CCB Điện Biên gặp gỡ trò chuyện cùng CCB các thời kỳ.
Ký ức không quên
Cựu chiến binh (CCB) Đỗ Tiến ở tổ 16, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đặc biệt, ông là một trong những pháo thủ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, thuộc đơn vị pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm nay CCB Đỗ Tiến bước sang tuổi 90, mắt đã mờ, chân chậm, nhưng khi hỏi về chiến dịch cách đây 68 năm, CCB Đỗ Tiến nhớ từng khoảnh khắc.
Năm 1953, ông Tiến là một trong những chiến sỹ được cử đi học pháo cao xạ tại Trung Quốc. Sau 8 tháng huấn luyện, cả Trung đoàn về nước và tập kết thị xã Tuyên Quang. Ông Tiến bồi hồi kể: Đầu năm 1954, đơn vị được lệnh chuẩn bị tham gia chiến dịch Trần Đình. “Lúc ấy chúng tôi chỉ biết chiến dịch đấy tên gọi Trần Đình. Chiến dịch lớn nhất của quân đội. Sau này mới biết đấy là bí danh của chiến dịch Điện Biên Phủ”. Do đảm bảo bí mật, toàn bộ pháo đưa vào trận địa đều được kéo bằng sợi dây tời dệt từ dây rừng, bộ đội dùng tay trần, sức người để kéo. Hơn 1 tuần kéo pháo qua núi cao vực thẳm đầy gian khổ, khi vừa đến trận địa, đơn vị nhận lệnh cấp tốc kéo pháo ra.
“Trong lúc kéo pháo ra, do địa hình núi dốc, 1 dây tời bị đứt, lúc đó khẩu đội trưởng chúng tôi, anh hùng Tô Vĩnh Diện đang giữ càng pháo, trong lúc nguy cấp, anh đã hy sinh thân mình để cứu pháo, không để pháo rơi xuống vực tại dốc Chuối. Nối được dây tời, chèn lại pháo, chúng tôi mới lôi được anh lên. Anh thoi thóp thở. Trước lúc nhắm mắt, anh thì thầm trong gió, hỏi: “Pháo có sao không các đồng chí?”. Ngày ấy đám tang liệt sỹ Tô Vĩnh Diện được âm thầm tổ chức trong rừng, vì chiến dịch chưa mở màn, phải giữ bí mật cho con đường kéo pháo nên không có hương khói thắp mộ anh, không có tiếng súng vĩnh biệt. Biến đau thương thành hành động, với quyết tâm dâng cao ngùn ngụt, chúng tôi đã đưa pháo vào mặt trận để giành thắng lợi cuối cùng”.
CCB Nông Văn Ngọc, thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên (Chiêm Hoá) bên tấm ảnh quý ông chụp từ chiến trường.
Tiếp dòng ký ức về Điện Biên năm xưa còn có đôi vợ chồng CCB Nguyễn Văn Đác và vợ là bà Phùng Thị Cần, tổ 9, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang). Ông Đác là lính thông tin của Đại đội 22, Tiểu đoàn bộ, Sư đoàn 308, bà Cần là dân công hỏa tuyến tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch, nhiệm vụ của ông và đồng đội cùng đơn vị là đi trước, về sau, 2 vai 2 cuộn dây, giăng dây theo đường chiến hào giáp các cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, Mường Thanh, đồi A1. Đưa chúng tôi xem bức ảnh đen trắng gồm 3 chiến sỹ đang thu chiến lợi phẩm của địch, ông Đác kể: “Khi quân Pháp đầu hàng vô điều kiện, Tướng Đờ-cát bị bắt sống, tôi cùng 2 đồng chí được giao nhiệm vụ vào Hầm Tướng Đờ-cát tịch thu loa, đài, dây điện… Không ngờ khoảnh khắc đó được lọt vào ống kính của 1 nhà báo chiến trường. Sau ngày chiến thắng, tình cờ thấy bức ảnh của mình và đồng đội bên chiến lợi phẩm thu được đăng tải trên Báo Quân đội nhân dân, tôi cắt lại và lưu giữ cho đến bây giờ”. Suốt mấy chục năm qua, người cựu binh vẫn gìn giữ bức ảnh như một kỷ vật vô giá.
Phát huy truyền thống
Rất nhiều người lính sau kháng chiến chống Pháp lại tiếp tục tham gia các cuộc kháng chiến khác. Khi rời quân ngũ, nghỉ hưu, họ vẫn giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” tham gia tích cực các hoạt động xã hội, nêu gương, mẫu mực cho con cháu, cộng đồng. CCB Nguyễn Tất Lập, tổ 7, phường Tân Quang là một người như thế.
CCB Nguyễn Tất Lập sinh ra tại vùng địch tạm chiếm ở làng Kinh Xuyên, xã Tân Dân, huyện An Lão (Hải Phòng). Ông Lập kể, thời trẻ phải chứng kiến cảnh đàn áp, ức hiếp dân lành của bè lũ tay sai đã khiến ông và bao trai trẻ trong làng hừng hực lửa hận. Năm 1953, khi mới 19 tuổi, ông đi bộ đội. Nhờ có họ hàng tham gia hoạt động cách mạng kết nối, ông đã đến được đơn vị của ta và trở thành lính bộ binh, Trung đoàn 246, đóng quân tại Vĩnh Phúc, Lào Cai và Hà Giang. Sau khi đánh đuổi giặc tại Phúc Yên (Vĩnh Phúc), đơn vị ông nhận lệnh đánh phỉ quấy nhiễu dân và bộ đội ở một số tỉnh biên giới phía Bắc, đồng thời tuyên truyền, kêu gọi người dân không nghe theo giặc xúi giục để trở lại giữ làng.
Sau đánh Pháp, ông được điều chuyển về Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tuyên phụ trách mảng tài chính. Năm 1987, ông nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tá. Về địa phương, ông tiếp tục tham gia các tổ, hội ở tổ dân phố, phường. Đến nay ông có 25 năm gắn bó vai trò Tổ trưởng quản lý Đền Hạ, Kiếp Bạc, ông đã tham mưu, đề xuất các cấp chính quyền giải tỏa các hộ dân xung quanh để quy hoạch thành quần thể di tích đền Hạ và đền Kiếp bạc; trùng tu lại 2 ngôi đền khang trang bằng nguồn công đức và đóng góp của doanh nghiệp.
CCB Hoàng Việt Trung (thứ 2 từ trái sang) trong buổi hỗ trợ nhà ở tại huyện Yên Sơn.
Cũng giống như CCB Nguyễn Tất Lập, những người lính chống Pháp nói chung, lính Điện Biên nói riêng khi trở về địa phương, lại tiếp tục cống hiến sức trẻ công tác các cơ quan, đơn vị, phát triển kinh tế gia đình đẩy lùi cái đói, cái nghèo. Ví như CCB Điện Biên Trương Thanh Bình, phường An Tường sau khi nghỉ hưu năm 1993, ông được bầu làm Chủ tịch Hội CCB xã An Tường, Chủ tịch Hội CCB huyện Yên Sơn và Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/ dioxin trong tỉnh.
Trong 7 năm làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/dioxin, ông Bình đã cùng các cơ quan chức năng của tỉnh xét công nhận hưởng chế độ da cam/dioxin cho nhiều người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trong tỉnh. Hay CCB Nguyễn Văn Đác, tổ 9, Ỷ La, phục viên trở về địa phương, ông Đác luôn phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”. 45 năm gắn bó với xã, tổ dân phố, ông luôn được cấp ủy, chính quyền, nhân dân tin yêu vì gương mẫu, tận tụy. Ông luôn căn dặn con cháu nỗ lực học tốt, công tác tốt, lao động sản xuất tốt để đóng góp xây dựng địa phương, quê hương. Gia đình ông có 7 người con, cháu là đảng viên, đó là điều ông Đác luôn tự hào.
Tiếp nối truyền thống cha ông, những người con CCB chống Pháp nói chung, chiến sỹ Điện Biên nói riêng đã sớm giác ngộ cách mạng. Họ rèn đức, luyện tài trở thành người có ích cho xã hội. CCB Hoàng Việt Trung, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Thương mại Tiến Thuận, tổ 4, phường Tân Hà là con trai cụ Hoàng Minh, CCB chống Pháp. CCB Hoàng Việt Trung sớm giác ngộ cách mạng, khi vừa đủ tuổi quân, ông đăng ký nhập ngũ, tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Xuất ngũ trở về đời thường, làm đủ nghề kiếm sống, làm giàu. Đến nay, ông đã xây dựng doanh nghiệp phát triển với nhiều ngành nghề như kinh doanh vật liệu xây dựng, vận tải, xây dựng…
Đây là một trong những đơn vị đi đầu thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Hàng năm, công ty đều trích một phần lợi nhuận hỗ trợ người nghèo làm nhà ở, tặng quà gia đình chính sách, ủng hộ sửa chữa trường học, xây dựng nhà văn hóa, nhà bia tưởng niệm, làm đường bê tông nông thôn xây dựng nông thôn mới, phòng chống đại dịch Covid-19, ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lụt… Từ năm 2019 đến nay, công ty đã đóng góp, ủng hộ trên 1,1 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh. Tiêu biểu, trong 3 năm (2019 - 2021), công ty đã hỗ trợ vật liệu xây mới, sửa chữa 12 nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, Yên Sơn, Sơn Dương và Chiêm Hóa, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 410 triệu đồng. Vào các dịp lễ, tết hàng năm, công ty đều tổ chức tặng quà cho hộ nghèo ăn tết, hỗ trợ kinh phí địa phương tổ chức Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi, tặng quà cho gia đình chính sách nhân ngày Thương binh - Liệt sỹ…
68 năm trôi qua, trong ký ức những người lính năm xưa vẫn vẹn nguyên hình ảnh hào hùng của đồng đội. Giờ đây, trở lại đời thường sau chiến thắng họ tiếp tục viết tiếp bản hùng ca bất diệt, cống hiến sức người, sức của xây dựng quê hương, đất nước; động viên con cháu phát truyền thống cách mạng tích cực lao động, làm việc có ích cho gia đình, xã hội, xứng danh con cháu Cụ Hồ.
Gửi phản hồi
In bài viết