Điểm sáng giữ rừng ở Lao Chải

12:24, 20/06/2025

BHG - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã trở thành giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao công tác quản lý và phát triển rừng, cải thiện sinh kế cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Lao Chải (Vị Xuyên).

Thôn Bản Phùng có diện tích rừng tự nhiên lớn và là nơi đầu tiên xây dựng, duy trì, vận hành hiệu quả mô hình tổ bảo vệ rừng cộng đồng. Mỗi năm, diện tích rừng và số tiền hưởng lợi từ chính sách DVMTR đều tăng lên đáng kể. Năm 2025, thôn có 735 ha rừng được cung ứng DVMTR với số tiền đã chi trả lên đến hơn 400 triệu đồng. Đây là mức chi trả cao nhất trong 4 thôn của xã Lao Chải. Tổ bảo vệ rừng cộng đồng của thôn hiện có 6 thành viên, họ là những người giàu uy tín, am hiểu địa bàn, gắn bó với rừng nhiều năm. Thường các thành viên được chia làm 2 tốp, phân công luân phiên thực hiện nhiệm vụ tuần tra rừng theo lịch cố định và đột xuất, đặc biệt là vào mùa khô hanh, nắng nóng, thời điểm có nguy cơ cháy rừng cao.

Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Bản Phùng, xã Lao Chải cùng Ban Quản lý rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh đi tuần tra rừng.

Anh Vàng Chí Dình chia sẻ: “Với suy nghĩ, giữ rừng không phải là chuyện của riêng ai, mà là trách nhiệm của tất cả người dân, nhất là những người đang sống nhờ rừng, uống nước từ mạch suối rừng và làm nương, cấy lúa dưới chân rừng, nên tôi đã tích cực cùng các thành viên tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Bản Phùng đi tuần rừng. Đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con nêu cao ý thức bảo vệ rừng, kiên quyết phản đối hành vi chặt phá, đốt nương sai quy định, phối hợp kịp thời với chính quyền khi có tình huống bất thường xảy ra trong khu rừng được giao quản lý. Có những chuyến tuần rừng ở khu vực rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh kéo dài 4 ngày, chúng tôi hay mang theo gạo, cá mắm, muối, đèn pin để ở lại trên chốt. Do địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, vào mùa Đông nhiệt độ xuống thấp, băng tuyết bao phủ, mặc áo bông không đủ ấm, buổi tối anh, em không thể ngủ được nhưng chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng giữ rừng mãi xanh tươi”.

Cũng theo anh Dình, nhờ sự đồng thuận cao của người dân và cách làm công khai, minh bạch trong quản lý nguồn tiền chi trả DVMTR, các khoản kinh phí đã được thôn sử dụng theo quy định. Trong đó, đảm bảo ngày công cho tổ bảo vệ rừng; mua sắm các dụng cụ thiết yếu phục vụ công tác tuần tra; trích một phần sửa chữa đường giao thông, làm đường tuần rừng, nâng cấp nhà văn hóa thôn, hỗ trợ tổ chức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho người dân. Nhờ đó, bà con luôn tin tưởng, sẵn sàng góp công, góp sức khi tổ bảo vệ rừng cần thêm sự hỗ trợ tham gia các hoạt động giữ rừng, phát đường băng cản lửa phòng, chống cháy rừng.

Người dân thôn Bản Phùng, xã Lao Chải phát đường băng cản lửa khu rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh để phòng, chống cháy rừng.
Người dân thôn Bản Phùng, xã Lao Chải phát đường băng cản lửa khu rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh để phòng, chống cháy rừng.

Đồng chí Nguyễn Văn Thiết, Phó Chủ tịch UBND xã Lao Chải cho biết: Toàn xã có hơn 1.600 ha rừng được thực hiện chính sách DVMTR, chiếm một nửa so với tổng diện tích rừng hiện có. Năm 2025, tổng số tiền được chi trả là hơn 979 triệu đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Toàn bộ diện tích rừng nhận tiền DVMTR do cộng đồng các thôn quản lý.

Qua nhiều năm, việc thực hiện chính sách DVMTR gắn với nêu cao ý thức, trách nhiệm, hành động của cộng đồng dân cư trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, xã Lao Chải đã không để xảy ra các hành vi vi phạm đến rừng. Rừng được coi là vốn quý, không chỉ mang lại sinh kế, tăng thu nhập, mà còn giữ gìn hệ sinh thái, tạo sự phát triển hài hòa, gắn kết giữa con người với thiên nhiên.

Bài, ảnh: MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhịp sống mới ở Tùng Bá
BHG - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, nhưng với quyết tâm, đổi mới, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân, xã Tùng Bá (Vị Xuyên) hôm nay đã khoác lên mình diện mạo no ấm, là một trong những địa phương luôn dẫn đầu các phong trào thi đua của huyện.
18/06/2025
Sao OCOP “sáng” trên vùng khó Đức Xuân
BHG - Khơi dậy tiềm năng, xã Đức Xuân (Bắc Quang) đã tập trung đẩy mạnh lợi thế phát triển cây chè Shan tuyết thành cây trồng chủ lực, đưa sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP, mở ra hướng đi bền vững trong phát triển kinh tế địa phương.
18/06/2025
Thêm động lực giữ rừng ở Yên Minh
BHG - Từ những cánh rừng nguyên sinh dọc biên giới đến rừng phòng hộ đầu nguồn tại huyện Yên Minh đang được bảo vệ nhờ sự vào cuộc của cộng đồng và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Đó là nguồn lực góp phần cải thiện sinh kế, tạo động lực để người dân đồng hành gắn bó với công tác bảo vệ rừng.
18/06/2025
Liên Hiệp giữ vững, nâng cao chất lượng Nông thôn mới
BHG - Xác định xây dựng Nông thôn mới (NTM) là hướng đi bền vững, hiệu quả, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KT-XH, những năm qua, xã Liên Hiệp (Bắc Quang) tập trung huy động nguồn lực, phát huy tinh thần đoàn kết của Nhân dân để nâng cao chất lượng các tiêu chí với quan điểm xuyên suốt “Xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu dân sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
17/06/2025