Tác phẩm Sắc (Đoàn Văn công Quân khu 7) mở màn cho đêm thi đầu tiên của Liên hoan nghệ thuật Múa Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng lần VIII.
Liên hoan là dịp để các nghệ sĩ Hội Nghệ sĩ Múa Thành phố hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và thực hiện việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI đã đề ra.
Theo ông Lê Nguyên Hiều, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Thành phố Hồ Chí Minh, Liên hoan nghệ thuật Múa lần VIII chính là sự tiếp nối thành công của 7 lần liên hoan trước. Liên hoan Nghệ thuật Múa Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng cũng chính là “thương hiệu” của Hội Nghệ sĩ Múa thành phố đã được khẳng định trong nhiều năm. Mục đích, tiêu chí lớn nhất của liên hoan đó là tạo sự “thăng hoa” trong sáng tạo nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ trong các lĩnh vực sáng tác, biên đạo và biểu diễn.
Sự sáng tạo trong nghệ thuật sẽ luôn làm cho mỗi kỳ liên hoan thêm sôi động, đa dạng, phong phú và tạo điều kiện cho các nghệ sĩ giao lưu nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng trong hoạt động nghệ thuật của mình. Chính vì vậy, sau các kỳ liên hoan trước luôn có nhiều tác phẩm dần định hình xu hướng sáng tác mới, qua đó không chỉ tạo niềm hưng phấn cho khán giả mà còn được những đồng nghiệp trong nghề đánh giá cao về tài năng chuyên môn và tính sáng tạo...
Theo Ban tổ chức, liên hoan lần này có 36 tác phẩm của 20 tập thể, cá nhân tham dự. Sau phần lễ khai mạc, khán giả đã được thưởng thức 8 tác phẩm dự thi trong ngày đầu tiên gồm: Sắc, Khúc tráng ca vườn cau đỏ, Người chiến sĩ thời bình (Đoàn Văn công Quân khu 7), Lifeminion (biên đạo Kim Hà, biểu diễn: Vũ đoàn Lifedance), Vũ nông dân (biên đạo Quang Đăng- Aindy Lu), Biệt đội Sài Gòn xanh (Phan Gia Sươn; biểu diễn: vũ đoàn Viva), Chơi trăng (Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen), Nếp mới (biên đạo Yero, biểu diễn: Vũ đoàn NTV).
Đêm khai mạc đã tạo ấn tượng cho khán giả bởi sự đa dạng trong chất liệu múa như: múa như đương đại, dân gian, dân gian đương đại, ballet đương đại, hiphop,… Cùng với đó, sự kết hợp hiệu quả của ánh sáng sân khấu đã mang đến những màn trình diễn thu hút người xem.
Các mảng đề tài về nỗi đau của chiến tranh, bão lũ, Covid-19... vẫn là nguồn cảm hứng chính của nhiều tác phẩm tham dự Liên hoan nghệ thuật Múa mở rộng năm nay. Ngoài ra, nhiều tác giả, biên đạo mang đến liên hoan các tác phẩm có nội dung ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, con người, tình cảm gia đình…
Đại diện Ban tổ chức cho biết thêm, liên hoan lần này số lượng các tác phẩm dự thi tương đương với các mùa trước nhưng chất lượng từng tác phẩm đã có sự thay đổi rõ rệt. Nhiều đề tài mới được khai thác, đầu tư công phu cho thấy tính tích cực của đội ngũ nghệ sĩ trẻ đối với ngành múa trong thời đại mới.
Liên hoan diễn ra trong 4 ngày, từ 18/10 đến 21/10. Đêm tổng kết báo cáo, trao giải được tổ chức vào tối ngày 21/10 tại Nhà hát Quân đội Thành phố Hồ Chí Minh. Được biết, tổng giá trị giải thưởng của Liên hoan Nghệ thuật Múa Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng năm 2024 lên đến 585 triệu đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết