Đầu triều Nguyễn, do còn lo xếp đặt triều chính, xây dựng bộ máy hành chính từ Trung ương xuống đến các địa phương nên Gia Long ít quan tâm đến việc khai mỏ. Một nguyên nhân khác là do không có người khai thác nên nhiều trường mỏ phải đóng cửa và bỏ lệ thuế khoáng sản.
Sang thời Minh Mệnh, tình hình khai mỏ vẫn không được tiến triển. Năm 1820, lấy lý do là chủ mỏ và phu khoán xiêu tán, quan trấn Bắc Thành tâu xin, Minh Mệnh bèn miễn lệ thuế cho 7 mỏ vàng, đồng, kẽm, chì và diêm tiêu ở Bắc Thành, trong đó có mỏ chì Phúc Ninh ở Tuyên Quang.
Việc khai mỏ trở lại từ năm 1831 với sự kiện nhà Nguyễn cho khai mỏ diêm tiêu ở Nà Ngõa, mỏ chì ở làng Nho, huyện Đồng Hỷ, trấn Thái Nguyên.
Năm 1833, tại các tỉnh biên giới diễn ra cuộc nổi dậy của Nông Văn Vân khiến cho nhiều hoạt động kinh tế ở Tuyên Quang bị ngừng trệ, trong đó có nghề khai mỏ.
Từ năm 1802 đến năm 1851, tổng số mỏ từng được khai thác là 124 mỏ. Trong đó, các mỏ tập trung hầu hết ở các tỉnh Bắc Bộ (118 mỏ), nhiều nhất là tỉnh Thái Nguyên (38 mỏ), tiếp đến là Tuyên Quang (21 mỏ), Hưng Hóa (17 mỏ), Lạng Sơn (16 mỏ).
Phương thức khai thác mỏ khá đa dạng: Do Nhà nước trực tiếp quản lý, do Hoa kiều, do người Việt quản lý, do thổ tù miền núi lĩnh trưng.
Ở Tuyên Quang có mỏ Tiên Kiều thuộc quyền quản lý trực tiếp của Nhà nước. Trước đây, mỏ do tư nhân lĩnh trưng hằng năm nộp thuế 6 lạng vàng cốm. Năm 1831, chủ mỏ không chịu bán thêm vàng cho Nhà nước nên không được khai thác nữa.
Năm 1832, triều đình phái người đến điều động thổ binh và thuê Hoa kiều, người địa phương khai thác. Binh lính được trả lương gấp đôi. Còn người địa phương và Hoa kiều gọi chung là sa đinh trả tiền công mỗi ngày 2 tiền 20 đồng. Về sau, triều đình có quy định lại cứ trong 15 ngày, người nào lấy được 1 đồng cân 3 phân đến 1 đồng cân 9 phân thì được trả tiền công 3 quan, nếu không lấy đủ 1 đồng cân thì lần sau phải bù, nếu lấy quá 2 đồng cân thì được thưởng. Không rõ số nhân công và thời gian khai là bao nhiêu, nhưng kết quả trong năm 1832 chỉ lấy được 6 lạng 4 đồng cân vàng cốm.
Sang năm 1833, công trường khai mỏ Tiên Kiều được mở rộng thêm, số nhân công có lúc lên đến 3.122 người, trong đó gồm 1.820 lính và 1.302 phu mỏ làm thuê. Ngoài số lính đã có lương hằng tháng, riêng 1.302 phu mỏ thì hằng ngày phải trả tiền công hết 303 quan 8 tiền. Với số nhân công đông như vậy, mỗi ngày lấy được 11 lạng 5 đồng cân 7 phân vàng cốm. Nhưng số lượng nhân công ấy có lẽ không duy trì được thường xuyên. Từ ngày 1 đến ngày 28 tháng 6 âm lịch năm ấy, số nhân công chỉ còn 30 lính và 840 phu mỏ (tiền công mỗi ngày hết 196 quan), mỗi ngày lấy được 6 lạng 9 đồng cân 8 phân vàng cốm. Triều đình giao cho Tuần phủ Phạm Phổ trông nom công việc khai mỏ và quy định mỗi năm phải lấy được trên 100 lạng vàng. Nhưng có lẽ kết quả thu được không khả quan lắm, nên sang năm 1834 việc khai mỏ phải tạm ngừng.
Năm 1836, triều đình lại phái Lang trung Bộ hộ là Mai Nhật Trang tiếp tục mở trường khai mỏ Tiên Kiều. Lần này chỉ khoảng 100 nhân công, trong đó những phu mỏ Hoa kiều hay người địa phương được trả tiền công tương đối cao hơn (3 tiền mỗi ngày) còn dân phu thường chỉ trả 1 tiền 30 đồng. Nhưng số vàng lấy được rất ít.
Mỏ vàng Tiên Kiều vẫn tiếp tục được khai, nhưng quy mô ngày càng thu nhỏ lại. Theo lời tâu của Bộ hộ thì cho đến tháng 7-1839 số vàng lấy được hằng năm chỉ trên dưới 30 lạng và không tăng lên được. Năm 1839, số nhân công chỉ còn lại 70 người, kể cả 22 người mới mộ thêm, trong đó có 42 phu mỏ và 28 dân phu, chia làm 7 đội, mỗi đội có 6 phu mỏ và 4 dân phu. Theo quy định của Bộ hộ thì mỗi phu mỏ hằng tháng phải lấy từ 1 đồng cân 4 đến 1 đồng cân 6 vàng và tính ra mỗi đội hàng tháng phải lấy 1 lạng 7 đồng cân đến 2 lạng vàng. Đội nào không lấy đủ số quy định thì tháng sau phải đền bù và lấy quá thì thưởng. Nhưng từ tháng 9-1839 đến tháng 5-1840, số vàng lấy được còn ít hơn số quy định là 18 lạng. Vì vậy, đến năm 1850, triều đình phải bãi bỏ việc khai mỏ vàng Tiên Kiều và giao cho tư nhân lĩnh trưng mỗi năm nộp thuế 10 lạng vàng cốm.
Bên cạnh mỏ Tiên Kiều, các mỏ khác chủ yếu do các thổ tù lĩnh trưng và khai thác. Các thổ tù thường bắt dân địa phương đi khai thác rồi nộp một phần sản phẩm cho triều đình trung ương dưới hình thức cống nạp hay thuế hiện vật.
Chế độ lĩnh trưng đối với các thổ tù nói chung cũng giống như đối với thương nhân Hoa kiều. Riêng những thổ tù nào không đủ vốn để sản xuất thì Nhà nước có thể cho vay trước một số tiền rồi sau trả lại bằng sản phẩm tính theo giá quy định của Nhà nước. Ví dụ đối với mỏ đồng Tụ Long, trong thời gian Ma Sĩ Trạch lĩnh trưng thì số tiền vay trước của Nhà nước tính trả lại bằng đồng theo giá 100 cân là 28 quan tiền; những người lĩnh trưng sau đó, năm 1822 vay trước 15.000 quan tính trả lại 25.000 cân đồng đỏ khối, và năm 1823 vay trước 34.000 quan tính trả lại 100.000 cân đồng. Người lĩnh trưng cũng được gọi là chủ mỏ và thông thường cũng phải có người bảo lãnh.
Những mỏ do các thổ tù thiểu số lĩnh trưng cũng có những trường mỏ khá lớn, tập trung nhiều nhân công. Mỏ đồng Tụ Long có thể coi là một trường mỏ lớn nhất thuộc loại này. Mỏ này thuộc châu Vị Xuyên, thuộc Tuyên Quang1 là một mỏ đồng tương đối nổi tiếng ở nước ta thời Lê Mạt. Năm 1757, họ Trịnh cho thổ tù địa phương là Hoàng Văn Kỳ khai thác dưới sự kiểm soát của các quan biên trấn. Mỏ này có cả đồng và bạc xen lẫn, cho nên gọi là mỏ bạc. Bên cạnh đó, mỏ còn có đá nam châm hơn 20 khối nằm trong đất ở khu đất rộng hơn 1 mẫu. Theo Lê Quý Đôn, thì ở vùng Tụ Long có hai mỏ đồng: Na Ngọ và Bán Gia. Mỏ Na Ngọ có 26 cửa hầm (tàu môn) và hằng năm sản xuất 45 vạn cân đồng. Mỏ Bán Gia cũng có hàng vạn người làm thuê. Lê Quý Đôn mô tả mỏ Na Ngọ như sau: “Ở đây thế núi thấp và bằng, hai bên mở ra như cánh quạt, trên núi đá có 26 cửa hầm (tàu môn) là Phượng Hoàng, Thiên Nguyên, Tụ Bảo, Mậu Hưng... ở dưới là các nhà lò, hai bên có hào rãnh để tiêu nước; trên giữa núi có chùa Thọ Phật, miếu Quan Thánh, dưới là xưởng công, là phố xá, là chợ”2.
Lê Quý Đôn còn dẫn lời Nguyễn Văn Đối là người nhà của Hoàng Văn Đồng, em Hoàng Văn Kỳ, cho biết rằng cứ một vạn cân đồng có thể lọc lấy được 8 hốt, tức 80 lạng bạc, mức thuế của họ Trịnh quy định cho mỏ đồng Tụ Long là 800 cân đồng và 4 dật bạc (tức 40 lạng, 1 dật = 1 hốt = 10 lạng)3 mỗi năm trong khoảng thời gian từ năm 1757 đến năm 1772, và đến năm 1773 tăng lên 1 vạn cân đồng, còn bạc thì vẫn như cũ. Vào cuối thế kỷ XVIII, mỏ Tụ Long có thời gian bị hoang phế. Sang thế kỷ XIX, các thổ tù Hoàng Phong Bút, Ma Sĩ Trạch, Nguyễn Thế Nga, Nguyễn Thế Thự kế tiếp lĩnh trưng mỏ đồng này. Nhưng do cuộc nổi dậy của Hoàng Phong Bút vào năm 1808, nên mỏ cũng có một thời gian ngừng hoạt động từ năm 1810 đến năm 1814. Không có tài liệu nào ghi chép cụ thể về quy mô và cách thức khai thác của mỏ đồng Tụ Long, nhưng căn cứ vào mức thuế của triều đình thì nói chung đây là một trường mỏ lớn và trong khoảng đời Gia Long, Minh Mệnh công việc khai mỏ có chiều hướng phát triển. Trong đời Gia Long, mức thuế do Nhà nước quy định là 13.000 cân đồng và 40 lạng bạc; năm 1829, Minh Mệnh tăng thuế lên 80 lạng bạc, còn đồng vẫn như cũ.
