Toàn cảnh điểm di tích ở Lũng Tẩu, thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương).
Địa điểm di tích ở tả ngạn suối Lũng Tẩu nằm dưới tán rừng nguyên sinh, cách làng Tân Lập, xã Tân Trào 3km. Từ ngày 12-9 đến ngày 16-12-1948, Bác Hồ đến ở, làm việc tại Lũng Tẩu, thôn Tân Lập và từ 10-1 đến ngày 6-4-1949, Bác về Lũng Tẩu lần thứ hai.
Trong thời gian ở Lũng Tẩu, Bác làm việc trong một căn lán nhỏ được làm 2 gian theo kiểu nhà sàn của đồng bào nơi đây, cột làm bằng gỗ rừng, xung quanh thưng phên nứa, mái lợp bằng lá cọ. Đường từ lán xuống suối làm thành từng bậc rải sỏi, cách lán 5 mét là giếng nước, cách giếng nước một đoạn là sân bóng chuyền. Thời gian này, mặc dù bận rộn nhiều công việc nhưng Bác Hồ vẫn dành thời gian luyện tập thể thao, chơi bóng chuyền… để rèn luyện sức khoẻ.
Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định nhiều chủ trương, đường lối và ban hành sắc lệnh quan trọng chỉ đạo cuộc kháng chiến của quân và dân ta giành thắng lợi.
Bia di tích lán ở và làm việc của Bác Hồ ở Lũng Tẩu, thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương).
Người đã ra lời kêu gọi nhân dịp 3 năm kháng chiến, chủ trì nhiều phiên họp của Hội đồng Chính phủ, dự Hội nghị Cán bộ Trung ương lần thứ 6 (từ 14 – 18/1/1949), ký Sắc lệnh thành lập Trường Cao đẳng Kỹ thuật. Đặc biệt, mừng Xuân Kỷ Sửu 1949, tại Lũng Tẩu Bác đã viết bài thơ Chúc Tết nhằm khích lệ phong trào thi đua của quân và dân ta: “Kháng chiến lại thêm một năm mới/ Thi đua ái quốc thêm tiến tới/ Động viên lực lượng và tinh thần/ Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi/ Ngành ngành thi đua/ Ngày ngày thi đua/ Ta nhất định thắng/ Địch nhất định thua”.
Di tích lán ở và làm việc của Bác Hồ ở Lũng Tẩu nằm trong quần thể các di tích lịch sử cách mạnh thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào. Nơi đây đã trở thành địa chỉ quen thuộc để người dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu về thời kỳ Bác Hồ ở ATK Tân Trào (Sơn Dương).
Gửi phản hồi
In bài viết