Chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng ở Nà Chì

21:37, 27/04/2025

BHG - Triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) không chỉ mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân xã Nà Chì (Xín Mần), mà còn tạo động lực bền vững trong công tác bảo vệ tài nguyên rừng, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển KT - XH địa phương.

Khu rừng nguyên sinh Thác Tiên - Đèo Gió với phần lõi thuộc thôn Ngam Lâm (xã Nấm Dẩn), phần còn lại chủ yếu tiếp giáp với xã Nà Chì trực tiếp là thôn Khâu Lầu và thôn Nà Lạn. Xã Nà Chì nằm trong khu vực có tỷ lệ che phủ rừng cao, với diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng khá lớn. Diện tích giao khoán bảo vệ hàng năm của thôn Khâu Lầu là 116 ha; thôn Nà Lạn 216,1 ha. Dân cư sống tiếp giáp với rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, có tập quán canh tác nông nghiệp và nương rẫy, chăn nuôi bán chăn thả. Trước đây, do đời sống khó khăn, một bộ phận người dân còn tham gia khai thác rừng trái phép hoặc lấn chiếm đất rừng để canh tác. Tuy nhiên, kể từ khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai, công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR) đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tổ bảo vệ rừng thôn Khâu Lầu tuần tra rừng.
Tổ bảo vệ rừng thôn Khâu Lầu tuần tra rừng.

Việc quản lý rừng được giao khoán về cộng đồng thôn, bản và được chi trả tiền DVMTR theo hàng năm. Trong năm 2024, tiền DVMTR được chi trả hơn 200 triệu đồng cho cộng đồng thôn. Bên cạnh đó, DVMTR chi trả đến các chủ rừng, người dân đã cải thiện rõ rệt về chất lượng, mức sống, đời sống, ý thức của người dân đối với diện tích rừng được giao khoán, chăm sóc và công tác BVR. Hàng năm, người dân nhận được tiền chi trả từ các nguồn sử dụng DVMTR. Nguồn thu nhập này giúp nhiều hộ dân cải thiện đời sống, có thêm vốn để đầu tư vào sản xuất, phát triển chăn nuôi, trồng trọt và từng bước thoát nghèo.

Ông Hoàng Mạnh Tài, trú tại thôn Khâu Lầu, chia sẻ: Gia đình tôi được giao bảo vệ gần 5 ha rừng. Mỗi năm, chúng tôi đều nhận được tiền chi trả của DVMTR. Số tiền tuy không lớn nhưng đều đặn và ổn định. Đó cũng là nguồn động viên để người dân chúng tôi có thêm động lực để BVR, tránh những tác động của con người gây ảnh hưởng đến rừng.

Ngoài lợi ích kinh tế, chính sách chi trả DVMTR còn giúp nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý, BVR. Thông qua các tổ, đội quản lý rừng cộng đồng, người dân được phân công tuần tra, giám sát và báo cáo kịp thời các hành vi xâm hại rừng. Nhiều thôn, bản chủ động xây dựng quy ước BVR, xử phạt các hành vi vi phạm, đồng thời tổ chức họp dân để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lâm nghiệp. Anh Hoàng Văn Tuất, trưởng thôn Khâu Lầu chia sẻ: Toàn thôn Khâu Lầu có 72 hộ, trong đó có 19 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo. Hầu hết các hộ dân đều có diện tích rừng được giao khoán. Công tác quản lý, BVR được tổ chức phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm trên địa bàn. Thôn thường xuyên tuyên truyền cho các hộ dân về nội dung không chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác, công tác phòng, chống cháy rừng mùa hanh khô… Ngoài ra, thôn cũng thành lập 2 tổ tuần rừng, mỗi tổ 6 thành viên và thực hiện tuần tra theo quý.

Phó Chủ tịch UBND xã Nà Chì Lù Văn Luyện cho biết: Việc chi trả DVMTR do Bưu điện huyện thực hiện chi trả trực tiếp cho hộ dân có diện tích rừng được giao khoán. Thời gian qua, chính sách chi trả DVMTR đã phát huy hiệu quả rõ rệt tại địa phương. Tỷ lệ diện tích rừng được bảo vệ an toàn ngày càng tăng, nhiều năm nay trên địa bàn không xảy ra các vụ vi phạm liên quan đến rừng. Đặc biệt, người dân không còn thờ ơ mà chủ động phối hợp cùng chính quyền trong việc BVR, phòng cháy, chữa cháy rừng. UBND xã thành lập các tổ BVR, phòng cháy, chữa cháy rừng do Thường trực UBND xã làm tổ trưởng; thôn bản thành lập tổ BVR thành phần là chủ rừng, dân quân, tổ bảo vệ an ninh của thôn tiến hành kiểm tra, tuần tra rừng theo hàng tháng, quý hoặc đột xuất.

Bài, ảnh: Văn Long


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh: Hiện thực hóa Nghị quyết 11 bằng hành động cụ thể
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Hầu A Lềnh chia sẻ với Báo Công Thương về hiện thực hóa Nghị quyết 11 bằng hành động thực chất cho người dân.
26/04/2025
Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ
BHG - Khẳng định vai trò “trụ cột” nền kinh tế của tỉnh, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đang tháo gỡ khó khăn để phát triển bền vững theo hướng hữu cơ, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
25/04/2025
Ngam La với các mô hình kinh tế mới
BHG - Tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, xã Ngam La (Yên Minh) đã tích cực triển khai các mô hình mới. Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, giải quyết việc làm, tạo tiền đề hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
24/04/2025
Ba chương trình - một mục tiêu phát triển ở Vị Xuyên
BHG - Ba mũi nhọn chính sách với nguồn lực lớn cùng hướng đến một mục tiêu chung là xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, hạ tầng đồng bộ, phát triển KT - XH toàn diện, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm nghèo bền vững. Sau gần 4 năm quyết liệt triển khai thực hiện, 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đang mang lại diện mạo mới ở Vị Xuyên.
23/04/2025