Trong những trường mỏ do các thổ tù khai thác, cũng có hiện tượng thuê mướn nhân công khá phổ biến. Những nhân công này phần lớn là người thiểu số và một số Hoa kiều. Trong những tài liệu lịch sử vào cuối thời Lê đầu thời Nguyễn, thường thấy chép người Nùng hay đi khai mỏ và làm thuê. Vào nửa sau thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn cho biết rằng, người Hóa Thường tức là người Nùng Hóa Vi chép trong Cương mục, vốn là người Hồ Nam (Trung Quốc) rất thông thạo nghề tìm mỏ và khai mỏ vàng, bạc, sắt, đồng. Riêng ở mỏ đồng Tụ Long có đến 3.000-4.000 người Hóa Thường và ở vùng Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hưng Hóa cũng có một số. Đại Nam thực lục chính biên cũng chép dưới triều Nguyễn, người Nùng Lục Khu Lũng thường làm thuê cho phụ đạo. Năm 1821, Minh Mệnh giảm 50% thuế thân cho dân 11 trấn ở Bắc Thành, riêng người Nùng, người Mán, Hoa kiều, “người Nùng Lục Khu Lũng làm thuê cho phụ đạo” vốn không đóng thuế thân thì được giảm 50% số thuế đánh theo số người, số bếp hay số gia đình.
Thổ tù là những người thuộc tầng lớp thống trị vốn có nhiều thế lực và đặc quyền, đặc lợi ở vùng thiểu số, nhiều người trong số họ còn mang cả chức tước của triều đình. Ví dụ Ma Sĩ Trạch là một thổ tù lớn ở Chiêm Hóa, đồng thời giữ chức Tuyên úy sứ.
Trong những trường mỏ do thổ tù thiểu số lĩnh trưng cũng có một số phu mỏ người Hoa kiều. Nhưng căn cứ vào việc bồi thường số thuế thiếu của mỏ Tụ Long, thì thấy rằng những phu mỏ Hoa kiều phần lớn làm thuê trực tiếp cho những thương nhân Hoa kiều thuê lại một vài hầm mỏ do thổ tù lĩnh trưng. Nguyễn Thế Nga và Hoàng Kim Đỉnh lĩnh trưng mỏ Tụ Long thiếu 26.893 cân đồng thuế bị cách chức và không cho lĩnh trưng nữa. Sau đó, năm 1827, các quan ở Bắc Thành giao cho Nguyễn Thế Thự, là con Nguyễn Thế Nga lĩnh trưng và Thự cũng thiếu 26.893 cân đồng thuế. Năm 1828, triều đình sai tịch thu gia tài của người lĩnh trưng trước và sau, cùng với 28 người khách trưởng để bồi thường số thuế thiếu. Những người khách trưởng này là những Hoa kiều thuê lại một số hầmmỏ của người lĩnh trưng để khai, nên mới phải chịu trách nhiệm bồi thường một phần số thuế thiếu. Vào thời Lê mạt, cũng đã có những thương nhân Hoa kiều thuê một số hầm mỏ của viên quản giám, rồi bỏ tiền ra thuê phu mỏ - phần lớn là người trực tiếp tổ chức việc khai mỏ trong phạm vi những hầm mỏ đã thuê lại và là người trực tiếp bóc lột phu mỏ ở đó; còn quan hệ giữa khách trưởng với người lĩnh trưng thì cũng là một hình thức lĩnh trưng thu nhỏ lại trong phạm vi một mỏ mà thôi.
Những trường mỏ do thổ tù thiểu số lĩnh trưng ở Tuyên Quang vẫn còn nhiều và còn đóng một vai trò quan trọng trong ngành khai mỏ của nước ta. Nhưng phương thức khai thác trong những trường mỏ này vẫn bị trói buộc trong những quan hệ nô dịch tiền tư bản chủ nghĩa, thậm chí tiền phong kiến.
----------------------------------------------------
1. Mỏ này trước thuộc Tuyên Quang, vào thế kỷ XIX, sau khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã cùng với nhà Thanh vạch lại đường biên giới theo hiệp ước Thiên Tân và vùng Tụ Long bị sáp nhập vào phủ Khai Hóa.
2. Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1962, tr.413.
3. Xem Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Sđd, tr.413.
Gửi phản hồi
In bài viết