Kể câu chuyện mới từ chất liệu truyền thống

Kho tàng văn hóa truyền thống khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều nghệ sĩ trẻ. Không dừng lại ở việc sáng tác những tác phẩm hội họa, đồ họa về nhiều chủ đề nhờ cảm hứng chủ đạo từ văn hóa Việt, TiredCity - một cộng đồng sáng tạo tập hợp nhiều nghệ sĩ trẻ trong cả nước - còn góp phần lan tỏa những câu chuyện văn hóa, mang đậm dấu ấn Việt trên các sản phẩm mang tính ứng dụng cao.

Chiếc túi xách có hình ảnh gợi cảm hứng từ bức tranh “Em Thúy” của họa sĩ Trần Văn Cẩn. - Sản phẩm thời trang “Thiếu nữ mùa dịch” lấy cảm hứng từ bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của họa sĩ Tô Ngọc Vân.

Từ chuyện “Vẽ con rồng”

Hình tượng rồng là biểu trưng cho quyền lực, quyền uy của hoàng gia, xuất hiện ở nhiều nơi trong các khu di tích, các hiện vật trưng bày. Hình tượng rồng thời Lý, thời Trần, thời Lê cho đến thời Nguyễn... hiện diện trong các nghiên cứu văn hóa cổ, các tư liệu lịch sử và trên cả những công trình kiến trúc. Trong góc nhìn của những người trẻ, hình tượng rồng trở nên cởi mở và dí dỏm hơn.

Họa sĩ Đặng Thái Tuấn, với tác phẩm “Hãng rồng bay Việt Nam” vừa được trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long, mượn hình ảnh con rồng như một đoàn tàu hỏa kết nối 3 miền Bắc - Trung - Nam. Họa sĩ Lê Phương Thảo mượn hình ảnh 2 con rồng thời Lý và thời Nguyễn đang hướng dẫn nhau làm tò he để nói đến câu chuyện gìn giữ nghề truyền thống.

Mượn tứ trò chơi “Bầu cua tôm cá”, một trò chơi dân gian tại Huế, khi vẽ rồng cùng những con vật thân thuộc trong trò chơi dân gian để nói về một không gian xanh, trong lành, vạn vật đều có thể chung sống, đồng thời gợi nhớ về hình ảnh gia đình, bạn bè quây quần bên nhau và tận hưởng những khoảnh khắc ấm áp trong những ngày Tết - đó là điều có thể nhận ra qua bức tranh “Trò chơi Tết” của tác giả Lim (Đà Nẵng).

Lim là một trong 75 họa sĩ trẻ tham gia triển lãm “Vẽ con rồng” diễn ra tại Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ở triển lãm này, có một câu chuyện khác được kể qua hình ảnh con rồng: Tác phẩm của Shin Nguyễn (thành phố Hồ Chí Minh) gợi nhắc người xem câu chuyện thời sự “giải cứu thanh long”, trong đó, hình ảnh con rồng duyên dáng được tạo tác qua chi tiết cành, hoa, quả thanh long, ẩn hiện các chi tiết kiến trúc cung đình...

Cả hai triển lãm “Vẽ con rồng” diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long và Văn Miếu - Quốc Tử Giám gần đây đều cho thấy ý tưởng sáng tạo của các họa sĩ trẻ về linh vật rồng. Họ đã thể hiện một cách nghĩ khác, một tư duy khác về hình tượng rồng, như một cá thể tham gia vào đời sống vật chất và tinh thần, hóa thân vào các nhân vật, trong những không gian khác nhau, mang đến những giá trị thẩm mỹ mới.

Tiến sĩ Nguyễn Phước Hải Trung (Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế) bày tỏ sự thích thú với những câu chuyện đầy ẩn ý qua nét vẽ sáng tạo của các họa sĩ trẻ: “Câu chuyện mà các bạn trẻ đề cập đều dựa trên lịch sử, có sức tương tác và thể hiện trí tưởng tượng phong phú. Chúng ta có rồng thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn thì bây giờ có rồng của thế hệ trẻ. Đó là giá trị mà những người làm di sản chúng tôi luôn hướng đến trong câu chuyện giáo dục”.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nhận định: “Các họa sĩ đã lấy chất liệu truyền thống như rồng thời Lý, thời Lê, thời Nguyễn… Cảm thức về linh vật qua sự sáng tạo của giới trẻ giúp cho những tác phẩm giữ được tính biểu tượng, bên cạnh đó lại có những hình ảnh gần gũi, gắn với các trò chơi dân gian. Quan trọng hơn, chúng ta cảm nhận được sức sống mới, giá trị văn hóa truyền thống được định hình trong những hoạt động sáng tạo như thế này”.

