Không xếp loại học sinh theo 4 mức giỏi, khá, trung bình, yếu

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông, áp dụng từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6. Điểm mới đáng chú ý là quy định không xếp loại học sinh theo 4 mức: Giỏi, khá, trung bình, yếu.


Học sinh được đánh giá học lực theo 4 mức: Tốt, khá, đạt, chưa đạt. Ảnh minh họa

Thông tư quy định có hai hình thức đánh giá, gồm đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số. Các môn học áp dụng hình thức đánh giá bằng nhận xét gồm: Giáo dục thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật, nội dung giáo dục của địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Hình thức đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số được áp dụng đối với các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông còn lại. 

Việc đánh giá kết quả học kỳ, cả năm học đối với những môn học đánh giá bằng nhận xét được phân theo hai mức: Đạt, chưa đạt. 

Điểm mới trong Thông tư đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số, việc đánh giá kết quả học kỳ, cả năm học theo 4 mức: Tốt, khá, đạt, chưa đạt. Việc đánh giá học sinh không căn cứ theo điểm trung bình của tất cả các môn học như trước đây.

Để được xếp loại tốt, học sinh cần có tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức đạt; tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số có điểm trung bình môn học kỳ, trung bình môn cả năm đạt từ 6,5 điểm trở lên, trong đó, có ít nhất 6 môn học có điểm trung bình môn học kỳ, trung bình môn cả năm đạt từ 8,0 điểm trở lên. 

Thông tư cũng quy định rõ, việc đánh giá giữa kỳ và đánh giá cuối kỳ đối với học sinh được thực hiện qua bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính, qua bài thực hành, dự án học tập.

Theo lộ trình, từ năm học 2022-2023, Thông tư sẽ áp dụng đối với học sinh lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024, áp dụng đối với học sinh lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025, áp dụng đối với học sinh lớp 9 và lớp 12.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục