>>> Bài 1: Khâu đột phá chiến lược
>>> Bài cuối: Để đề tài, dự án không “xếp ngăn kéo”
Ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội
Thực hiện từ năm 2020, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng một số chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học phòng trừ sâu và nấm bệnh hại cây chè tại tỉnh Tuyên Quang” do Công ty cổ phần Chè Sông Lô chủ trì đã khảo sát, đánh giá tình hình sâu bệnh hại chè, thực trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây chè; tích hợp dạng chế phẩm bảo vệ thực phẩm sinh học và nồng độ chế phẩm để phòng, trừ sâu, bệnh hại chè; xây dựng mô hình 5 ha chè sử dụng chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học tích hợp.
Ông Nguyễn Năm Châu, cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần chè Sông Lô, chủ nhiệm đề tài cho biết, sau 2 năm triển khai, áp dụng các kỹ thuật sử dụng tích hợp các dạng chế phẩm bảo vệ thực vật, cây chè sinh trưởng khỏe, ổn định, tình hình sâu bệnh hại được kiểm soát, năng suất tăng 15,9%, không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm búp chè tươi sau 7 ngày cách ly. Đề tài đã xây dựng được cuốn hướng dẫn kỹ thuật sử dụng tích hợp dạng chế phẩm bảo vệ thực phẩm sinh học và nồng độ chế phẩm trong phòng, trừ sâu, bệnh hại cây chè. Đến nay, đề tài đã được nhân rộng trên 1.000 ha chè tại 10 xã ở huyện Yên Sơn, TP Tuyên Quang.
Chè ứng dụng chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học phòng trừ sâu bệnh và nấm cho năng suất chất lượng cao.
Bà Nguyễn Thị Giang, một người trồng chè ở tổ 17, phường An Tường (TP Tuyên Quang) cho biết, trước đây việc phòng trừ sâu và nấm bệnh hại chính trên cây chè gặp nhiều khó khăn. Từ khi sử dụng các chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất chè giúp cho chè của gia đình phát triển rất tốt, đạt năng suất cao, tạo ra chuỗi giá trị chè an toàn. Với 4 ha chè, bình quân mỗi năm gia đình bán từ trên 50 tấn chè tươi, doanh thu đạt từ 200 triệu đồng.
Đề tài “Nghiên cứu phẫu thuật nội soi viêm phúc mạc ruột thừa bằng phương pháp vô cảm gây tê tủy sống” do Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa thực hiện cũng mang lại thành công lớn. Theo bác sĩ Nguyễn Hưng Đạo, chủ nhiệm đề tài, trước đây, để chẩn đoán và xử lý đối với bệnh viêm ruột thừa cấp bằng phương pháp gây mê mổ mở và mổ nội soi. Sau 3 năm nghiên cứu, đề tài đã ứng dụng thành công các quy trình phẫu thuật nội soi viêm phúc mạc ruột thừa bằng phương pháp vô cảm gây tê tủy sống tại Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa và chuyển giao cho Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trong tỉnh.
Đề tài đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chẩn đoán và xử lý đối với bệnh viêm ruột thừa cấp. Đồng thời phòng tránh biến chứng viêm phúc mạc ruột thừa cho y tế tuyến cơ sở; sau mổ nhu cầu dùng thuốc giảm đau ít hơn, khả năng phục hồi sớm, giảm các chi phí cho người bệnh, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Lựa chọn đề tài, dự án sát thực tế
Giai đoạn 2020 - 2023, Sở Khoa học và công nghệ đã tham mưu tổ chức thực hiện 96 đề tài, dự án KHCN cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh (tăng 2 đề tài so với giai đoạn 2015 - 2020). Trong đó, lĩnh vực nông lâm nghiệp 41 đề tài, chiếm 43% (tăng 5 đề tài so với giai đoạn 2015 - 2020); lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn 26 đề tài, chiếm 27% (giảm 9 đề tài so với giai đoạn 2015 - 2020); lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ 17 đề tài, chiếm 18% (tăng 1 đề tài so với giai đoạn 2015 - 2020); lĩnh vực y dược 12 đề tài, chiếm 12% (tăng 5 đề tài so với giai đoạn 2015 - 2020). Các nghiên cứu khoa học được triển khai bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết kịp thời các vấn đề cấp thiết trên các lĩnh vực. Các nhiệm vụ hướng đến có sự tham gia của “bốn nhà”: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông.
Đi đầu là lĩnh vực khoa học nông lâm nghiệp. Ở lĩnh vực này, các nhiệm vụ tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng tiến bộ KHCN trong sản xuất, góp phần chuyển đổi cơ cấu và tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; đặc biệt tập trung nghiên cứu, phát triển về cây, con chủ lực của tỉnh, gồm: 6 cây (cây cam, chè, bưởi, mía, lạc, cây lâm nghiệp), 3 con (trâu, lợn, cá đặc sản) đã giúp hình thành vùng nguyên liệu có năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm, đưa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển hiệu quả, bền vững. Nổi bật như: Nghiên cứu đưa một số giống cam mới rải vụ, sạch bệnh vào trồng thử nghiệm; nghiên cứu các giải pháp quản lý tổng hợp sâu, bệnh hại cây lâm nghiệp chính; thụ tinh trâu, bò bằng phương pháp nhân tạo để tạo ra con giống có chất lượng cao…
Các đề tài lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương, phục vụ công tác tham mưu chiến lược cho cấp ủy tỉnh; góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, phục vụ thực hiện khâu đột phá phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Nổi bật đề tài: nghiên cứu đề xuất “Liên kết phát triển du lịch chiến khu Việt Bắc”; nghiên cứu khôi phục, bảo tồn cây lôi khoai lá đỏ và cây lim xẹt hoa vàng để phát triển kinh tế du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Pà Thẻn gắn với phát triển du lịch...
Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, song thực tế cho thấy, công tác nghiên cứu, ứng dụng nhiều đề tài, nhiệm vụ KHCN hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, nên chưa đáp ứng được các mục tiêu đề ra.
Đồng chí Phạm Thị Lành, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, một số đề tài, dự án được lựa chọn đưa vào danh mục thực hiện quy mô còn nhỏ, chưa giải quyết thỏa đáng tính cấp thiết trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tính ứng dụng vào thực tiễn chưa cao, chưa tạo được đột phá lớn; cơ chế, chính sách, hướng dẫn cụ thể về việc nhân rộng các mô hình từ Trung ương đến địa phương còn chưa thống nhất.
Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thực hiện còn có đề tài, dự án thiếu sự liên kết theo chuỗi giá trị, chưa có gắn kết với người dân và doanh nghiệp; công tác tổ chức phổ biến, tuyên truyền các kết quả nhiệm vụ KHCN sau nghiệm thu tuy đã được quan tâm hơn trước nhưng vẫn còn hạn chế. Tỉnh mới thành lập 1 doanh nghiệp KHCN, thiếu doanh nghiệp tâm huyết, mạnh dạn bỏ vốn ra để thương mại hóa kết quả nghiên cứu…
Những khó khăn, bất cập trong việc triển khai và ứng dụng kết quả các đề tài, dự án, nhiệm vụ KHCN đang là rào cản khiến cho KHCN có lúc, có nơi chưa thực sự trở thành lực đẩy cho kinh tế - xã hội phát triển. Do đó, tháo gỡ các rào cản là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị lúc này.
Bài, ảnh: Lý Thu
(Còn tiếp)
Gửi phản hồi
In bài viết