Nơi chè bén rễ
Có nhiều câu chuyện chúng tôi được nghe về nguồn gốc của cây chè bén rễ trên đất Minh Thanh. Nhưng có lẽ câu chuyện về những nhọc nhằn, gian truân mà người nông dân Phạm Văn Minh, Tổ trưởng Tổ Hợp tác Chè Thanh Trà thôn Cảy khiến chúng tôi ấn tượng nhất.
Pha ấm trà nóng mời khách, ông Minh say sưa kể về cây chè. Những năm 1970, thôn Cảy chỉ là mảnh đất hoang sơ với rừng già rậm rạp, đất đá lởm chởm. Trong cái khốn khó của cuộc sống, người dân đã tìm và lựa chọn một loài cây phù hợp để phát triển kinh tế. Thế nhưng, ở đây chủ yếu là đồi núi, phát triển cây lúa sẽ khó khăn cho việc làm thủy lợi, rồi bà con quyết định chọn cây chè để thoát nghèo. Và cây chè cũng bén duyên với ông Minh từ đó.
Ông Phạm Văn Minh, Tổ trưởng Tổ Hợp tác Chè Thanh Trà thôn Cảy.
Suốt hàng chục năm sau đó, người dân trong thôn cũng quen sản xuất, chế biến chè theo kinh nghiệm, hiếm khi cập nhật các kiến thức mới, do vậy giá trị sản phẩm chè rất thấp. Trong một lần được tham gia tập huấn về sản xuất chè VietGAP do huyện Sơn Dương tổ chức và ông còn tham quan học hỏi cách làm chè bên tỉnh bạn Thái Nguyên, thế là ông quyết tâm học hỏi kỹ thuật và áp dụng từ đó.
Vừa nhâm nhi ly trà xanh, ông Minh vừa tâm sự: Nhớ lại những ngày đầu sản xuất chè VietGAP, tới lứa hái mà vườn chè rộng nhưng chỉ lưa thưa vài búp, những búp chè lại không xanh, đẹp, không vươn dài búp như dùng phân bón lá, hay trong vườn chè vẫn có khu bị sâu chích hút... “Đã có lúc tôi rơi vào bế tắc, khủng hoảng cả về tài chính và tinh thần, nhiều lúc cũng chán nản. Ấy thế nhưng, chưa bao giờ tôi nghĩ đến từ “bỏ cuộc” - ông Minh bộc bạch.
“Lúc đó tôi tự động viên mình, làm chè VietGAP cần nhiều thời gian và công sức. Vì vậy tôi cần mẫn tìm hiểu, học hỏi thêm kinh nghiệm chăm chè VietGAP. Kết quả khu vườn xuất hiện thảm thực vật đa dạng hơn, đất tơi xốp hơn, giúp vườn chè của của tôi phần nào thoát khỏi sâu bệnh, mầm bắt đầu lên nhiều và khỏe”, ông Minh kể lại trong sự vui mừng và cho biết, khó khăn của nghề làm chè VietGAP chính là khâu chăm sóc.
Khách du lịch tham quan đồi chè ở thôn Cảy, xã Minh Thanh (Sơn Dương).
Được biết, lứa chè đặc sản đầu tiên của gia đình ra lò, song khi người dân đến hỏi mua thì ông Minh lại nhất định không bán. Thay vào đó, ông Minh đóng gói thành từng túi, rồi hễ có đoàn khách du lịch nào đến Khu du lịch Tân Trào, hay đến làm việc tại xã ông lại mang chè của mình sản xuất đến tặng. Ông Minh chỉ xin họ một lời nhận xét sau khi uống sản phẩm, và nếu có nhu cầu dùng tiếp thì liên hệ theo số điện thoại để ông giao sản phẩm đến tận tay khách hàng.
Quả nhiên, một thời gian sau đó, rất nhiều người được ông Minh tặng chè Thanh Trà đã chủ động liên lạc để đặt hàng. Những vị khách ấy từng sử dụng chè, ai cũng tấm tắc khen về thứ trà “tròn vị” mang đủ hương, sắc và vị. Và cho đến nay những vị khách ấy đã trở thành khách hàng thân thiết, duy trì lượng đặt hàng đều đặn hàng năm.
Xây dựng thương hiệu chè Thanh Trà
Năm 2017, ông Phạm Văn Minh thành lập Tổ Hợp tác sản xuất chè VietGAP. Tổ Hợp tác thành lập với 7 thành viên, trồng 7 ha chè đặc sản. Quy trình sản xuất chè theo VietGAP đã được Tổ lựa chọn để phát triển vùng chè gắn với xây dựng thương hiệu Chè Thanh Trà. Từ việc cải tạo giống, khâu chăm sóc, thu hái, chế biến… đều phải tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt.
Riêng công đoạn hái chè búp tươi cũng phải theo đúng kỹ thuật, chỉ thu hái vào buổi chiều khi búp chè đã khô sương, các búp chưa đến tuổi hái không bị tận thu nên thời gian các lứa hái được rút ngắn, mang lại hiệu quả cao. Và đặc biệt muốn du khách nhớ đến chè Thanh Trà thì phải có sự khác biệt. Mà khác biệt ông Minh cho là mấu chốt chính phải tạo được hương vị đặc trưng "gây được thương nhớ cho người thưởng chè". Và từ đam mê uống chè, ông Minh đã tìm ra "bí kíp" để có sản phẩm chè hội tụ đủ phẩm chất đỉnh cao: nước sánh vàng, hương thơm tinh khiết và vị ngọt hậu.
Ông Phạm Văn Minh giới thiệu quy trình chế biến chè tới du khách.
Từ việc chuyển đổi trồng và sản xuất chè đặc sản, giá chè bán ra thị trường của Tổ hợp tác đã tăng lên nhiều so với các năm trước. Điều đặc biệt, vị thơm, ngọt của chè Thanh Trà không chỉ được lan rộng trên khắp thị trường trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng... giá bán từ 220.000 - 350.000 đồng/kg, người dân thu lãi hơn 100 triệu đồng/ha/năm.
Qua bao thăng trầm, chè Thanh Trà của Làng nghề Chè thôn Cảy đã được nhiều người tiêu dùng biết đến. Cuối năm 2021, sản phẩm chè Thanh Trà tham gia đánh giá sản phẩm OCOP và đạt chuẩn 3 sao. Từ năm 2023 đến nay, Tổ Hợp tác còn sản xuất thử nghiệm 1 ha chè sản xuất theo hướng hữu cơ. Sản phẩm thu được đến đâu bán hết đến đó. Đây chính là thành quả của những cố gắng tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn của Tổ hợp tác nói riêng và người dân làng nghề chè nói chung. Đây cũng là tiền đề để sản phẩm chè Thanh Trà được phân phối trong các hệ thống siêu thị, cửa hàng nông sản sạch trong cả nước.
Rời thôn Cảy, trong tôi còn vương vấn mãi vị ngọt chén trà và câu chuyện khởi nghiệp từ cây chè của Tổ trưởng Tổ hợp tác chè Thanh Trà thôn Cảy Phạm Văn Minh. Dưới sự chèo lái của ông Minh, sản phẩm chè Thanh Trà đã tiếp cận với thị trường cả nước, có mặt tại nhiều hội chợ, triển lãm ở các vùng miền, được đông đảo khách hàng tin tưởng và đánh giá rất cao về chất lượng.
Gửi phản hồi
In bài viết