã mở lớp học tiếng Việt cho nhà báo Thái Lan, những nhà báo có điểm cao đã được gửi đến Việt Nam thực tập, việc tập huấn ngôn ngữ cần nguồn lực tài trợ cho chương trình này. Sau chuyến đi này chúng ta sẽ có sự hợp tác hiệu quả hơn. Thực tế đã có nhà báo Việt Nam học tiếng Thái Lan và được cử sang Thái Lan làm việc.
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu Hội Nhà báo Thái Lan, đồng chí Lê Quốc Minh cho rằng, tin giả không chỉ là vấn đề của quốc gia, mà là vấn đề lớn của khu vực, của thế giới. Cần có sự liên kết, chia sẻ những thông tin chính thống giữa hai nước với tiêu chí “Đúng - Nhanh - Trúng – Hay”.
Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp duy nhất của những người làm báo Việt Nam với số lượng hơn 25.000 hội viên. Hội Nhà báo Việt Nam hiện có tổng cộng 11 ban, đơn vị gồm: Văn phòng Hội, Ban Nghiệp vụ, Ban Kiểm tra, Ban Công tác Hội. Trải qua 74 năm hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước, với nhiệm vụ quan trọng là tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên - nhà báo; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ nhận thức chính trị cho hội viên; tham gia vào việc đề ra các chủ trương, chính sách, văn bản pháp lý và định hướng chiến lược phát triển báo chí của Việt Nam trong nước và quốc tế.
Những năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong việc tổ chức, cổ vũ, động viên các nhà báo, hội viên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, xây dựng và phát triển đội ngũ người làm báo, thường xuyên tổ chức các khoá học, hội nghị, hội thảo bồi dưỡng về tư tưởng chính trị, nâng cao nghiệp vụ báo chí; tổ chức các chuyến trao đổi đoàn hàng năm với các tổ chức báo chí quốc tế, tạo điều kiện cho các hội viên – nhà báo được hội nhập với báo chí toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển của nền báo chí Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 48 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thái Lan (06/8/1976 - 06/8/2024), hai bên cần tăng cường thiết lập mối quan hệ trực tiếp, hỗ trợ kỹ thuật lẫn nhau và trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, chia sẻ mô hình áp dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực báo chí – truyền thông.
Trên phương diện hợp tác giữa các cơ quan báo chí Việt Nam – Thái Lan. Hội Nhà báo Việt Nam mong rằng, hai bên sẽ làm việc với nhau tích cực và có sự trao đổi thường xuyên hơn nhằm cụ thể hóa những điều khoản của Thỏa thuận hợp tác, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc cử các đoàn công tác báo chí trao đổi chuyên môn nghiệp vụ giữa hai Hội Nhà báo. Tạo điều kiện cho các phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan thông tin đối ngoại của hai nước xuất bản tin tức về hai nước. Hai bên tiếp tục thực hiện trách nhiệm của mình một cách tốt nhất để thúc đẩy sự đồng thuận trong hoạt động báo chí giúp người dân hai quốc gia có thể hiểu đúng về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân dân. Trong khuôn khổ Liên đoàn báo chí ASEAN, các nhà báo hai bên cùng hợp tác với nhau trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là về mặt nghiệp vụ nhằm tăng cường sức mạnh liên kết để xây dựng CAJ trở thành một tổ chức gắn kết, giúp nhau cùng phát triển, góp phần củng cố sự đoàn kết, tình hữu nghị và quan hệ hợp tác giữa các nhà báo nói riêng, nhân dân trong khu vực ASEAN nói chung.
Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Lan Norrinee Ruangnoo tặng quà Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh. Ảnh: Huyền My
Hai đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và Thái Lan chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Huyền My
Kết thúc phần trao đổi, Chủ tịch Lê Quốc Minh mong muốn sẽ có một Group để các nước thành viên thông báo cho nhau những tin giả ở nước đó và khu vực nhằm ngăn chặn hậu quả do tin giả gây ra. Đồng chí Lê Quốc Minh chúc đoàn Hội Nhà báo Thái Lan có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam hiệu quả tốt đẹp. Với tư cách là thành viên chính thức của Liên đoàn báo chí ASEAN, hai bên cần duy trì và phát huy hoạt động hợp tác trao đổi đoàn cũng như các hoạt động truyền thông trên hệ thống thông tin đại chúng, báo chí Việt Nam và Thái Lan nhằm góp phần xây dựng một ASEAN hòa bình, ổn định và phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết