Nơi gặp gỡ của thiên nhiên và cuộc sống
Cầu Hai là một đầm nước lớn thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trải dài 68km theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, dọc theo bờ biển, thuộc địa phận thành phố Huế và 4 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, có tổng diện tích mặt nước 216km2. Toàn bộ hệ thống có 3 đầm phá hợp thành, gồm phá Tam Giang, đầm Thủy Tú và đầm Cầu Hai.
Hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai thông ra biển Đông ở cửa Thuận An (phá Tam Giang, huyện Phú Vang) và cửa Tư Hiền (đầm Cầu Hai, huyện Phú Lộc). Trong lịch sử, đây là hai cửa biển có ý nghĩa chiến lược đối với kinh thành Huế. Hệ thống đầm phá này hội tụ hầu hết sông lớn trong tỉnh Thừa Thiên Huế nên nước tương đối ngọt rồi chuyển sang lợ vào mùa khô. Nơi đây có dung tích trữ nước khổng lồ (từ 300 - 450 triệu mét khối vào mùa khô và khoảng 600 triệu mét khối vào mùa lũ). Tam Giang - Cầu Hai là hệ thống đầm phá nước lợ lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á với hệ sinh thái đa dạng.
Đầm Cầu Hai nằm cuối hệ đầm phá ở phía nam, thuộc huyện Phú Lộc, cách thành phố Huế khoảng 40km. Đây là đầm lớn nhất trong hệ thống với diện tích mặt nước 112km2, chu vi khoảng 100km. Đầm Cầu Hai khu vực cửa Tư Hiền thuộc xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) được đánh giá có cảnh quan đẹp nhất. Phía đông đầm được bao bọc bởi dãy núi ngăn cách với biển, phía tây là nơi quần cư của các làng chài. Do nằm cuối hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nên thủy sản nơi đây thuộc loại ngon nhất Việt Nam dưới thời Nguyễn. Bên ngoài cửa biển là bãi biển Vinh Hiền - một bãi biển đẹp với bờ thoải, nước trong, cát trắng mịn.
Ngư dân đầm Cầu Hai thường bắt đầu chuyến ra khơi đánh bắt thủy sản vào ban đêm. Mỗi chuyến đi kéo dài vài ngày, kết thúc bằng chuyến về bờ lúc 3h sáng với phiên chợ cá trên bến. Chợ không chỉ là nơi mua bán thủy sản mà còn cung ứng các thực phẩm, vật tư, vật dụng thiết yếu cho ngư dân. Khi bình minh ló rạng ở cửa Tư Hiền, đó cũng là lúc những con thuyền hối hả nối đuôi nhau về bến, tạo nên cảnh tượng đông vui tấp nập. Hải sản được đưa lên bờ và bán ngay tại chỗ. Khung cảnh nhộn nhịp người mua kẻ bán, trong khi các ngư phủ thư thả nghỉ ngơi trên thuyền.
Điểm du lịch tiềm năng
Với nhiều nhiếp ảnh gia và những người ưa “phượt”, đầm Cầu Hai là một địa chỉ bỏ túi khi đến Huế. Song, nhiều khách du lịch phổ thông không biết điểm đến này bởi nơi đây cách thành phố Huế tới 40km, cơ sở hạ tầng du lịch hầu như chưa có. Ở bãi biển Vinh Hiền chỉ có một số cơ sở lưu trú và phục vụ ăn uống trong ngày, chưa đáp ứng được nhu cầu nghỉ qua đêm của du khách. Các tour du lịch cũng bỏ qua nơi này. Do thiếu phương tiện giao thông công cộng, du khách muốn ngắm bình minh trên đầm Cầu Hai thường phải đi xe máy từ thành phố Huế lúc 3h sáng, hoặc lưu trú tại các nhà nghỉ cách đầm khoảng 10km, rồi sáng sớm mới vào đầm. Dẫu vậy, nhiều người vẫn tìm đến đầm Cầu Hai để “săn” bình minh, hoàng hôn và trải nghiệm cuộc sống sông nước. Ngao du trên mặt đầm bằng thuyền, du khách có thể làm quen với vô vàn cách đánh bắt thủy sản của ngư dân, được thưởng thức hương vị thơm ngon của những loài cá, tôm nước lợ đặc trưng.
Ông Nguyễn Văn Lợi, ngư dân thôn Hiền Vân 1 (xã Vinh Hiền) chia sẻ: “Những năm gần đây, du khách đến đầm Cầu Hai nhiều hơn. Chúng tôi thường cho du khách thuê thuyền khám phá đầm, tham gia đánh bắt hải sản, sinh hoạt và ăn uống trên thuyền cùng gia đình. Tuy nhiên, do là thuyền cá nhỏ và chưa đủ tiện nghi nên chưa thể phục vụ được lượng khách lớn. Thực tế, chúng tôi muốn giúp du khách trải nghiệm, hiểu hơn về cuộc sống của mình nên không đặt nặng mục tiêu kinh tế bởi đánh bắt thủy sản vẫn là nghề chính”.
Anh Lê Anh Vũ, một nhiếp ảnh gia sống tại thành phố Huế cho biết: “Tôi thường giới thiệu bạn bè yêu nhiếp ảnh ở nơi khác đến đầm Cầu Hai, nhiều lần họ nghỉ lại trên thuyền. Đây là nơi có khung cảnh hoang sơ, đẹp và mới lạ, trong khi những điểm di tích ở Huế đã quá quen thuộc với nhiều người. Có một số khó khăn nhất định khi di chuyển và lưu trú, song, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đầm Cầu Hai là một điều tuyệt vời không phải nơi nào cũng có. Đó là nét đẹp rất riêng của xứ Huế. Đầm Cầu Hai là một điểm du lịch đầy tiềm năng, có thể ví như một viên ngọc thô đang chờ mài giũa...”.
Gửi phản hồi
In bài viết