Làm báo thời ti-po
Năm 1980, tôi được nhận về công tác tại Báo Hà Tuyên. Đó là một bước ngoặt cuộc đời, vì chuyên môn chính của tôi được đào tạo là họa sỹ. Hành trang tôi mang theo khi nhận công tác là một chiếc cặp may bằng vải bạt mà bố tôi thường dùng đựng sổ sách khi làm chủ nhiệm HTX. Trong cặp chỉ có 2 bộ quần áo, còn lại là đồ nghề (bút lông, hộp màu, dao trổ và vài mẩu bút chì). Sau này chỉ có bút chì, dao trổ mới được dùng đến, còn bút lông, bột màu thì …
Với tôi, nghề làm báo bắt đầu từ công việc đếm chữ. Công nghệ in ti-po có một nguyên tắc, phải đếm số từ của mỗi tác phẩm một cách chính xác, để bố trí vào các trang báo. Đôi khi thừa chỉ một hai từ cũng phải cắt bỏ, không thể chèn vào cột báo được. Bởi các con chữ đúc bằng chì kẽm, không thể phóng to hay thu nhỏ như công nghệ chế bản in offet hiện nay. Việc trình bày mặt báo hồi đó chẳng khác vẽ kỹ thuật là mấy. Dụng cụ cần là thước kẻ. Thiết kế hình thức trang báo với các cột chữ cỡ 8, cỡ 10 hoặc cỡ 12 là tùy thuộc vào ý đồ trình bày của họa sỹ. Nhưng nhiều khi họa sỹ phải theo chỉ đạo của phòng thư ký, thậm chí là ý kiến của công nhân nhà in.
Hồi đó, khái niệm in màu còn rất mơ hồ. Nhất là ảnh thì chỉ có đen trắng. Ảnh chụp bằng phim đen trắng, rồi phóng thành ảnh sau đó đem về Hà Nội (nhà máy in Tiến Bộ) để làm bản kẽm. Trước khi làm kẽm, phải đo, cắt ảnh sao cho vừa 2 cột báo hay 3 cột báo. Nhưng để mặt báo sinh động, ảnh cũng cần có cái ngang, cái dọc. Nhưng khổ nỗi, không phải lúc nào ảnh cũng vừa vặn 2 cột, 3 cột. Nhiều ảnh phải để 2 cột rưỡi hoặc một cột rưỡi. Thế là dở dang cột chữ, nên chú thích phải để bên cạnh thay vì đề dưới ảnh. Công nhân nhà in ngại nhất là phải xếp chú thích ảnh kiểu đó.
Việc theo dõi in là một quá trình vô cùng vất vả. Tòa soạn cách nhà in hơn 6 cây số. Cả tòa soạn khi đó chỉ có một chiếc xe đạp phượng hoàng màu xanh rêu để phục vụ mua văn phòng phẩm và phát hành báo. Đôi khi vừa ở nhà in về đến tòa soạn lại có điện thoại gọi lên ngay để xử lý mặt báo. Giữa cái nắng mùa hè bỏng rát, chiếc xe đạp tuột xích kẹt cứng vào càng sau xe… thế là đành dắt xe chạy bộ cho kịp thời gian của nhà in.
Vượt quãng đường hơn 6 cây số chỉ để cắt bớt đi một dòng khoảng 6 từ. Rút kinh nghiệm cho những lần tất bật chạy lên chạy xuống để xử lý khâu thiếu, thừa vài từ, tôi luôn mang theo một đoạn dây đay (loại dây dùng để buộc cột chữ và bát chữ) làm dụng cụ đo các cột chữ sao cho khi mi trang vừa vặn. Mỗi bận từ nhà in về quần áo, tay chân, mặt mũi dính đầy mực in.
Rồi việc phát hành báo cũng không hề đơn giản. Tòa soạn có chiếc xe oto Rumani vừa đi vừa đẩy, thường dở chứng. Vậy là cán bộ phòng trị sự phải dùng xe đạp chở báo. Xe đạp cũng dở chứng xịt lốp, tuột pê đan thế là mấy chị em dùng quang gánh gánh báo ra bưu điện.
Công việc nào cũng cực nhọc
Làm phóng viên thời bao cấp có lẽ là nhiều ấn tượng nhất. Trước khi đi cơ sở, công việc đầu tiên là xin giấy công lệnh, chuẩn bị tem phiếu, sau mới đến việc bút, giấy. Vì mỗi bận đi cơ sở phải thường trú ở huyện cả tháng trời. Đến cơ sở việc đầu tiên không phải là tìm hiểu thông tin viết báo mà phải trình báo sự có mặt của mình, sau đó đăng ký với nhà ăn, rồi nộp tem phiếu…
Đi tác nghiệp, anh nào quan hệ giỏi thì mượn được chiếc xe đạp, còn không thì cứ đi xe của bộ. Có những cung đường không phương tiện nào đi nổi, phóng viên chỉ còn một lựa chọn là bộ hành. Từ huyện đi xã có khi phải mất hai ba ngày. Và một tuần không thay quần áo cũng là chuyện không lạ. Để có được thông tin báo chí, phóng viên phải ba cùng với đồng bào. Gánh nước, trồng rau, đi làm nương là việc nên làm, chỉ khi ấy, nhà báo mới có được thông tin để viết bài.
Nhiều khi đi cơ sở bị lỡ làng, không có cơm ăn, phải nhịn đói. Đêm, cánh nhà báo mới chong đèn làm việc. Dầu đèn cũng phải phân phối, không thể dùng thoải mái. Trong không gian tập thể, người ngủ, người thức cũng nhiều lúc bất tiện và không tránh khỏi sự khó chịu. Áp lực phải hoàn thành chỉ tiêu, gửi tin bài về tòa soạn là việc không dễ. Tin bài gửi bưu điện về tòa soạn được miễn phí, nhưng thường chậm, đôi khi thất lạc. Vậy là phải giải trình có lý, có tình mới được thanh toán công tác phí…
Ngày nay, thời đại công nghiệp 4.0, nghề làm báo cũng có nhiều sự biến đổi. Nhưng tính logic, sự kế thừa của quá trình biến đổi công nghệ quản trị, công nghệ làm báo tạo nên truyền thống của một tòa soạn. Dù thời đại nào thì nghề làm báo luôn chịu áp lực lớn, luôn cần đổi mới và sự cẩn trọng. Và một tờ báo càng giầu truyền thống thì càng thành công.
Gửi phản hồi
In bài viết