Thành phố của lịch sử
Kazan còn được gọi là “Thủ đô thứ ba của Nga” sau Moscow và St. Petersburg. Thành phố được thành lập năm 1005 bên bờ sông Kazanka. Thời cực thịnh của Kazan vào thế kỷ XIII, sau khi quân Mông Cổ chiếm giữ thành phố. Kazan trở thành một điểm đến quan trọng trên tuyến đường huyết mạch nối phía Đông với phía Tây đế chế Nguyên Mông. Phải đến năm 1552, Sa hoàng Ivan mới chiếm lấy Kazan và sáp nhập thành phố vào Đế chế Nga. Sau chiến tranh, thành phố gần như bị phá hủy hoàn toàn nhưng đây cũng là cơ hội để Sa hoàng Ivan dựng lên những công trình tuyệt đẹp.
“Trái tim” của Kazan là khu cung điện Kremlin có quy mô không kém điện Kremlin ở Mátxcơva. Là Di sản văn hóa thế giới, Kremlin Kazan gồm nhiều công trình tiêu biểu cho kiến trúc Nga thế kỷ XIV với những tòa nhà tráng lệ có mái vòm màu xanh dương.
Điểm nhấn không thể bỏ qua ở điện Kremlin là tháp Soyembika. Tương truyền, vị công chúa Tatar tên là Soyembika bị cha mẹ ép cưới Sa hoàng Ivan. Cô ra yêu cầu với Sa hoàng rằng: Sẽ chỉ cưới ông nếu ông xây tòa tháp cao nhất Kazan trong vòng 7 ngày. Vì quá say mê công chúa mà Sa hoàng Ivan điều hàng nghìn binh lính xây tháp ngày đêm không nghỉ. Đến khi tháp hoàn thành vào buổi sáng thứ bảy, công chúa Soyembika leo lên đỉnh tháp rồi nhảy xuống đất. Cô tuẫn tiết vì không muốn người Tatar phải sống dưới ách thống trị của người Nga...
Bên trong điện Kremlin cũng có một số công trình mới được xây dựng và khánh thành vào năm 2005 nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Kazan như thánh đường Kul-Sharif. Thánh đường Hồi giáo này được đặt theo tên một vị imam (lãnh đạo người Hồi giáo) người Tatar đã đứng lên chống lại quân đội của Sa hoàng Ivan. Đứng từ đây, du khách có thể cảm nhận toàn bộ vẻ đẹp độc nhất của Kul-Sharif với mái vòm hình hoa sen và những hàng cột bằng đá khổng tước chịu ảnh hưởng của nghệ thuật đền chùa Trung - Nam Á. Tầng hầm của Kul-Sharif được dành làm Viện bảo tàng Hồi giáo. Bất kỳ du khách nào muốn tìm hiểu về lịch sử người Tatar và Hồi giáo ở Nga cũng không nên bỏ qua nơi này.
Một viện bảo tàng thú vị khác ở Kazan là Bảo tàng Xô Viết. Hiện vật được lưu giữ là những loại vật dụng được sử dụng dưới thời Liên Xô. Chắc hẳn những khách du lịch Việt Nam lớn tuổi sẽ tìm thấy một món đồ quen thuộc với mình như đồng hồ Jar, quạt tai voi hay tủ lạnh Saratov.
Cuộc sống yên bình
Khu phố chính của Kazan mang tên Baumana chạy từ cung điện Kremlin đến quảng trường Tokai và khách sạn Tatarstan. Hai bên con phố là vô số quầy lưu niệm, ki ốt bán hàng thủ công, cà phê, quán bar... Phố Baumana dẫn đến hồ Kaban, nơi khách du lịch có thể dành một buổi chiều chèo xuồng ngắm cảnh. Du khách cũng không nên bỏ qua cơ hội được một lần ngồi trên những cỗ xe ngựa bằng đồng dạo trên phố Baumana.
Khu phố cổ Tatar gây ấn tượng với những căn nhà gạch có từ thế kỷ XIX. 75 di tích cấp thành phố hoặc cấp quốc gia được bảo tồn gần như nguyên vẹn trong một không gian rộng 87,95ha. Chỉ riêng 5 thánh đường trong khu phố cổ (Apanaeva, Blue, Galeev, Burnaevskaya và Sennaya) cũng đã có thể khiến du khách choáng ngợp, chưa nói gì đến những công trình lịch sử khác như nhà của đại thi hào Gabdulla Tukay, rạp hát hàn lâm Tatar hay khách sạn Tatarskaya Usadba.
Quà lưu niệm mà vị khách nào đến Kazan cũng muốn mua là các sản phẩm làm từ loại da thuộc thượng hạng của địa phương. Nơi tốt nhất để mua đồ da là trung tâm mua sắm GUM, nơi này còn có cả các loại hàng hóa, thực phẩm từ châu Âu, Trung Đông và Nam Mỹ. Nếu như khách muốn tìm sản phẩm do các thợ thủ công làm ra, hãy đến khu trung tâm thương mại Koltso. Nơi này có những cửa hàng đã hoạt động liên tục từ năm 1768 đến nay.
Kazan là thành phố của âm nhạc. Gần như tháng nào ở thành phố cũng có một buổi biểu diễn âm nhạc ngoài trời hoặc một vở opera hay ba lê mới. Gánh xiếc danh tiếng Cirque du Soleil (Canada) cũng thường đem những màn trình diễn mới nhất đến Kazan vào mùa hè. Ngoài ra, còn rất nhiều lễ hội âm nhạc thường niên như Festival opera quốc tế Fedor Shalyapin (tháng 2), Festival ba lê quốc tế Rudolf Nuriev (tháng 5), Festival nhạc Jazz quốc tế (tháng 8), Lễ hội opera ngoài trời Mùa thu Kazan (tháng 9)...
Ngày lễ lớn nhất (ngoài lễ Ramadan của người Hồi giáo) tại Kazan là lễ Sabantuy được tổ chức vào mùa hè hằng năm. Trước đây, Sabantuy là dịp để người Tatar và các dân tộc gốc Thổ Nhĩ Kỳ sống bên dòng Volga khác ăn mừng ngày gieo hạt, nhưng từ thời Xô viết, Sabantuy trở thành ngày lễ quốc gia. Người Tatar trong những trang phục truyền thống sặc sỡ sẽ tham gia các trò chơi dân gian như đấu vật Kurash, đua ngựa, nhảy bao bố, leo cột, đập bình... Du khách cũng có thể tham gia trò chơi để tận hưởng trọn vẹn bầu không khí náo nhiệt này.
Gửi phản hồi
In bài viết