Làng lụa Vạn Phúc hút khách trong Tuần Văn hóa-Du lịch

Khách du lịch được thưởng thức, trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc, khám phá nét tinh hoa của làng lụa Vạn Phúc trong Tuần Văn hóa-Du lịch-Thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2024.

Lễ rước tôn vinh tổ nghề thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.

Hưởng ứng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập quận Hà Đông, tối 30/11, tại làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội), Ủy ban nhân dân quận (UBND) Hà Đông, UBND phường Vạn Phúc tổ chức chương trình khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch-Thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2024.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Dự, Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc cho biết, Tuần Văn hóa-Du lịch-Thương mại làng nghề Vạn Phúc là một hoạt động tiêu biểu, là niềm tự hào góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống, di sản đặc sắc - nghề dệt Lụa tơ tằm và các loại hình dịch vụ đa dạng của địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Tuần Văn hóa-Du lịch-Thương mại làng nghề Vạn Phúc năm nay được tổ chức với chủ đề “Quê lụa Hà Đông - Tinh hoa hội tụ” chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập Hà Đông diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 6/12/2024, gồm 3 phần: Phần Lễ, phần Hội và phần Thương mại - quảng bá làng nghề.

Trong đó, phần lễ có nhiều hoạt động hấp dẫn với điểm nhấn là Lễ rước tôn vinh Tổ nghề vào ngày 1/12, với sự tham gia của trên 1000 người, để ghi ơn Đức Đương Cảnh Thành Hoàng - A Lã Đê Nương - Nga Hoàng Đại Vương, người đã có công Chiêu dân, lập ấp Vạn Bảo (nay là Vạn Phúc), và truyền dạy nhân dân Vạn Phúc nghề dệt lụa.

Tiếp đó, lễ báo công Tổ nghề và khai trương nhà truyền thống làng nghề tại khu Đền phường cửi vào ngày 4/12. Đây là nơi trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật nhằm vinh danh những đóng góp quan trọng của các nghệ nhân, thợ giỏi đối với việc bảo tồn, phát triển làng nghề qua các thời kỳ, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Phần hội là màn trình diễn những di sản văn hóa phi vật thể độc đáo như: múa nối nước, biểu diễn rối cạn, ca trù, hát văn… Tại đây, khách tham quan cũng được khám phá không gian văn hóa các làng nghề truyền thống của Hà Nội, như: làng hương Quảng Phú Cầu, mỹ nghệ tre mây tre đan Phú Vinh, áo dài Trạch Xá... Trong đó, phần giới thiệu làng lụa Vạn Phúc là trung tâm, tạo nên một không gian văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, đa dạng sắc mầu trong Tuần Văn hóa.

Phần Thương mại - quảng bá làng nghề cũng có nhiều hoạt động như: Phục vụ xe điện miễn phí cho du khách thăm quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa như: Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi Bác Hồ viết lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946, cụm di tích đình - chùa - miếu - đền thờ Tổ nghề,... và các nơi diễn ra những hoạt động của Tuần văn hóa, nhằm quảng bá giới thiệu với du khách đến với Vạn Phúc.

Tuần Văn hóa-Du lịch-Thương mại Vạn Phúc 2024 nhằm thu hút du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm về lịch sử, văn hóa truyền thống và nét đẹp con người quê lụa Vạn Phúc nói riêng và Hà Đông nói chung, qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể - nghề dệt lụa truyền thống; tăng cường công tác quảng bá tiềm năng thế mạnh về du lịch; thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác liên kết du lịch giữa các làng nghề trên địa bàn Thành phố Hà Nội, tôn vinh những nét văn hóa, những sản phẩm thủ công truyền thống có giá trị cao đến du khách trong nước và quốc tế.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục