Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập cơ quan công tác Dân tộc - Tôn giáo

- Chiều 28-4, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập cơ quan công tác Dân tộc - Tôn giáo (17/3/2005-17/3/2025) và kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống cơ quan công tác dân tộc (3/5/1946-3/5/2025).

 Các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Quang Hòa

Dự chương trình có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh: Lê Thị Thanh Trà, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ma Thị Thúy,  Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo Vụ Tuyên truyền công tác dân tộc, tôn giáo (Bộ Dân tộc và Tôn giáo); lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố; nguyên lãnh đạo công tác dân tộc qua các thời kỳ.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh. Ảnh: Quang Hòa

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của địa phương, ngày 17 -3 - 2005, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định thành lập Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh. Tháng 4 năm 2008, chức năng, nhiệm vụ và bộ phận Tôn giáo của Ban Dân tộc và Tôn giáo chuyển sang Sở Nội vụ, Ban Dân tộc và Tôn giáo được đổi tên thành Ban Dân tộc. Tháng 2 năm 2025, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Tuyên Quang được thành lập trên cơ sở Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang và tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng của Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Quang Hòa

Những năm qua, cấp ủy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai các nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và tôn giáo. Từ các Chương trình 135 giai đoạn II, Chương trình 30a, Chương trình giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi và các cơ chế chính sách của tỉnh đã hỗ trợ, đầu tư xây dựng hàng nghìn công trình hạ tầng điện, đường, trường, trạm tại vùng ĐBDTTS.

Đặc biệt, triển khai thực hiện Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có 4.636 hộ nghèo được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở, đạt hơn 120% kế hoạch, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 600 tỷ đồng.  

Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai ở vùng ĐBDTTS và miền núi. Các chính sách hỗ trợ về nông lâm nghiệp của Trung ương, của tỉnh đã phát huy hiệu quả. Công tác trồng, chăm sóc bảo vệ rừng nâng cao thu nhập cho người dân được đặc biệt quan tâm, qua đó đã góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh lên trên 65%.

Đại diện Bộ Dân tộc và Tôn giáo chúc mừng Sở Dân tộc và Tôn giáo Tuyên Quang. Ảnh: Quang Hòa

Các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển văn hóa, thể thao vùng ĐBDTTS tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng DTTS và miền núi tiếp tục được tỉnh quan tâm triển khai, mạng lưới y tế được củng cố, các bệnh viện tuyến tỉnh và một số bệnh viện tuyến huyện được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, triển khai một số kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị.

Công tác tôn giáo, tín ngưỡng được quan tâm. Sở Dân tộc và Tôn giáo thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các chính sách về tôn giáo, tín ngưỡng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích trong công tác tôn giáo, dân tộc. Ảnh: Quang Hòa

Các chương trình, chính sách dân tộc, tôn giáo được triển khai tại tỉnh đã phát huy được hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo ĐBDTTS giảm bình quân 5%/năm. Đến nay, đã có 20/50 xã thoát ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Dự kiến đến hết năm 2025, hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ 50% số xã và 50% số thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của tập thể, cá nhân làm công tác dân tộc, tôn giáo qua các thời kỳ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc, tôn giáo. Ảnh: Quang Hòa

Đồng chí đề nghị các cấp, các ngành, đặc biệt là cơ quan công tác dân tộc, tôn giáo tiếp tục, tuyên truyền phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và tôn giáo; quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; triển khai công tác chuyển đối số trong triển khai nhiệm vụ về dân tộc và tôn giáo trong tình hình mới; giữ vững và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia…

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Lý Thu

Tin cùng chuyên mục