Đưa hệ thống tiêu chuẩn quốc gia tiệm cận thông lệ quốc tế
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Một điểm đáng chú ý là lần đầu tiên, nội dung về chiến lược phát triển tiêu chuẩn quốc gia được đưa vào trong luật như một định hướng lâu dài cho toàn bộ hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.
Theo ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng quốc gia, trước đây, Việt Nam thường ban hành kế hoạch tiêu chuẩn ngắn hạn theo từng năm hoặc từng giai đoạn 5 năm. Chiến lược này sẽ phù hợp định hướng phát triển ngành, lĩnh vực và cam kết hội nhập, đồng thời kết nối chặt chẽ với quy hoạch khoa học-công nghệ, hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) và chính sách đổi mới sáng tạo.
Đến nay, Việt Nam đã ban hành hơn 13.000 tiêu chuẩn quốc gia - đứng đầu ASEAN, trong đó 60% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Đây là bước tiến quan trọng trong thu hẹp khoảng cách về chất lượng và quản lý so với các nền kinh tế phát triển.
Về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hơn 800 quy chuẩn đã được ban hành, đóng vai trò công cụ quản lý quan trọng trong bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và kiểm soát rủi ro từ hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng lợi ích quốc gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, tiêu chuẩn quốc tế ngày càng đóng vai trò nền tảng trong hoạch định chính sách phát triển của các quốc gia. Xây dựng tầm nhìn chiến lược cho hệ thống tiêu chuẩn không chỉ thúc đẩy cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, mà còn nâng cao sức khỏe, an toàn cộng đồng và tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu. Tham gia chủ động vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế cũng giúp quốc gia khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Luật sửa đổi lần này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức ngoài nhà nước tham gia xây dựng tiêu chuẩn. Doanh nghiệp, hiệp hội, viện nghiên cứu và tổ chức khoa học-công nghệ được quyền đề xuất, góp ý và đồng hành trong quá trình hình thành tiêu chuẩn quốc gia.
Cách tiếp cận này phù hợp xu hướng quốc tế, khi tại nhiều nước như Đức, Mỹ, Nhật Bản, hơn 80% số tiêu chuẩn được đề xuất từ khu vực tư nhân. Thực tế cho thấy, tiêu chuẩn chỉ hiệu quả khi phản ánh đúng nhu cầu thực tiễn, đặc biệt từ doanh nghiệp - đối tượng trực tiếp vận hành, sản xuất và ứng dụng công nghệ.
Một điểm nhấn quan trọng trong luật sửa đổi lần này là nguyên tắc “một sản phẩm-một quy chuẩn” được xác lập lần đầu tiên, nhằm khắc phục tình trạng một sản phẩm phải tuân thủ nhiều quy chuẩn do các cơ quan khác nhau ban hành.
Theo ông Hiệp, tiêu chuẩn là cầu nối giữa nghiên cứu khoa học và sản xuất, giữa thị trường nội địa và quốc tế. Khi được xây dựng kịp thời, hài hòa với chuẩn mực quốc tế và phù hợp thực tiễn doanh nghiệp, tiêu chuẩn giúp rút ngắn quá trình đưa công nghệ mới ra thị trường, đẩy nhanh chuyển giao và nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm Việt Nam.
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, sẽ là nền tảng pháp lý mới đưa hệ thống tiêu chuẩn quốc gia tiệm cận thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến bạn đọc