Xuất khẩu dệt may đang tăng trưởng mạnh.
Sức bật của nhiều nhóm mặt hàng chủ lực
Hồ tiêu là một trong những ngành hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rất cao. Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam thông tin, tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 203 nghìn tấn hồ tiêu, với trị giá hơn 1 tỷ USD, giảm 1,5% về lượng nhưng tăng tới 46,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, với việc giá xuất khẩu đang thuận lợi, năm 2024 ngành hồ tiêu sẽ mang về 1,3 tỷ USD…
“Trong 3-5 năm tới, sản lượng hồ tiêu toàn cầu vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Do đó, hồ tiêu Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội giữ vững tăng trưởng”, bà Hoàng Thị Liên thông tin.
Với mặt hàng dệt may - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta, thông tin từ Tổng công ty May 10 cho biết, May 10 đang khẩn trương hoàn thành các đơn hàng năm 2024 và đơn vị đã kín đơn hàng đến hết tháng 2/2025.
Hiện May 10 đang đàm phán các đơn mới kéo dài đến quý I/2025 và có khoảng 70% đơn hàng quý I/2025 đã được chốt. Đặc biệt, dự kiến doanh thu của năm 2024 của công ty sẽ tăng từ 10-20% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, dệt may là một trong những ngành sản xuất công nghiệp chủ lực đang có nhiều thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu.
Bởi sau khi Fed hạ lãi suất 0,5% vào đầu tháng 9 khi lạm phát của Mỹ, EU có xu hướng giảm, điều này giúp kích thích tiêu dùng ở hai thị trường lớn tiêu dùng hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam với kỳ vọng các đơn hàng sẽ được cải thiện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các yếu tố về mùa vụ, lễ hội và dịp cuối năm, các chính sách giảm giá, kích thích tiêu dùng của các hãng cũng sẽ mang tới mùa mua sắm cuối năm nhộn nhịp hơn.
“Từ nay đến năm 2025, trước những biến động trên thị trường, Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục là một trong những quốc gia hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển đơn hàng dệt may, dự kiến, xuất khẩu dệt may sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng”, ông Trương Văn Cẩm cho biết.
Hiện nay, hầu hết các ngành hàng của Việt Nam, từ hàng công nghiệp chế biến đến nông sản đều đang được hưởng lợi trong xuất khẩu. Thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tới hầu hết các thị trường, nhất là các thị trường là đối tác thương mại lớn đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, tiếp đến là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu tiếp tục được Bộ Công thương chỉ đạo các Thương vụ tại các nước hoạt động tích cực, kết hợp khai thác các thị trường truyền thống với mở rộng các thị trường mới (châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á). Do vậy, xuất khẩu của Việt Nam tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng khả quan.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 278,84 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã đạt 508,47 tỷ USD sau 9 tháng đầu năm.
Chia sẻ về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, hiện nay, tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm khoảng 87-88% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhóm khoáng sản và nông sản chỉ chiếm khoảng 12%.
“Cơ cấu mặt hàng ngày càng đa dạng về chủng loại, quy mô hàng hóa xuất khẩu tăng cao. Đồng thời, chúng ta cũng phát triển được một số mặt hàng mới như dụng cụ, phụ tùng, đồ chơi. Hay với rau quả, chúng ta thấy sự nổi bật của mặt hàng sầu riêng. Với dư địa dự báo còn tăng cao, đây được coi là điểm sáng và vẫn sẽ là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong thời gian tới”, bà Nguyễn Cẩm Trang nêu rõ.
Các mặt hàng nông sản xuất khẩu đang được lợi lớn về giá.
Cơ hội nào cho quý cuối năm?
Nhu cầu của các thị trường nhập khẩu cuối năm với nhiều lễ hội lớn vẫn đang tăng và điều này có lợi cho tăng trưởng xuất khẩu quý còn lại, đặc biệt với các ngành may mặc, giày dép, điện tử và nông lâm thủy sản... Bên cạnh đó, vị thế của hàng Việt tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đang có sự tăng trưởng cao.
Đáng chú ý, bên cạnh sự gia tăng của tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thời gian qua cũng có sự tăng trưởng mạnh. Đáng nói, nhập khẩu hàng hóa vẫn đang chủ yếu tập trung vào các mặt hàng nguyên phụ liệu, tư liệu phục vụ sản xuất, cho nên sự gia tăng này hoàn toàn có thể mang lại kết quả tích cực cho xuất khẩu giai đoạn cuối năm.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định: “Với tình hình đơn hàng hiện tại và nhìn vào tốc độ tăng tốc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, nếu các doanh nghiệp có sự nỗ lực cố gắng từ nay đến cuối năm, thì trong cả năm 2024 khả năng Việt Nam sẽ chạm mốc kim ngạch xuất khẩu khoảng 770-780 tỷ USD. Trong trường hợp thuận lợi, thậm chí có thể đạt đến 800 tỷ USD xuất nhập khẩu, vượt xa mức kỷ lục xuất nhập khẩu 732 tỷ USD vào năm 2022. Đây là con số cao, nhưng hoàn toàn có thể đạt được”.
Để tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp, bà Nguyễn Cẩm Trang chia sẻ, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các vấn đề chủ yếu liên quan đến công tác phát triển thị trường, cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp.
Trong đó, Bộ đã chỉ đạo mạng lưới Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá nỗ lực của doanh nghiệp Việt trong việc thích ứng, đáp ứng được các “tiêu chuẩn xanh” của các nước.
Các nội dung hướng dẫn, thông tin liên quan đến quy định của nước ngoài, các sổ tay cũng sẽ được triển khai thực hiện để đưa đến cho hiệp hội, doanh nghiệp các thông tin kịp thời, nhanh nhất để doanh nghiệp có thể chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng để có những đào tạo, tập huấn liên quan đến mẫu mã, thương hiệu, thiết kế sản phẩm, để các sản phẩm xuất khẩu có thể phát triển bền vững tại các thị trường nhập khẩu.
Gửi phản hồi
In bài viết