Hình thành vùng chuyên canh
Hiện nay vùng chuyên canh cây na lớn nhất của tỉnh nằm ở huyện Yên Sơn, mà lớn nhất của huyện Yên Sơn nằm ở xã Lực Hành, mà lớn nhất của xã Lực Hành lại nằm ở thôn Minh Khai. Theo Trưởng thôn Minh Khai Bùi Văn Lộc thì toàn huyện có khoảng 300 ha na, thì riêng thôn Minh Khai chiếm trên 90 ha. Như vậy tính ra mỗi gia đình ở thôn có khoảng 1 ha trồng cây na. Trên địa bàn xã ngoài cây dong riềng, bưởi, thì cây na là mặt hàng chủ lực, đem lại kinh tế cho người dân.
Ông Nguyễn Doanh Quế, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Minh Khai chăm sóc vườn na 1 ha của gia đình.
Khá lâu rồi tôi mới có dịp trở lại thôn Minh Khai. Những con đường đất bùn lầy trước kia được thay bằng những con đường bê tông, dẫn cả vào các khu sản xuất. Ở đây những ngôi nhà xây khang trang, bề thế xuất hiện ngày càng nhiều. Điều đó chứng tỏ kinh tế các hộ dân khá lên nhanh chóng nhờ trồng cây ăn quả. Ông Nguyễn Doanh Quế, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Minh Khai cho biết, cách đây khoảng nửa thế kỷ những người quê ở Hà Tây cũ lên Lực Hành xây dựng vùng kinh tế mới. Nhận thấy đây là vùng đất sát sông Gâm, có thung lũng đồi núi đá vôi màu mỡ, giàu khoáng chất nên trồng thử cây na dai trên đất vườn nhà. Lúc đầu cũng chỉ nghĩ mỗi nhà trồng vài cây để ăn chơi. Không ngờ dần dà thấy na thơm, ngọt nên có nhiều khách tới hỏi mua, nhất là dịp vào Rằm tháng Bảy, tháng Tám hàng năm.
Năm 1996 phong trào trồng cây na trên sườn đồi, núi ở thôn Minh Khai bắt đầu bung ra. Và hơn chục năm trở lại đây cây na thành cây hàng hóa chủ lực của thôn. Cây na rất dễ trồng, người ta thường ươm hạt, có thể trồng quanh năm, chỉ trừ mùa đông là cây rụng lá, ít phát triển. Cây phát triển tốt nhất trên những sườn núi đá vôi, khoảng 3 năm bắt đầu cho quả. Có 3 giống na là na dai, na bở và na phấn. Tuy nhiên ở Minh Khai người ta chỉ trồng na dai cho chất lượng cao hơn, bảo quản dễ hơn.
Cây na chịu hạn khá tốt và hay chết do ngập úng. Vì vậy, cây na thích hợp trồng trên sườn núi, vừa thoát nước tốt, vừa thoáng khí, dãi nắng. Ngoài bón thêm vôi, phân chuồng, phân vi sinh, phân tổng hợp, cây na phải được tỉa tạo tán, phun thuốc trừ sâu sinh học phòng trừ rầy, rệp, thán thư, thối rễ, ruồi đục quả. Đến nay quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, phân phối của người dân thôn Minh Khai khá thuần thục, đi vào chuyên nghiệp. Thời điểm này đi đâu trong xã cũng thấy những vườn na xanh mướt, trĩu quả, đầy sức sống. Năm 2023, na dai Lực Hành trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của xã, sản phẩm phục vụ cho thị trường Rằm tháng Bảy và Tết Trung thu hằng năm. Nhờ tính hiệu quả của cây na, năm qua toàn xã đã trồng mới thêm được 14 ha na, nâng tổng diện tích cây na ở xã Lực Hành lên 123 ha, tập trung nhiều ở các thôn Minh Khai, Bến, Làng Trà, Đồng Rôm, Làng Quài.
Giá trị kinh tế cao
Những ngày này lượng xe tải đổ về thôn Minh Khai chở hàng ngày một nhiều. Cả thôn có hàng chục điểm thu mua na, tấp nập người chở na ra vào. Chị Phạm Thị Hiền, một lái buôn ở tỉnh Yên Bái đang đóng hàng lên xe tải cho biết, mỗi chuyến xe của chị thu mua, chở khoảng 4 - 5 tấn na. Hàng ở đây khi về được đóng gói xuất đi Hà Nội, Trung Quốc là chủ yếu và một số tỉnh, thành khác. Quả na loại A đang được thu mua tại thôn từ 30 - 35 nghìn đồng 1 kg; loại B trên 20 nghìn đồng và loại C khoảng 15 nghìn đồng. Nhiều năm nay giá thu mua rất ổn định, lượng hàng không đủ cung cấp cho thị trường rộng lớn. Người trồng na ở Lực Hành khá yên tâm về đầu ra, giá cả, tập trung mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng cây na.
Niềm vui của người dân xã Lực Hành khi cây na cho hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với cán bộ thôn Minh Khai xuống thăm đồi na hơn 1,5 ha của chị Phạm Thị Phương, những cây na hàng chục năm tuổi đang độ sung mãn cho chất lượng quả tốt. Chị Phương tâm sự, mỗi năm gia đình thu hoạch được gần 10 tấn quả, doanh thu trên 200 triệu đồng. Còn ông Nguyễn Doanh Quế, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Minh Khai đi cùng đoàn khẳng định, gia đình ông năm nay thu khoảng 130 triệu đồng tiền bán quả na. Đấy là chưa kể các hộ ở Minh Khai đều trồng thêm bưởi, thu hàng trăm triệu đồng tiền bán quả hàng năm. Đời sống các hộ dân thôn Minh Khai khá lên trông thấy. Ở đây người ta không nói chuyện xóa nghèo, mà nói chuyện làm giàu.
Theo chu kỳ thì cây na cho 1 vụ/năm vào thời điểm tháng 7 và tháng 8 âm lịch. Nhưng người trồng na Lực Hành đã kích thích, thụ phấn cho na ra hoa, kết quả trái vụ. Na trái vụ sẽ thu hoạch vào dịp cuối năm, giá bán có thể cao gấp đôi giá bán chính vụ. Như vậy việc dưỡng cây để cho 1 năm 2 vụ na trên một đơn vị diện tích là việc rất quan trọng của người dân nơi đây. Để trái na to, ngon, mẫu mã đẹp thì bên cạnh thổ nhưỡng, khí hậu, công cuộc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người nông dân rất quan trọng. Các hộ trồng na được cán bộ khuyến nông tập huấn các kỹ năng chọn giống, trồng, bón phân, tưới nước, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh, tỉa tạo tán, thu hái, bảo quản na. Những cây na bố mẹ tốt, được các hộ lấy hạt ươm giống cây na con. Mỗi bầu cây giống giá 5.000 đồng, cây na có thể trồng quanh năm, chỉ trừ mùa đông.
Quả na thu hái được vận chuyển đến điểm lái thương thu mua.
Đồng chí Trần Huy Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Lực Hành khẳng định, ngoài cây bưởi, thì cây na cũng là chủ lực kinh tế của xã. Căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh, địa phương đã từng bước quy hoạch vùng chuyên canh trồng cây na trên địa bàn, hàng năm diện tích không ngừng được mở rộng. Thương hiệu na Lực Hành, sản phẩm được đóng gói bao bì, nhãn mác, trích dẫn địa lý cụ thể được khách hàng tin tưởng. Năng suất của cây na khoảng 5 - 6 tấn quả/ha, tuy nhiên cây na có thể 2 vụ một năm. Như vậy giá trị trên một đơn vị diện tích được gia tăng. Toàn thôn Minh Khai có 92 hộ thì đều chủ yếu là hộ khá giả của xã nhờ trồng cây ăn quả. Điều đó minh chứng, việc quy hoạch, phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả, trong đó có cây na đang đi đúng hướng, biến Lực Hành trở thành thủ phủ vùng na của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết