Ông Đồng Dương Mười, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao tỉnh cho biết: Võ cổ truyền là môn thể thao không những mang lại sức khỏe, mà còn giúp người học có khả năng tự vệ trước các tình huống nguy hiểm đối với bản thân. Ở Tuyên Quang môn võ cổ truyền đang dần phát triển, đặc biệt là gần đây đã đưa một số nội dung vào giảng dạy trong các trường phổ thông và là nội dung thi đấu trong Hội khỏe Phù Đổng hàng năm. Qua đó mang đến ý nghĩa và lợi ích rất lớn, giúp học sinh rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe để học tập.
Các VĐV luyện tập môn võ cổ truyền tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh.
Là 1 trong 5 vận động viên của đội tuyển thi đấu môn võ cổ truyền, em Hoàng Thị Kiều có hoàn cảnh khó khăn nhất. Gia đình em là hộ nghèo ở thôn Kim Thu Ngà, xã Kim Quan (Yên Sơn) đường xá đi lại khó khăn, em phải ở nội trú tại Trung tâm Huấn luyện và theo học văn hóa. Được phát hiện từ phong trào thể thao quần chúng, sau khi được đưa về trung tâm, em rất chăm chỉ tập luyện. Trong giải võ cổ truyền vô địch năm 2020 được tổ chức tại Đắk Lắk, em đã vinh dự mang về cho thể thao tỉnh tấm huy chương đồng. Em chia sẻ: Được thầy cô giúp đỡ, động viên, em cảm thấy vô cùng biết ơn công lao dìu dắt, em tự hứa phải cố gắng nhiều hơn nữa để mang nhiều những tấm huy chương danh giá về cho thể thao tỉnh.
Những năm qua, phong trào tập luyện võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, với các câu lạc bộ (CLB) được thành lập mới, duy trì sinh hoạt thường xuyên, hiệu quả. Đến nay, có 3 CLB võ cổ truyền được thành lập tại TP Tuyên Quang, huyện Sơn Dương, huyện Hàm Yên, thu hút trên 100 võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên, chủ yếu là học sinh và một số người trung niên có niềm đam mê võ thuật.
Gần 10 năm gắn bó với môn võ cổ truyền, Huấn luyện viên Trịnh Hải Quân, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao tỉnh cho biết: Chính những phong trào tập luyện môn võ cổ truyền trong nhân dân đã tạo điều kiện thuận lợi để bộ môn võ cổ truyền có thể tuyển chọn những vận động viên trẻ, có triển vọng vào đội năng khiếu để đào tạo, hướng đến thành tích cao. Đến nay, toàn đội tuyển thi đấu của môn võ cổ truyền mới có 5 vận động viên, đây là con số quá nhỏ so với tiềm năng phát triển của bộ môn này.
Có thể nói, võ thuật cổ truyền Việt Nam không chỉ đơn thuần là những bài võ nhằm rèn luyện thể chất, nâng cao khả năng tự vệ mà đó là sự khơi dậy lòng tự hào, tinh thần thượng võ của dân tộc. Mới đây, trong chương trình trọng điểm phát triển thể dục thể thao của tỉnh cũng có phân bổ chỉ tiêu cho bộ môn võ cổ truyền. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi và là nền tảng cho việc khôi phục và phát triển bộ môn võ cổ truyền ở tỉnh ta ngày càng vươn xa.
Gửi phản hồi
In bài viết