Nâng cao giá trị sản phẩm thịt bò vàng Cao nguyên đá

09:12, 23/07/2025

Bò vàng được xác định là sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc trưng của vùng cao. Những năm qua, nhờ các chính sách hỗ trợ đúng hướng, sản phẩm bò vàng đang được nâng cao giá trị trên thị trường.

Trang trại chăn nuôi bò vàng của Hợp tác xã Cát lý ở thôn Mịch B, xã Thuận Hòa.
Trang trại chăn nuôi bò vàng của Hợp tác xã Cát lý ở thôn Mịch B, xã Thuận Hòa.

Các chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa theo chuỗi giá trị đã xác định việc xây dựng, nâng cấp chuỗi giá trị bò vàng theo hướng an toàn sinh học, là giải pháp quan trọng để khẳng định sản phẩm thịt bò vàng Cao nguyên đá trên thị trường.

Hiện nay, tổng đàn bò ở các xã vùng cao là 100.500 con với sản lượng thịt hơi xuất chuồng hơn 2.500 tấn mỗi năm. Điều làm nên giá trị đặc trưng của sản phẩm thịt bò vàng là chất lượng thơm ngon và giá trị văn hóa lâu đời được Bộ Nông nghiệp và Môi trường bình chọn, đưa vào danh sách bảo tồn. Đây cũng là lý do Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận “chỉ dẫn địa lý” cho thịt bò H’Mông vào năm 2019, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng thương hiệu và từng bước giúp các hộ chăn nuôi thoát nghèo bền vững.

Để phát huy giá trị của bò vàng, Hợp tác xã (HTX) Cát Lý ở thôn Mịch B, xã Thuận Hòa là một trong những đơn vị tiên phong trong việc quảng bá, đưa thịt bò tươi và thịt bò sấy khô đến các siêu thị, nhà hàng ở các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng... Anh Thượng Thái Cát, Giám đốc HTX Cát Lý cho biết: “Hiện nay HTX đang liên kết với các hộ chăn nuôi ở địa bàn các xã vùng Cao nguyên đá như Đồng Văn, Thài Phìn Tủng, Yên Minh, Bắc Mê, Minh Ngọc, Minh Sơn… để thực hiện quy trình chăn nuôi sạch và cung cấp các sản phẩm từ thịt bò vàng đến thị trường trong nước. Mỗi năm, HTX xuất bán khoảng 54.700 kg thịt với ba dòng sản phẩm có giá bán dao động từ 350 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/kg. Ngoài thịt tươi, HTX còn chế biến thịt bò khô, mở nhà hàng chuyên về thịt bò phục vụ du khách”.

Chị Nguyễn Huyền Trang, chủ Nhà hàng Quán Kiến, thành phố Hà Nội cho biết: “Từ ngày tôi mang thịt bò H’Mông về quán, khách hàng của tôi rất ưa thích và hầu như đến với quán là nhớ đến thịt bò vàng, số lượng khách chọn món thịt bò vàng rất đông. Tôi thấy giá cả của thịt bò rất hợp lý, chất lượng thịt mềm và ngọt hơn so các sản phẩm nhập ngoại, vì đây là sản phẩm tươi, không qua đông lạnh”.

Không chỉ có HTX Cát Lý, ở vùng Cao nguyên đá đã có 13 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm thịt bò dưới nhiều hình thức khác nhau. Từ đó, tạo động lực để người chăn nuôi mở rộng quy mô, đưa tổng đàn bò vàng của tỉnh không ngừng tăng lên, sản phẩm bò vàng được nâng cao giá trị, từng bước tạo dựng thương hiệu trên thị trường.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được từ việc xây dựng thương hiệu bò vàng, quá trình này vẫn còn khó khăn, thách thức. Điển hình như các hộ chăn nuôi chưa có ý thức về việc phát triển thương hiệu; quá trình làm giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ thịt bò còn gặp khó khăn; chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn, có chiến lược, kế hoạch đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi, chế biến sản phẩm thịt bò, tạo ra chuỗi giá trị thịt bò mang thương hiệu mạnh, bền vững...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, đồng chí Trịnh Văn Bình cho biết: Sau khi đã xác định được vùng chăn nuôi bò theo chỉ dẫn địa lý, ngành đã hướng dẫn các địa phương phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Để xây dựng được thương hiệu bò vàng trên thị trường thì việc xúc tiến thương mại rất quan trọng, do đó ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, HTX, doanh nghiệp để tổ chức xúc tiến thương mại và đưa hình ảnh bò vàng đến gần hơn với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng cần có sự chủ động của người dân để từng bước đưa bò vàng trở thành một thương hiệu có giá trị cao.

Bài, ảnh: Lê Hải


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thách thức khi giá vật liệu tăng cao
Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) là một trong những công trình giao thông trọng điểm, góp phần kết nối vùng miền núi phía Bắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng. Tuy nhiên, giá vật liệu xây dựng tăng cao đã trở thành một thách thức lớn, đòi hỏi các nhà thầu vận dụng linh hoạt các giải pháp để thi công, đảm bảo tiến độ.
23/07/2025
Gạo tẻ Già Dui Xín Mần
Gạo tẻ Già Dui Xín Mần được xếp vào hàng đặc sản. Đây là một trong những sản phẩm gạo đặc trưng của các tỉnh miền núi cực Bắc, hàng năm cung cấp cho thị trường hàng nghìn tấn gạo thương phẩm. Sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao.
22/07/2025
Giữ vững các tiêu chí nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao là một chương trình trọng điểm, đòi hỏi sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Vì vậy, thành quả đạt được ở mỗi địa phương đều có sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, chung sức, đồng lòng của Nhân dân.
22/07/2025
Thu thập đúng, đủ thông tin
Cuộc Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn đang được triển khai trên phạm vi cả nước, trong đó có Tuyên Quang.
22/07/2025