Biến di sản thành câu chuyện sáng tạo

Cộng đồng sáng tạo TiredCity là nơi kết nối hàng trăm nghệ sĩ trẻ với hàng trăm nghìn sản phẩm sáng tạo mang tính ứng dụng, đậm dấu ấn văn hóa truyền thống. Không dừng lại trong khuôn khổ một triển lãm, các tác phẩm đạt giải trong cuộc thi vẽ con giáp được tổ chức hằng năm sẽ được chọn và đưa lên các sản phẩm ứng dụng như áo phông, túi xách, lịch bàn, khăn choàng... để du khách trong và ngoài nước có thêm cái nhìn về lịch sử, văn hóa Việt.

Gần đây nhất, TiredCity cho ra mắt 7 bộ sưu tập. “Hàng rong" là bộ sưu tập tái hiện hình ảnh những gánh hàng rong quen thuộc - mảnh ghép quan trọng trong cuộc sống sinh hoạt của người Việt Nam và là kỷ niệm ấu thơ sâu bên trong tâm hồn người. Bộ sưu tập “My Little Vietnam” giới thiệu danh lam thắng cảnh, kiến trúc nổi tiếng của đất nước Việt Nam thông qua các địa danh thuộc Nha Trang, Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Phú Quốc, Phú Yên và Sa Pa.

Bộ sưu tập "Bắc Hà Market" như "phiên chợ thu nhỏ" với những món hàng hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phía Bắc. Phiên chợ đặc biệt này chỉ họp vào chủ nhật, không chỉ bày bán đầy đủ những thức quà mang đậm bản sắc dân tộc mà còn giới thiệu những tiết mục biểu diễn của các nghệ nhân bản địa. Trong bộ sưu tập “Human of Vietnam”, họa sĩ không chỉ khắc họa bức tranh con người Việt Nam dưới phong cách pixel hoài cổ mà còn thể hiện thông điệp ý nghĩa về việc lưu giữ và trân trọng mọi khoảnh khắc trong cuộc sống...

“Chúng tôi coi di sản văn hóa và sáng tạo cá nhân là hai nguồn lực trọng tâm, cần được chú trọng khai thác. Nếu khai thác đúng thì chúng ta sẽ có thể tạo ra sự cạnh tranh lớn, không chỉ về thương mại mà còn về quảng bá văn hóa rộng khắp. Đó là mục tiêu lớn nhất của TiredCity” - Nguyễn Việt Nam, nhà sáng lập TiredCity cho biết.

Trải qua 5 năm hoạt động, Nguyễn Việt Nam khẳng định rằng nhiều cơ hội đang mở ra cho anh và các bạn trẻ đam mê sáng tạo. Theo từng năm, cuộc thi vẽ con giáp đều mở ra cơ hội để các họa sĩ trẻ khai thác nhiều câu chuyện khác nhau. Dù là để trưng bày tại những cuộc triển lãm hay được ứng dụng trên các sản phẩm thời trang, đồ gia dụng..., các tác phẩm đều thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, tạo ra cầu nối để các họa sĩ có động lực sáng tác, các câu chuyện văn hóa được lan tỏa đến công chúng. Hiện tại, TiredCity đang cộng tác với khoảng 500 họa sĩ, có 11 cửa hàng tại Hà Nội, phục vụ trực tiếp và online cho nhiều đối tượng khách hàng.

“Ở trong nước, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm văn hóa của người Việt ngày càng tăng. Chúng tôi luôn để ý tới việc khách hàng sẽ tương tác với các sản phẩm sáng tạo như thế nào, từ đó xác định các dòng sản phẩm phù hợp với công chúng” - Nguyễn Việt Nam nói.

Tuy nhiên, có một lưu ý là sự học hỏi truyền thống luôn cần đảm bảo tính nghiêm túc, dành thời gian thử nghiệm cho tác phẩm. Yếu tố văn hóa là sợi dây kết nối hiện tại và quá khứ, do đó, việc ra mắt sản phẩm mới một cách liên tục cần sự nghiên cứu cẩn trọng bên cạnh tinh thần khai phá của những người khởi nghiệp.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục