Không gục ngã

- “Chị tin rằng con người có số phận, nhưng chị cũng tin rằng con người có thể quyết định số phận của mình”, đó là chia sẻ của Nguyễn Bích Lan, người đã vượt lên số phận của mình một cách ngoạn mục.

Cuốn tự truyện “Không gục ngã” của tác giả không chỉ là câu chuyện kể về từng bước đi để vượt lên bệnh tật, nỗi đau thể xác và tinh thần để sống có ích, có ý nghĩa, mà còn góp phần truyền cảm hứng cho những ai đang khó khăn, đang chưa tìm được hướng đi trong cuộc sống. Sách được tái bản lần thứ 9, do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành năm 2021.

Người đọc bị cuốn theo câu chuyện cuộc đời của Nguyễn Bích Lan khi tác giả tự trả lời câu hỏi bản thân mình đã vượt lên bệnh tật như thế nào để trở thành dịch giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt, trong khi việc chị dùng tay để cầm một vật gì đó cũng khó và việc đi lại càng khó khăn hơn. Cuốn tự truyện gồm 2 phần, phần 1: Chuyện đời tôi; phần 2: Những chiêm nghiệm cuộc sống. Bích Lan cũng như bao đứa trẻ khác, được sinh ra ở một vùng quê thanh bình, thuộc tỉnh Thái Bình. Chị đã lớn lên khỏe mạnh, xinh xắn, vô tư, ham chơi đúng với lứa tuổi của mình. Nhưng mọi thứ dường như sụp đổ khi đến năm 13 tuổi, chị thấy mình sụt cân nhanh, bước chân không như bình thường nữa, thường xuyên bị ngã.

Thế rồi, đang là một trong những học sinh giỏi Văn của trường năng khiếu huyện, chị phải nghỉ học để đi chữa bệnh. Gia đình đã đưa chị đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để mong tìm ra và chữa trị căn bệnh quái ác chị đang mắc phải, nhưng đều không có câu trả lời. Những tưởng phải chết mòn với nỗi đau trong căn phòng nhỏ với bốn bức tường, nhưng chị đã tìm đến Tiếng Anh như một cơ duyên, từ quyển sách giáo khoa của người em trai. Từ đó, chị tự mày mò học Tiếng Anh để cảm thấy thời gian không trôi đi thật lâu, càng học, chị càng thấy thích thú với ngôn ngữ mới lạ này và tự mình học từ mới, ngữ pháp, luyện nói, luyện viết… Khi biết chị có vốn Tiếng Anh kha khá, một số học sinh trong làng đã xin đến học, bằng tất cả nhiệt huyết của mình, chị đã hướng dẫn, dạy bảo, giúp các em không còn sợ môn Tiếng Anh. Những lớp học được mở ra với cái tên đáng yêu lớp học Cây táo.

Cuối cùng, căn bệnh của chị đã được gọi tên “Bệnh loạn dưỡng cơ tiến triển”. Bệnh không có thuốc chữa, sức khỏe của chị ngày càng yếu không thể tiếp tục dạy học. Nhưng không đầu hàng số phận, không thể sống một ngày vô ích, chị tìm đến với việc dịch thuật, nhiều cuốn sách nguyên tác bằng Tiếng Anh đã được chị dịch thành công ngoài mong đợi, được độc giả đón nhận…

Tự truyện của Nguyễn Bích Lan là một hành trình chống chọi với bệnh tật, trong đó dù bóng tối bao quanh nhưng vẫn lóe lên ánh sáng của niềm tin và hy vọng. Đặc biệt, chính chị là người đã biến những hy vọng đó thành hiện thực đẹp đẽ. Nhận xét về cuốn tự truyện, Nhà báo Tạ Bích Loan đã viết: “Người ta vẫn nói giấc mơ chỉ là giấc mơ, chuyện cổ tích chỉ là chuyện cổ tích… nhưng trong câu chuyện của Bích Lan chuyện cổ tích đã trở thành hiện thực…”. Đó cũng chính là thông điệp sâu sắc và ý nghĩa, khi có ai đó trong cuộc sống này may mắn hơn nhưng chưa nỗ lực viết lên câu chuyện của chính mình.

Huyền Linh

Tin cùng chuyên mục