Theo sử sách, vào năm 1429, ông Nguyễn Kim Lâu người làng Đồng Xâm làm nghề hàn sanh và nồi đồng đã lên châu Bảo Lạc (nay thuộc Cao Bằng) hành nghề. Tại đó ông học được nghề chạm bạc, kim hoàn. Trở về, ông truyền dạy nghề cho dân làng và mở rộng ra các làng lân cận. Ông được dân làng suy tôn là tổ nghề.
Thời gian đầu, thợ Đồng Xâm chủ yếu làm các sản phẩm đơn giản và sửa chữa đồ gia dụng bằng đồng, sau làm đồ trang sức tinh xảo với các chất liệu quý như vàng, bạc. Đến cuối thời Lê Trung hưng, nghề chạm bạc Đồng Xâm đã nổi tiếng, phát triển thành các phường thợ, mỗi phường làm một công đoạn như trơn, đầu, đậu, chạm. Từ cuối thế kỷ XVIII, nhiều thợ bạc Đồng Xâm được triệu lên kinh đô phục vụ triều đình làm các vật dụng khảm, chạm vàng bạc trên ngai thờ, mũ thờ. Thời nhà Nguyễn, thợ bạc Đồng Xâm làm nhiều sản phẩm để triều đình dùng làm quà tiến cúng.
Chạm bạc là một nghề khó, ngoài yếu tố khéo léo của đôi tay, sáng tạo của bộ óc còn đòi hỏi sự kiên trì, chỉn chu. Trong đó, chạm là công đoạn đòi hỏi sự tập trung nhất. Nghệ nhân phải hết sức khéo léo, cẩn thận, không được phép sai dù chỉ một chi tiết nhỏ, nếu không, toàn bộ sản phẩm đó coi như phải bỏ.
Các sản phẩm của làng nghề Đồng Xâm được phân làm 3 nhóm chính là: Đồ thờ - trang trí bao gồm các loại đỉnh, vạc, lư hương, đĩa quả, chân đèn, tứ linh, tranh; đồ gia dụng gồm các loại bát, đĩa, ấm, chén; đồ trang sức gồm các loại dây chuyền, xà tích, nhẫn, hoa tai, lắc, vòng, trâm, khánh... Các sản phẩm Đồng Xâm đa dạng, đẹp và tinh xảo.
Nghề chạm bạc Đồng Xâm từng mai một trong quá khứ nhưng hiện tại rất phát triển. Hiện nay, nghề chạm bạc đã thu hút hơn 50% số lao động của xã Hồng Thái, Lê Lợi với hơn 4.000 lao động có thu nhập ổn định, giá trị sản xuất đạt hàng trăm tỷ đồng/năm. Sản phẩm Đồng Xâm có mặt ở nhiều nơi trên cả nước và được xuất khẩu ra nước ngoài. Nhiều nghệ nhân giỏi của làng đã được phong Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.
Mặc dù hiện nay đã có máy móc hỗ trợ cho công việc, song vẫn có những công đoạn phải làm thủ công, nhất là công đoạn chạm - thể hiện sự tài hoa và sáng tạo của nghệ nhân. Đó chính là nét tinh hoa của làng nghề.
Gửi phản hồi
In bài viết