Nghị quyết 68 – Động lực quan trọng để doanh nghiệp bứt phá

12:02, 24/06/2025

BHG - Tại Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh thông điệp mang tính chiến lược: “Kinh tế tư nhân không chỉ là một bộ phận của nền kinh tế, mà cần trở thành một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”.

Thông điệp này không chỉ khẳng định vai trò ngày càng lớn của khu vực kinh tế tư nhân mà còn mở ra cơ hội phát triển vượt bậc trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Đây được xem là thời điểm vàng để cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung, doanh nghiệp trong tỉnh nói riêng phát huy nội lực, tăng tốc đổi mới theo hướng hiện đại và bền vững.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh quán triệt, triển khai Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh quán triệt, triển khai Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Được thành lập từ năm 2000 tại huyện Xín Mần, Công ty TNHH – Tổng Công ty Gia Long là một trong những doanh nghiệp tiên phong hoạt động đa ngành, từ nông nghiệp, thương mại đến du lịch. Với doanh thu bình quân đạt khoảng 100 tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm ổn định cho trên 150 lao động, công ty đã khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương.

Trước những cơ hội mà Nghị quyết 68 mang lại, bà Nguyễn Thị Lan Dung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH – Tổng Công ty Gia Long, bày tỏ sự kỳ vọng: “Chúng tôi thực sự trông đợi vào các chính sách hỗ trợ cụ thể từ Nghị quyết 68, như miễn, giảm thuế, hỗ trợ đất đai, thành lập quỹ phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là những cú hích cần thiết để doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm, đầu tư vào những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Bà Dung cũng chia sẻ thẳng thắn về những vướng mắc mà doanh nghiệp từng gặp phải: “Thời gian qua, doanh nghiệp chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, chi phí vận hành và rào cản pháp lý. Nếu các cấp chính quyền quyết liệt trong thực hiện mục tiêu cắt giảm thời gian xử lý thủ tục, chi phí và điều kiện kinh doanh như mục tiêu đặt ra đến năm 2025, thì đó sẽ là cú hích thực sự cho cộng đồng doanh nghiệp”.

Cùng chung kỳ vọng, ông Trương Việt Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đức Minh – đơn vị quản lý Bệnh viện Đa khoa Đức Minh đánh giá cao tác động tích cực từ Nghị quyết 68 đối với hệ thống doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực y tế vốn đang rất cần được xã hội hóa: “Hà Giang hiện có gần 4.400 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 38.000 tỷ đồng. Với việc triển khai Nghị quyết 68 một cách bài bản và quyết liệt, chúng tôi tin tưởng rằng đây sẽ là luồng sinh khí mới, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo. Các chính sách thiết thực sẽ giúp doanh nghiệp như chúng tôi có thêm điều kiện để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân”.

Ông Việt Anh cũng đề cập đến tính đặc thù của doanh nghiệp y tế: “Chúng tôi rất mong cơ chế chính sách hỗ trợ sẽ được cụ thể hóa nhanh, đặc biệt trong việc tiếp cận vốn ưu đãi, cải cách thủ tục đầu tư trang thiết bị y tế và xây dựng cơ sở hạ tầng, để ngành Y tế tư nhân thực sự trở thành cánh tay nối dài của hệ thống y tế công lập”.

Với vai trò là “cầu nối” giữa doanh nghiệp và chính quyền, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Giang đánh giá cao định hướng phát triển kinh tế tư nhân được thể hiện rõ trong Nghị quyết 68: “Hành trình bứt phá của doanh nghiệp Hà Giang đã chính thức bắt đầu. Những chính sách hỗ trợ sát sườn, cụ thể và thiết thực sẽ là chất xúc tác quan trọng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể - vốn đang chiếm tỷ trọng lớn tại tỉnh”. Ông Thắng cũng nhấn mạnh vai trò của địa phương trong việc hiện thực hóa các chính sách: “Chúng tôi đề xuất các cấp chính quyền địa phương cần đồng hành sát sao hơn nữa với doanh nghiệp. Việc thiết lập cơ chế một cửa, thúc đẩy chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, công nghệ mới… sẽ là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp phát triển bền vững”.

Nghị quyết số 68-NQ/TW không chỉ là “kim chỉ nam” trong việc phát triển kinh tế tư nhân mà còn là lời hiệu triệu hành động cho toàn bộ hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các cấp chính quyền địa phương. Nếu được thực thi một cách thực chất và đồng bộ, đây sẽ là bước ngoặt lớn để doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Hà Giang nói riêng vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên phát triển mới.

 Bài, ảnh:  VĂN NGHỊ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lấy khách hàng là trung tâm – nâng tầm chất lượng dịch vụ
BHG -  Đó là chiến lược trọng tâm được Agribank Chi nhánh huyện Yên Minh tập trung triển khai thời gian qua nhằm tạo bước chuyển mình mạnh mẽ, đổi mới phương thức phục vụ, hiện đại hóa và ngày càng đến gần hơn với khách hàng.
24/06/2025
Đẩy mạnh huy động vốn, tăng dư nợ an toàn, hiệu quả
BHG - Huy động vốn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, từ đầu năm Agribank Đồng Văn đã triển khai nhiều chương trình nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ khách hàng. Qua đó, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, đáp ứng tốt nhu cầu giao dịch của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
24/06/2025
Cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm 66,5%/tổng dư nợ toàn tỉnh
BHG - Trong 6 tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã bám sát chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước và tình hình KT-XH của tỉnh. Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tiếp tục phát triển ổn định, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đã góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chung của ngành và các mục tiêu phát triển KT – XH của khu vực...
22/06/2025
Điểm sáng giữ rừng ở Lao Chải
BHG - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã trở thành giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao công tác quản lý và phát triển rừng, cải thiện sinh kế cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Lao Chải (Vị Xuyên).
20/06/2025