Không chủ quan với bệnh đau mắt đỏ

- Thời gian gần đây, các cơ sở y tế trong tỉnh tiếp nhận số nhiều người dân đến khám và điều trị bệnh viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ. Đây là loại bệnh khá phổ biến, có khả năng lây lan nhanh và dễ bùng phát thành dịch.

Tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh những ngày qua, cao điểm mỗi ngày có 60-70 bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ . Trong đó, chủ yếu là học sinh ở cấp tiểu học và mầm non.

Chị Lý Thị Năm, tổ 8, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết, con trai chị năm nay 10 tuổi, đang học trường Tiểu học Phan Thiết. Mấy ngày qua, mắt cháu có dấu hiệu đỏ và thường xuyên kêu rát, khó chịu nên chị phải cho nghỉ học ở nhà. Qua thăm khám bác sỹ chẩn đoán cháu bị đau mắt đỏ.

Nhân viên Y tế thôn bản thôn Thôm Luông, xã Thượng Nông (Na Hang) tuyên truyền người dân cách phòng chống bệnh đau mắt đỏ.

Cháu Hoàng Kim Ngân (6 tuổi)  xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa) có các dấu hiệu như đau mắt, đỏ mắt, nước mắt chảy liên tục nên được gia đình đưa đến bệnh viện và được kết luận đau mắt đỏ. Chị Khánh cho biết: Ban đầu khi mới bị đau mắt, cháu có biểu hiện ngứa, chảy nước mắt nên gia đình chỉ nhỏ nước muối sinh lý. Sau 2 - 3 ngày tình trạng cháu không tiến triển nên được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa để được khám và điều trị.

 Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, riêng trong tháng 10 toàn tỉnh ghi nhận 5.177 trường hợp, cộng dồn từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận 6.523 trường hợp đau mắt đỏ, trong đó, thành phố Tuyên Quang có số ca mắc nhiều nhất 2.553 trường hợp, tiếp đến là huyện Yên Sơn 2.239 trường hợp, huyện Sơn Dương 656 trường hợp…Đây chỉ là số lượng thống kê rất nhỏ trong tổng số những người đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh, bởi khi đau mắt đỏ, đa số các trường hợp sẽ tự điều trị tại nhà hoặc đến các phòng khám tư nhân để thăm khám.

Bác sĩ Đoàn Lương Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh tăng cao. Trong một tháng gần đây số ca bệnh nhân mắc đau mắt đỏ tăng nhanh, trong đó ghi nhận chủ yếu ở các em học sinh bậc mầm non và tiểu học. Trong tháng 9 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 3 ổ dịch đau mắt đỏ tại các trường học trên địa bàn thành phố (trường Tiểu học Trường Thành, trường Tiểu học An Khang, trường Tiểu học Đội Cấn). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca trở nặng, nhưng cũng có những ca có để lại di chứng trên giác mạc - viêm giác mạc chấm nông khiến cho mắt nhìn bị mờ, ảnh hưởng thị lực.

Đồng chí La Đăng Tái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc, là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường gặp do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt.

Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do vi rút Adenovirus gây ra, hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa…

Đây là những thời điểm mà cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch.

Để phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, ngành Y tế khuyến cáo người dân không chủ quan, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch, không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng, không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang.

Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.

Bài, ảnh: Tố Mai

Tin cùng chuyên mục