Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất kinh doanh
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh đang từng bước tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa quy trình, tăng cường năng lực cạnh tranh. Với sự hỗ trợ từ Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang và các chính sách khuyến khích chuyển đổi số, AI đang trở thành “chìa khóa” để các doanh nghiệp địa phương vươn lên trong kỷ nguyên số.
Hiệu quả ứng dụng AI vào sản xuất
Nhà máy Gạch Tuynel chất lượng cao Tuyên Quang của Công ty cổ phần Gạch Tuynel Viên Châu là một trong những nhà máy tiên phong tại Việt Nam ứng dụng công nghệ tự động hóa hoàn toàn. Dây chuyền sản xuất được nhập khẩu từ các nước công nghiệp phát triển, sử dụng hệ thống robot xếp gạch tự động và công nghệ lò đĩa hiện đại, đảm bảo quy trình khép kín từ khâu xử lý nguyên liệu, tạo hình, xếp mộc đến ra thành phẩm; vì thế Nhà máy đạt công suất 35 - 40 vạn viên gạch/ngày; gạch làm từ đất đồi được nghiền mịn (kích thước 0,15-5mm), ủ trong 150 giờ, tăng độ dẻo và kết dính, tạo ra sản phẩm gạch tuynel chất lượng cao, vượt tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam, đáp ứng nhu cầu xây dựng đa dạng các công trình; hệ thống xử lý khí thải tận thu toàn bộ nhiệt và khí, giảm thiểu ô nhiễm, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn và sản xuất xanh. Việc ứng dụng tự động hóa không chỉ tối ưu hóa quy trình sản xuất mà còn giảm thiểu sức lao động, đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả kinh tế. Đây là minh chứng cho sự phù hợp của công ty với xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng.
![]() |
Công ty cổ phần Gạch Tuynel Viên Châu sử dụng hệ thống robot xếp gạch tự động. |
Ông Nguyễn Phương Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gạch Tuynel Viên Châu cho biết: “Ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất kết hợp với AI hỗ trợ quá trình xử lý công việc văn phòng đã giúp công ty giảm 50% thời gian, công sức giải quyết công việc hằng ngày, giảm áp lực cho người lao động, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh”.
Nâng cao hiệu suất quản lý và tối ưu vận hành, Công ty cổ phần Giấy An Hòa đã tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động văn phòng như xử lý văn bản, quản lý dữ liệu, phân tích báo cáo và tự động hóa quy trình nội bộ. Ông Hoàng Minh Sơn, Giám đốc Hành chính, nhân sự Công ty cổ phần Giấy An Hòa khẳng định: Các nền tảng AI đang giúp nhân viên giảm tải công việc thủ công, rút ngắn thời gian xử lý, tăng độ chính xác trong quản trị. Đồng thời, hệ thống chatbot AI nội bộ cũng được đưa vào sử dụng nhằm hỗ trợ giải đáp thông tin tức thì, nâng cao trải nghiệm làm việc. Đây là bước đi quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số của Giấy An Hòa, khẳng định cam kết tiên phong đổi mới công nghệ, hướng tới mô hình doanh nghiệp thông minh - linh hoạt - hiệu quả trong thời đại số.
Với tầm nhìn đổi mới và tinh thần tiên phong công nghệ, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Bất động sản BVN, trụ sở tại phường Hà Giang 2 đã mạnh dạn ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quy trình thiết kế kiến trúc. Ông Vũ Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty khẳng định: “Nhờ tích hợp AI, BVN không chỉ tối ưu hóa thời gian thiết kế mà còn tạo nên hàng loạt mẫu nhà độc đáo, sáng tạo, phù hợp với xu hướng sống hiện đại. Công nghệ AI giúp BVN phân tích xu hướng kiến trúc toàn cầu, thói quen sinh hoạt của người dùng, từ đó đưa ra những bản vẽ tối ưu về thẩm mỹ, công năng và tiết kiệm chi phí xây dựng. Những thiết kế này mang phong cách riêng biệt, hài hòa với cảnh quan và tối ưu hóa không gian sống - điều vốn đòi hỏi nhiều năm kinh nghiệm trong ngành kiến trúc truyền thống”.
Việc áp dụng AI đã góp phần nâng cao vị thế của BVN trong thị trường bất động sản - xây dựng, đồng thời mở ra hướng phát triển bền vững, bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hiệp hội Doanh nghiệp dẫn dắt xu hướng chuyển đổi số
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã tiên phong trong việc phổ cập kiến thức về AI thông qua các chương trình đào tạo miễn phí. Một sự kiện nổi bật là lớp tập huấn AI đầu tiên được tổ chức tại Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang, thu hút gần 70 học viên từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Hữu Thập, các học viên được hướng dẫn chi tiết cách sử dụng các công cụ AI phổ biến để tự động hóa báo cáo, phân tích dữ liệu, quản lý khách hàng và lập kế hoạch sản xuất. Ông Thập nhấn mạnh: “AI không chỉ dành cho các tập đoàn lớn, mà bất kỳ doanh nghiệp nào tại Tuyên Quang cũng có thể ứng dụng để phát triển bền vững”.
![]() |
Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh hướng dẫn các thành viên sử dụng AI trong xử lý văn bản. |
Hiệp hội đang mở rộng các lớp tập huấn đến các tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tiếp cận công nghệ. Đây là bước đi chiến lược nhằm đổi mới tư duy quản trị, tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, từ đó giúp doanh nghiệp địa phương bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số toàn cầu.
Theo ông Lê Văn Quyền, Giám đốc Công ty TNHH Long Thắng, xã Sơn Thủy chia sẻ: Mặc dù AI mang lại nhiều lợi ích, các doanh nghiệp và hợp tác xã tại Tuyên Quang vẫn đối mặt với một số thách thức. Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu đội ngũ chuyên trách về AI hoặc hạ tầng công nghệ đủ mạnh để triển khai các giải pháp AI. Ngoài ra, hệ thống dữ liệu phân tán và chất lượng thấp cũng là rào cản lớn trong việc tích hợp AI vào các quy trình sản xuất cũ.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế, Tuyên Quang đang có cơ hội lớn để vượt qua những thách thức này. Nghị định số 182/2024/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 31/12/2024, cho phép hỗ trợ lên đến 50% chi phí đầu tư ban đầu cho các dự án nghiên cứu và phát triển AI, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương tiếp cận công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, sự hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới và các chương trình đào tạo từ các tổ chức như Google châu Á đang giúp nâng cao năng lực số cho doanh nghiệp và hợp tác xã tại Tuyên Quang.
Trong tương lai, tỉnh đặt mục tiêu trở thành một trong những địa phương điển hình về phát triển kinh tế số và ứng dụng công nghệ cao. Với sự đồng hành của Hiệp hội Doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, các doanh nghiệp và hợp tác xã của tỉnh đang từng bước khẳng định vị thế, sẵn sàng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuyên Quang đang chứng minh rằng, với tư duy đổi mới và hành động quyết liệt, AI không chỉ là công cụ của các “ông lớn” mà còn là cơ hội vàng cho mọi doanh nghiệp và hợp tác xã, bất kể quy mô, để vươn xa trong kỷ nguyên số.
Bài, ảnh: Trang Tâm
Ý kiến bạn đọc