Hiện nay, du khách hay đứng ở Bến thủy hay điểm cây cô đơn để “check in” núi Pác Tạ và Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang. Có lẽ đây là những “góc thần thánh” càng làm tôn vóc dáng kỳ bí của Pác Tạ. Ngọn núi nổi tiếng là vậy, song rất nhiều người nhầm tưởng ngọn Pác Tạ thuộc đất thị trấn Na Hang. Vì đứng ở thị trấn Na Hang đâu đâu cũng nhìn thấy ngọn Pác Tạ như núm vú của trời.
Đứng ở thị trấn Na Hang nhìn thấy rõ ngọn Pác Tạ của xã Khau Tinh.
Núi Pác Tạ thuộc xã Khau Tinh. Trước kia tôi từng lên huyện Na Hang công tác, nhiều lần “mường tượng” Khau Tinh là một xã rất xa trung tâm, đi lại khó khăn, vất vả. Quả đúng vậy, con đường ngoằn ngoèo từ thị trấn Na Hang đi qua xã Sơn Phú, Đà Vị, Yên Hoa đến trung tâm Khau Tinh dài 63 km, trong đó có nhiều đoạn dốc đứng, trơn trượt khó đi, đặc biệt vào mùa mưa. Mấy năm gần đây đường lên Khau Tinh được trải bê tông, ô tô các loại có thể lên xã dễ dàng. Tuy nhiên, cung đường ngoằn ngoèo, đi rất mất thời gian. Câu chuyện “gần nhà xa ngõ” đối với Khau Tinh quả thật đúng. Rất may kể từ khi công trình thủy điện Tuyên Quang được hoàn thành, giao thông đường thủy đi từ thị trấn Na Hang đi Bản Lãm, xã Khau Tinh mất khoảng 1 giờ 20 phút thuyền máy chạy. Song đi đường thủy chỉ thuận cho người đi bộ, xe đạp, xe máy, còn ô tô vẫn phải đi đường bộ.
Báu vật của rừng nguyên sinh xã Khau Tinh là quần thể cây nghiến nghìn năm tuổi.
Nhìn trên bản đồ, xã Khau Tinh như một bán đảo vây quanh là nước. Phía bên trái là dòng sông Gâm chảy theo lòng hồ từ Hà Giang xuống. Phía bên phải là dòng sông Năng chảy từ Bắc Kạn sang hợp lưu ở chân núi Pác Tạ. Ở bán đảo phía Bắc của xã chỉ còn giáp một phần đất của xã Côn Lôn và Yên Hoa. So với các xã trong vùng, xã Khau Tinh có nhiều núi, diện tích tự nhiện rộng 8.373 ha. Dân cư của địa phương sinh sống từ độ cao 400 đến 800 mét so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm, phù hợp với rau trái vụ và các loại cây ưa lạnh. Chính vì vậy mà Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ (Khau Tinh) - Bản Bung (Thanh Tương) trải dài qua nhiều xã được ra đời. Sau này được nâng cấp lên thành Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình - danh thắng Quốc gia đặc biệt. Báu vật rừng nguyên sinh của Khau Tinh là quần thể những cây nghiến nghìn năm tuổi, hệ động thực vật đa dạng. Sản phẩm từ rừng mang lại gồm mật ong rừng, măng, tai chua, nấm, mọc nhĩ, giảo cổ lam, sâm cau, thiên nhiên kiện, nguồn thảo dược phong phú với những bài thuốc nam, thuốc tắm quý...
Công đoàn cơ sở xã Khau Tinh vừa giành giải A Hội thi Ẩm thực huyện Na Hang năm 2022
với các món ăn mang bản sắc địa phương.
Ngoài phong cảnh đẹp mây bồng bềnh, có các ngọn núi cao hùng vĩ thì Khau Tinh có 3 dân tộc chính Mông 50%, Tày 34%. Dao 15%, các dân tộc khác 1%. Xã có 374 hộ với 1.743 nhân khẩu sống ở 4 thôn Tát Kẻ, Khau Tinh, Nà Lũng, Khau Phiêng. Giữ rừng, giữ gìn bản sắc được người Khau Tinh làm khá tốt ở kiến trúc nhà, phong tục, tập quán, trang phục, tiếng nói, ẩm thực, nhạc cụ. Từ khi Huyện ủy Na Hang điều động đồng chí Lê Hữu Thể làm Bí thư Đảng ủy xã Khau Tinh thì đường hướng phát triển du lịch đang dần rõ nét. Việc đầu tiên xã cho quy hoạch diện tích đất trồng rau xứ lạnh, trồng thử nghiệm cây dược liệu. Theo ý kiến của nhiều khách du lịch, nếu huyện Na Hang mở được con đường từ khu dân cư đội 5 thôn Tát Kẻ (Khau Tinh) qua hồ nước đoạn hẹp (xây cầu cứng) đến Quốc lộ 279 thuộc tổ nhân dân Nà Mỏ (thị trấn Na Hang) khoảng 5 km thì con đường từ thị trấn Na Hang đi trung tâm xã Khau Tinh lúc này rút ngắn còn khoảng 30 km. Từ tuyến đường này, du khách có thể ngắm cảnh lòng hồ trên cầu cứng, theo tuyến chinh phục đỉnh Pác Tạ hoặc đi dưới tán rừng nguyên sinh, qua các bản làng đến xã.
Tiềm năng du lịch của xã Khau Tinh là rất lớn. Việc “đánh thức” được Khau Tinh - một “bán đảo du lịch” đòi hỏi sự quyết tâm cao, cách làm sáng tạo, khoa học của cấp ủy, chính quyền và nhân dân từ huyện xuống xã.
Gửi phản hồi
In bài viết