Hướng tới y tế thông minh

- Đẩy mạnh chuyển đổi số, ngành Y tế tỉnh đang từng bước góp phần nâng cao chất lượng phòng bệnh và khám, chữa bệnh cho người dân.

Tích cực chuyển đổi số

Thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã tích cực triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động y tế dự phòng, khám, chữa bệnh và công tác quản lý nhà nước về y tế. Cụ thể, công tác quản lý văn bản và điều hành văn bản VNPT-ioffice được triển khai từ Sở Y tế đến tất cả các đơn vị trong ngành.

Đồng thời kết nối đến 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn; 100% cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử thay thế thẻ bảo hiểm y tế; 100% đơn vị đã triển khai việc thanh toán viện phí qua ngân hàng; 100% các bệnh viện đã triển khai phần mềm quản lý thông tin bệnh viện HIS; 100% các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực hiện được kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh với cơ quan BHXH qua cổng giám định BHYT. Hệ thống giao ban trực tuyến được thiết lập từ Sở Y tế đến các đơn vị tuyến huyện. Các cơ sở đều trích xuất được dữ liệu đầu ra theo quy định.

Thông qua các ứng dụng thông minh, các cơ sở y tế đã cung cấp đầy đủ thông tin cho người bệnh về quy trình, địa điểm khám, chữa bệnh; các thủ tục hành chính, chế độ chính sách về khám, chữa bệnh; đơn giản hóa các thủ tục, quy trình; niêm yết công khai, minh bạch để người dân biết và giám sát; thành lập bộ phận chăm sóc khách hàng để tư vấn, hướng dẫn qua điện thoại và website.

Điều dưỡng khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa sử dụng bệnh án điện tử cấp thuốc cho bệnh nhân.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện là 1 trong những đơn vị y tế tiên phong về thực hiện chuyển đổi số. Bác sĩ Phạm Thị Ánh Tuyết, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Ứng dụng CNTT tại cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện có 1/8 nhóm đạt mức nâng cao và có 5/8 nhóm đã đạt mức cơ bản.

Còn đối với việc sử dụng sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID hiện nay 100% cán bộ bệnh viện cài đặt ứng dụng VNeID định danh mức 2 và 20% được kích hoạt và sử dụng thành thạo; 20% người bệnh đến khám, chữa bệnh ngoại trú được tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng sổ sức khỏe điện tử và được hướng dẫn cài đặt, sử dụng Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID; 20% người bệnh điều trị nội trú được tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng sổ sức khỏe điện tử và hướng dẫn cài đặt, sử dụng sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID. Trong năm 2025, đơn vị phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng Bệnh án điện tử.

Tiến tới phát triển y tế thông minh

Từ việc từng bước đẩy mạnh chuyển đổi số và đưa Bệnh án điện tử vào sử dụng tại các đơn vị y tế, ngành Y tế cũng đang từng bước xây dựng hệ thống y tế thông minh để từ đó các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị y tế có thể tiếp cận dữ liệu chính xác, kịp thời; chủ động dự báo và phòng chống hiệu quả dịch bệnh; điều phối hoạt động cấp cứu ngoại viện và tình trạng quá tải tại các bệnh viện; kiểm tra giám sát hành nghề y tế tư nhân; thực hiện tốt hơn công tác khám, chữa bệnh. Việc chuyển đổi số giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và hạn chế rủi ro, tai biến khi điều trị; giảm khối lượng công việc hành chính, nhân viên y tế có nhiều thời gian phát triển chuyên môn; xây dựng hình ảnh bệnh viện văn minh, hiện đại, hết lòng vì người bệnh.

Khi hệ thống khám, chữa bệnh thông minh đưa vào vận hành, người dân có thể tiếp cận thông tin y tế dễ dàng; giảm các thủ tục hành chính, đảm bảo tính công bằng khi thực hiện các dịch vụ y tế; tránh được các rủi ro y tế không đáng có như việc nhầm lẫn thông tin chẩn đoán hay điều trị; sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh tiên tiến, chất lượng cao và thuận lợi hơn; minh bạch trong việc thanh toán các dịch vụ y tế.

Những lợi ích mang lại từ việc thực hiện chuyển đổi số trong ngành y tế là rất lớn. Vì vậy, thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh, góp phần xây dựng hệ thống y tế hiện đại, chất lượng, công bằng, minh bạch, hiệu quả, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe suốt đời.

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và ngành Y tế tiến tới thực hiện chuyển đổi số, đến nay ngành Y tế  tham mưu hoàn thiện Đề án “Chuyển đổi số, y tế thông minh giai đoạn 2025 - 2030 của ngành y tế tỉnh Tuyên Quang”; tham mưu hoàn thiện dự thảo Kế hoạch “Triển khai Bệnh án điện tử tại các cơ sở khám, chữa bệnh có giường bệnh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”; tiếp tục triển khai các nền tảng số y tế trong đó có nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử, nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa.

Cùng với đó ngành triển khai, hoàn thiện Bệnh án điện tử, chuyển đổi số tại các đơn vị: các bệnh viện tuyến tỉnh, các bệnh viện đa khoa khu vực huyện, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố theo lộ trình thực hiện Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định Hồ sơ Bệnh án điện tử; đáp ứng các tiêu chí được quy định tại Thông tư 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế ban hành Bộ Tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.

Với y tế thông minh, các cơ sở y tế có thể tăng cường việc hội chẩn với các chuyên gia; liên kết giữa các bệnh viện tuyến trên; hỗ trợ người dân ngay từ cổng bệnh viện, giảm tải thời gian chờ đợi không cần thiết. Thông qua sổ sức khỏe điện tử, các cơ quan quản lý có thể sớm phát hiện, phòng chống bệnh hiệu quả ở cộng đồng. Các cơ sở điều trị có thể chăm sóc điều trị thuận tiện, hiệu quả nhờ dữ liệu khám chữa bệnh những lần trước đó đã được tích hợp vào sổ điện tử.

Bài, ảnh: Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục