Làm giàu từ nuôi rắn

- Ngày đầu xuân Ất Tỵ, tôi có dịp trò chuyện với anh Trần Xuân Vượng, tổ 6, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) - người đã có hàng chục năm gắn bó với nghiệp nuôi rắn - để hàn huyên, bàn chuyện con rắn. Với anh, câu chuyện khởi nghiệp với loài mãng xà hung dữ này như một cái duyên.

Khởi nghiệp

Năm 2012, một lần tình cờ đến nhà bạn học cùng trường Đại học Nông nghiệp ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao (Phú Thọ), thấy có mô hình chăn nuôi rắn hổ mang đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh Vượng bắt tay nuôi thử 35 con rắn hổ mang. Vừa học hỏi và tìm hiểu thêm thông tin trên mạng Internet, anh đồng thời hoàn thiện các thủ tục cấp phép nuôi động vật hoang dã.

Anh Trần Xuân Vượng, tổ 6, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang).

Sau khi đã hoàn thiện các thủ tục, năm 2013, anh bắt đầu nuôi đại trà với 105 con rắn hổ mang sinh sản. Anh Vượng cho biết: Nuôi rắn không phải mất nhiều công chăm sóc và đầu tư thức ăn như chăn nuôi lợn. Nguồn thức ăn cho rắn cũng rất dễ kiếm, chủ yếu là cóc, nhái, gà con, vịt con thải loại thu mua tại các cơ sở ấp trứng gia cầm trên địa bàn...

Do rắn là động vật biến nhiệt nên 5 tháng mùa đông chúng không ăn. Như vậy chỉ phải cho rắn ăn tầm 7 tháng, mỗi tháng là 8 bữa, mỗi bữa thức ăn bằng 10% cơ thể của chúng, cụ thể rắn 1 kg sẽ ăn 1 lạng thức ăn một bữa. Hơn nữa, nuôi rắn không phải lo thị trường tiêu thụ vì cứ có sản phẩm ra là có người đến thu mua, giá bán lại cao. 

Khu vực chuồng trại được anh xây dựng kiên cố, khoa học, sạch sẽ, có mái che, lưới sắt bảo vệ, hệ thống điện và máy làm lạnh,… đảm bảo điều kiện môi trường thuận lợi nhất cho rắn sinh trưởng và phát triển. Với diện tích chưa đầy 400 m2 nhưng chuồng trại của gia đình anh lại có sức chứa gần 4.000 con rắn hổ mang có cân nặng bình quân từ 2,5 kg - 3 kg.

Ngoài nuôi rắn thịt làm thương phẩm, anh Vượng còn ghép đôi cho rắn đẻ trứng, ấp nở nuôi tái đàn và bán trứng rắn. Với thị trường tiêu thụ sản phẩm rắn hổ mang đa dạng, phong phú cả trong và ngoài nước cùng 12 năm kinh nghiệm trong nghề, đến nay, anh Vượng đã xuất bán ra thị trường hàng chục nghìn quả trứng rắn và khoảng 6 - 7 tạ thịt rắn mỗi năm, cho doanh thu gần 1 tỷ đồng.

Anh Trần Xuân Vượng, tổ 6, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) kiểm tra, chăm sóc chuồng nuôi rắn của gia đình.

Bước đệm cho làng nghề trong tương lai

Nhận thấy mô hình nuôi rắn của gia đình anh có hiệu quả, nhiều hộ ở dân ở tại địa phương và các huyện lân cận cũng đến học cách nuôi rắn. Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn họ về cách xây dựng chuồng trại, giúp đỡ về giống rắn con để nuôi ban đầu. Hiện, toàn phường Mỹ Lâm cũng có 20 hộ nuôi rắn cho thu nhập ổn định, anh Vượng và các hộ nuôi rắn trên địa bàn cũng đã thành lập tổ nhóm nuôi rắn để chia sẻ kinh nghiệm và bao tiêu sản phẩm cho các thành viên.

Anh Ngô Văn Toán, tổ 6, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) chia sẻ: “Được anh Vượng chia sẻ cho cách khởi nghiệp từ nuôi rắn, chúng tôi rất may khi có anh Vượng người địa phương rất tâm huyết, hướng dẫn tận tình cho bà con cách nuôi và tiêu thụ sản phẩm, hiện gia đình tôi cũng đang nuôi hơn 1.500 con rắn và cho gia đình nguồn thu nhập ổn định”.

Hiện nay, Mỹ Lâm đã lên phường và trở thành “vùng lõi” của Khu du lịch Suối khoáng nóng Mỹ Lâm. Tập đoàn Vingroup đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Vinpeal Tuyên Quang và trong tương lai gần, suối khoáng sẽ thành trung tâm du lịch lớn của Tuyên Quang. Sản phẩm rắn của anh Vượng và các thành viên liên kết nuôi rắn trong tại địa phương sẽ trở thành món đặc sản, cung cấp cho khách du lịch, đồng thời thúc đẩy nghề nuôi rắn đặc sản ở địa phương phát triển.

Bài, ảnh: Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục